Những chuyển động mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng
Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII diễn ra sớm và ngắn hơn dự kiến, với chương trình làm việc cả ngoài giờ hành chính, thể hiện rõ tinh thần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng.
Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước biểu quyết thông qua chương trình hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Ngày 18/9, Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội với nhiều điểm đổi mới đặc biệt.
Hội nghị lần này diễn ra sớm hơn và ngắn hơn dự kiến với chương trình làm việc cả ngoài giờ hành chính.
Điều này đã thể hiện rõ tinh thần “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới” - tựa đề bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm mới đây.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nêu rõ: “Hội nghị diễn ra vào thời điểm rất đặc biệt: Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo đặc biệt xuất sắc, nhà tư tưởng, ngọn cờ lý luận của Đảng đã vĩnh biệt chúng ta vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang quyết tâm thực hiện thắng lợi toàn diện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; bão số 3 gây thiệt hại hết sức nặng nề về người và tài sản ở hầu hết các tỉnh, thành phố phía Bắc; khi toàn Đảng, toàn quân, toàn dân đang tập trung nỗ lực cao nhất để khắc phục hậu quả do bão gây ra.”
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Tại Hội nghị lần này, Trung ương thảo luận, cho ý kiến về 10 nội dung thuộc 2 nhóm vấn đề chiến lược và một số việc cụ thể.
Khối lượng công việc lớn cần phải giải quyết trong thời gian ngắn, với tinh thần công tâm, trong sáng, khoa học, khách quan, thận trọng, kỹ lưỡng, Trung ương cho ý kiến về những công việc quan trọng để tăng tốc “về đích” thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng - mục tiêu cao nhất của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta trong năm 2025; là nền tảng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược 100 năm dưới sự lãnh đạo của Đảng và hướng tới 100 năm thành lập nước.
Chính vì vậy, ngay sau phiên khai mạc, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã làm việc tại tổ thảo luận về dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIV của Đảng; Báo cáo Tổng kết một số vấn đề lý luận và thực tiễn về công cuộc đổi mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong 40 năm qua ở Việt Nam.
Buổi chiều, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ thảo luận về dự thảo Báo cáo đánh giá 5 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030, phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2026-2030; dự thảo Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025; Báo cáo đánh giá tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước năm 2025; Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027; chủ trương Đề án đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam.
Buổi tối, Ban Chấp hành Trung ương Đảng làm việc tại tổ thảo luận về Tổng kết công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và Phương hướng công tác nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV; Đề án sửa đổi, bổ sung Quyết định số 244-QĐ/TW, ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về việc ban hành Quy chế bầu cử trong Đảng; dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng trình Đại hội XIV của Đảng.
Phiên khai mạc Hội nghị lần thứ 10 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XIII. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)
Có thể thấy một khối lượng công việc đồ sộ, rất quan trọng nhưng trước yêu cầu của thực tiễn đặt ra, Trung ương xác định các công việc phải được thực hiện với quyết tâm cao nhất, nỗ lực lớn nhất, hành động quyết liệt với nhiều giải pháp để đạt hiệu quả cao nhất, bảo đảm đạt và phấn đấu vượt các mục tiêu đề ra.
Điều đó cho thấy trách nhiệm của Đảng trước nhân dân, trước lịch sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc, trước bạn bè quốc tế; là minh chứng khẳng định năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng, do vậy phải tập trung mọi nguồn lực, biện pháp để hoàn thành.
Tinh thần nêu gương của Trung ương Đảng trước thời điểm lịch sử mới, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, chắc chắn sẽ lan tỏa đến các cấp, các ngành trong toàn hệ thống chính trị.
Trong bài viết mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã khẳng định trong hơn 94 năm lãnh đạo Cách mạng, Đảng ta không ngừng tìm tòi, phát triển, bổ sung, hoàn thiện phương thức lãnh đạo, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền. Đây là yếu tố then chốt bảo đảm cho Đảng luôn trong sạch, vững mạnh, đưa con thuyền cách mạng vượt qua mọi thác ghềnh, giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Trên cơ sở quan điểm của chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại hội VII của Đảng lần đầu tiên đề cập “đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng”, nhấn mạnh cần “quy định cụ thể mối quan hệ và lề lối làm việc giữa Đảng với Nhà nước và các đoàn thể nhân dân ở các cấp, trước hết là ở Trung ương.”
Các Đại hội VIII, IX, X, XI và XII đều tiếp tục bổ sung, phát triển quan điểm về phương thức lãnh đạo của Đảng. Đại hội XIII nhấn mạnh “Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo của Đảng trong điều kiện mới.”
Thời gian để hoàn thành các mục tiêu của Đại hội Đảng XIII không còn nhiều, tình hình trong nước và thế giới còn nhiều yếu tố bất lợi, hậu quả của bão số 3 - cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua cũng đang đòi hỏi những giải pháp cần làm ngay để sớm ổn định cuộc sống của người dân, khôi phục lại các hoạt động kinh tế-xã hội, tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, đồng thời đang phải ứng phó với áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 4, dự báo ảnh hưởng đến các tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ.
Bởi vậy, đây chính là lúc cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng mà Hội nghị Trung ương lần này đã có những bước tiên phong, thể hiện trong việc tổ chức các kỳ họp, hội nghị... để tập trung cho các công việc cấp bách quan trọng vì nước, vì dân. Chính điều đó, một lần nữa làm tăng thêm niềm tin của nhân dân với Đảng.
Để đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng, mỗi một địa phương, đơn vị sẽ có những giải pháp cụ thể khác nhau xoay quanh 4 nội dung công tác trọng tâm mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã nêu trên cơ sở kiên định các nguyên tắc của Đảng.
Và bất cứ sự đổi mới nào cũng sẽ có những lực cản, khó khăn nhất định nhưng với phương châm đặt lên hàng đầu lợi ích chung, lợi ích quốc gia, dân tộc và cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân, chúng ta sẽ hoàn thành các mục tiêu của Đại hội XIII để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc./.
Nguyễn Hồng Điệp - https://www.vietnamplus.vn/nhung-chuyen-dong-moi-trong-phuong-thuc-lanh-dao-cua-dang-post977664.vnp