Nỗi niềm “Vợ Đông chồng Tây”

Published Date
22/02/2024

Tập ký sự “Vợ Đông chồng Tây” (NXB Trẻ - 2014) của tác giả Kiều Bích Hương

Tác giả Kiều Bích Hương sinh năm 1976, là một nữ nhà văn, nhà báo gốc Việt hiện sống tại Bỉ. Chị hiện vẫn cộng tác với nhiều chuyên mục của các tờ báo uy tín trong nước.

Chị là thành viên sáng lập Kênh Việt Happiness Station – Trạm hạnh phúc, có trụ sở tại Bỉ, quy tụ các CTV yêu tiếng Việt trên toàn thế giới thực hiện các tác phẩm podcast gửi gắm tình yêu và mong muốn giữ gìn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở nước ngoài.

----------------------------------------------------------

Tập ký sự “Vợ Đông chồng Tây” (NXB Trẻ - 2014) của tác giả Kiều Bích Hương cuốn hút người đọc bằng những câu chuyện sinh động và bao nỗi niềm của người trong cuộc. Nhà văn Hồ Anh Thái cho rằng cuốn sách như “Một thứ phóng sự “Kỹ nghệ lấy Tây” đời mới, nhưng nó không chỉ cung cấp cho người đọc một thứ kỹ nghệ. Còn hơn thế nhiều”.

Cái hơn là tình cảm, tấm lòng của người viết. Câu chuyện được viết ra từ những trải nghiệm thực tế của tác giả - nguyên là phóng viên báo Tiền Phong, lấy chồng là một kỹ thuật viên người Bỉ, hiện đang sinh sống cùng chồng và 2 con ở thị trấn Rotselaar, nước Bỉ. Kiều Bích Hương còn mở ra bao số phận của những cặp vợ chồng Đông – Tây khác biệt mà cô quen biết. Những cuộc hôn nhân đa chủng tộc này có cả ngọt ngào và cay đắng, gian nan và thuận lợi, thất bại và hạnh phúc… để lại cho độc giả nhiều suy ngẫm.

Mở đầu tác phẩm, Kiều Bích Hương tâm sự: “Tôi lấy chồng Tây. Và vô hình chung tôi lĩnh “án treo” từ cả hai phía. Người Việt Nam phàn nàn sao lấy chồng Tây mà chẳng gửi được đồng nào cho gia đình xây nhà, tậu đất, mua xe… Ở Bỉ, một số bạn thân của chồng tôi giận dữ, cảnh báo: ngay khi được nhập quốc tịch, bọn nó (những cô vợ thuộc các nước nghèo hoặc các nước đang phát triển) sẽ đổi thái độ… Quả khó xoay xở để sống giữa những đường biên này”. Giữa áp lực gia đình, định kiến xã hội và khó khăn hòa nhập với cuộc sống nơi đất khách quê người, những người phụ nữ lấy chồng Tây đã phải: “Dũng cảm gấp đôi, tự lực gấp ba và phải có khả năng kiềm chế cảm xúc gấp mười để tồn tại ở xứ người” (trang 49). Nghị lực vượt khó và biết trân trọng, vun đắp hạnh phúc gia đình của những người vợ phương Đông chính là tinh thần nổi bật của tập sách.

Kiều Bích Hương đến với chồng cô ngoài tình yêu còn có sự cảm thông và chia sẻ. Chồng cô, chỉ trong 2 năm, gánh chịu nhiều nỗi mất mát: bố và em họ qua đời, ly hôn vợ, nuôi con một mình. Trong khi đó, Bích Hương cũng không còn bố, sống xa gia đình, trải qua vài mối tình không thành. Hai tâm hồn cô độc cùng nhau xây dựng một tổ ấm mới. Vượt qua bao khó khăn của thủ tục kết hôn với người nước ngoài, nỗ lực hòa nhập với cuộc sống mới ở Bỉ, đối xử với gia đình chồng bằng tình cảm chân thành… Bích Hương đã nhận được hồi đáp xứng đáng là tình yêu và sự hỗ trợ tích cực của người bạn đời, mẹ chồng và con riêng của chồng đều yêu quí. Cùng với Hương, còn có Thư, Vân, Thảo, Liên, Claire (người Singapore), Hong (người Đài Loan)… những người phụ nữ châu Á vượt qua gian nan, thử thách để làm chủ cuộc đời mình nơi xứ người.

“Ở đâu cũng vậy, tìm việc làm khó, lao động cực nhọc để kiếm tiền ngày càng khó khăn hơn. Không dễ có chuyện “thiên đường” hay khái niệm “hái ra tiền” nếu bạn chỉ ngủ mơ mà không chịu thức tỉnh!” (trang 168) là một thông điệp ý nghĩa. Thư tuy có chồng là chủ một cửa hàng bán thịt ở Bỉ nhưng vẫn phải làm việc từ sáng đến tối. Liên từ chủ một cửa hàng áo cưới lớn ở Việt Nam khi lấy chồng sang Hà Lan phải vất vả lắm mới được vào làm nhân viên lao động ở một hãng giặt ủi. Hong sau bao cuộc phỏng vấn xin việc “thê lương và sỉ nhục” mới tìm được công việc như ý ở Bỉ. Đăng phải giỏi và cạnh tranh quyết liệt mới trụ được với nghề làm nail…

Một giá trị khác mà sách mang đến là những kinh nghiệm, bài học để bắt đầu hòa nhập cộng đồng mới, tự điều chỉnh khi gặp sốc văn hóa ở xứ người… Với bố cục chặt chẽ, văn phong mạch lạc, hóm hỉnh và những câu chuyện sinh động, “Vợ Đông chồng Tây” mở ra thế giới đầy màu sắc và cái nhìn khá toàn diện về những cuộc hôn nhân khác biệt văn hóa; xây dựng sự hiểu biết, cảm thông và hạn chế hiểu lầm, định kiến cho những cuộc hôn nhân Á - Âu.

Cát Đằng

https://baocantho.com.vn/noi-niem-vo-dong-chong-tay--a74905.html