Nỗ lực khôi phục thị trường du lịch giữa Việt Nam và Trung Quốc sau đại dịch
(Chinhphu.vn) - Từ ngày 15/3, Trung Quốc thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn vào Việt Nam. Đây là tín hiệu vui cho du lịch Việt Nam để có thể cán mốc đón 8 triệu khách du lịch quốc tế trong năm nay.
Hôm nay (10/3), trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, bà Nguyễn Phương Hòa, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL) cho biết, Tham tán Văn hóa Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam Bành Thế Đoàn đã có cuộc làm việc với bà vào ngày 8/3 vừa qua để thông báo nội dung trên.
Bà Nguyễn Phương Hòa cho biết, Quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc tiếp tục được đẩy mạnh và ngày càng sâu sắc. Trong đó, du lịch luôn được coi là lĩnh vực hợp tác trọng điểm và có ý nghĩa quan trọng trong giao lưu nhân dân, tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai nước, đồng thời có đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội, vì cả Trung Quốc và Việt Nam đều là những thị trường du lịch trọng điểm của nhau.
Trước đại dịch COVID-19, Trung Quốc là thị trường khách hàng đầu của Việt Nam. Cụ thể, năm 2019 có hơn 5,8 triệu khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam. Trung Quốc thường xuyên nằm trong top đầu và là thị trường số 1, chiếm khoảng 30% tổng lượng khách du lịch quốc tế đến với Việt Nam. Ngược lại lượng khách du lịch của Việt Nam nằm trong top 5 thị trường khách nước ngoài đến với Trung Quốc nhiều nhất. Trước dịch COVID-19, vào năm 2019, có gần 8 triệu khách du lịch Việt Nam đã sang Trung Quốc.
Từ khi Trung Quốc theo đuổi chính sách Zero Covid và vừa rồi mở cửa trở lại, thí điểm cho phép các công ty lữ hành của Trung Quốc gửi khách theo đoàn tới các quốc gia bắt đầu từ 6/2, Bộ VHTT&DL, Bộ Ngoại giao, cùng các bộ, ngành liên quan đã theo sát để trao đổi tích cực ở nhiều cấp, bằng nhiều hình thức khác nhau với phía bạn để thúc đẩy phục hồi du lịch, tăng cường hợp tác phát triển du lịch giữa hai nước trong thời gian tới.
Tín hiệu vui cho du lịch Việt Nam
Tại cuộc làm việc với bà Nguyễn Phương Hòa vào ngày 8/3, Tham tán Bành Thế Đoàn khẳng định, hợp tác du lịch Việt Nam-Trung Quốc trước giai đoạn đại dịch COVID-19 là hết sức tốt đẹp, mang lại lợi ích chung cho nhân dân hai nước, đóng góp thiết thực cho việc vun đắp tình hữu nghị Việt-Trung. Trung Quốc luôn coi trọng, lắng nghe đề nghị từ phía Việt Nam.
Ông Bành Thế Đoàn cũng cho biết, Việt Nam sẽ là một trong số quốc gia được ưu tiên xem xét các chuyến bay thẳng, bỏ yêu cầu cung cấp kết quả xét nghiệm PCR trước 48 giờ. Du khách nhập cảnh chỉ cần cung cấp kết quả xét nghiệm nhanh hoặc tổ chức xét nghiệm xác suất 2%. Phía Trung Quốc mong muốn tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Việt Nam, cùng nhau đảm bảo quyền lợi chính đáng của khách du lịch mỗi nước.
Bà Nguyễn Phương Hòa cho rằng, điều này hết sức có ý nghĩa, là kết quả cho thấy nỗ lực chung của cả hai bên trong việc khôi phục lại du lịch bình thường giữa hai nước. Đồng thời, đây cũng là tín hiệu vui cho du lịch Việt Nam. Vì năm 2023, du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch quốc tế. Từ khi Việt Nam mở cửa du lịch vào ngày 15/3/2022 chúng ta mới đón được khoảng 3,66 triệu khách du lịch quốc tế trong năm 2022. Như vậy, chúng ta vẫn chưa đạt được như kỳ vọng và mục tiêu đặt ra.
"Năm nay, ngành du lịch đặt mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch quốc tế. Trong 2 tháng đầu năm chúng ta đã đón được khoảng hơn 1,8 triệu khách quốc tế. Với việc Trung Quốc thí điểm mở cửa du lịch theo đoàn vào Việt Nam có ý nghĩa quan trọng và là điểm khích lệ để cán được đích và đạt mục tiêu đón 8 triệu khách du lịch quốc tế sớm, nhanh hơn. Bên cạnh đó, cũng góp phần tăng cường giao lưu nhân dân và thúc đẩy phát triển kinh tế, thương mại giữa hai nước", bà Nguyễn Phương Hòa nhấn mạnh.
Cũng theo bà Nguyễn Phương Hòa, chúng ta đã chuẩn bị từ rất sớm để đón khách du lịch quốc tế vào Việt Nam sau khi kiểm soát được dịch COVID-19, trong đó có thị trường khách du lịch Trung Quốc. Du lịch Việt Nam đã phục hồi và phục vụ hơn 101 triệu khách nội địa trong năm 2022. Điều đó cho thấy, các cơ sở lưu trú, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn, các sản phẩm du lịch mới của Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chuẩn và đáp ứng được yêu cầu đón khách du lịch. Đó là sự sẵn sàng để đón khách quốc tế và khẳng định Việt Nam là điểm đến an toàn, thân thiện và hấp dẫn.
Chia sẻ về những kế hoạch để đẩy mạnh công tác hợp tác phát triển du lịch trong thời gian tới, bà Nguyễn Phương Hòa cho biết, Cục Hợp tác quốc tế trong nỗ lực chung cùng các cơ quan liên quan đã xúc tiến quảng bá du lịch, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam và đặc biệt quảng bá hình ảnh thương hiệu quốc gia.
Trong năm 2023, Cục sẽ trình lãnh đạo Bộ VHTT&DL để đẩy mạnh các chương trình về văn hóa đối ngoại, kết hợp với quảng bá hình ảnh quốc gia và xúc tiến du lịch ở những địa bàn trọng điểm, trong đó vừa là trọng điểm về du lịch vừa có quan hệ về chính trị, ngoại giao mang tầm chiến lược, như ở Anh, Pháp, Nhật Bản và tiếp tục nỗ lực quảng bá xúc tiến du lịch ở Hàn Quốc, mở rộng địa bàn Bắc Mỹ.
Đối với thị trường Ấn Độ, là thị trường rất tiềm năng, vào cuối tháng 12 năm ngoái, Cục Hợp tác quốc tế cùng các đơn vị liên quan đã tổ chức một loạt hoạt động Ngày Văn hóa du lịch Việt Nam tại Ấn Độ.
Tại Hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Chỉ thị số 15 của Ban Bí thư về tình hình ngoại giao kinh tế năm 2023, tổ chức tại Trụ sở Chính phủ chiều 9/3, do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải cũng đề xuất tăng cường hơn nữa quảng bá xúc tiến du lịch tại Ấn Độ, như tăng cường các chuyến bay thẳng giữa hai nước, triển khai tháng du lịch, năm du lịch tại Ấn Độ.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Phương Hòa cho biết, đã tiếp thu và ngay lập tức báo cáo lãnh đạo Bộ VHTT&DL xem xét để sử dụng các nguồn ngân sách khác nhau nhằm xúc tiến quảng bá du lịch tại Ấn Độ. Bên cạnh những hoạt động xúc tiến quảng bá trực tiếp thì phải tăng cường quảng bá trên các nền tảng số sẽ đến được rộng rãi hơn với du khách và sẽ phù hợp với xu thế hiện nay.
Diệp Anh/Chinhphu.vn