Ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương: “Mục tiêu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là một ước mơ mà là một yêu cầu cấp thiết”

Published Date
13/05/2024

Bản tin Kiều bào với Quê hương đã có bài phỏng vấn ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (là người có nhiều tâm huyết, luôn đồng hành cùng sự phát triển của đất nước và Thành phố Hồ Chí Minh) về những kiến nghị, đề xuất tâm huyết về tầm nhìn phát triển chung của Thành phố.

Thưa ông Johnathan Hạnh Nguyễn!. Thành phố Hồ Chí Minh trong tầm nhìn đến năm 2045 sẽ được xây dựng, phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của châu Á. Nhằm hiện thực hóa khát vọng bứt phá, rút ngắn khoảng cách phát triển với khu vực và thế giới, từ những cơ chế đặc thù theo Nghị quyết 98 của Quốc hội dành cho Thành phố Hồ Chí Minh, ông có những quan tâm và đề xuất cụ thể như thế nào cho Thành phố?

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Chúng ta đang đứng trước một bước ngoặt quan trọng trong quá trình phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh, một cơ hội để tái định vị và khẳng định vị thế của mình trên bản đồ kinh tế và du lịch toàn cầu. Sự tham gia đóng góp ý kiến và cam kết thực hiện quyết liệt của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ giúp định hình một tương lai phồn thịnh cho Thành phố yêu quý của chúng ta.

ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương

Trước hết, chúng ta nhìn nhận mục tiêu phát triển Thành phố Hồ Chí Minh không chỉ là một ước mơ, mà là một yêu cầu cấp thiết, việc Thành phố cần huy động nguồn lực tài chính mạnh mẽ để tăng tốc đầu tư mới, cải thiện cơ sở hạ tầng, tạo lập một môi trường kinh doanh thuận lợi và mở rộng mạng lưới quan hệ quốc tế. Điều này sẽ mở ra cánh cửa cho đầu tư, và thu hút nhân tài từ khắp nơi trên thế giới, góp phần nâng cao vị thế kinh tế của Thành phố.

Thành phố Hồ Chí Minh hội tụ đầy đủ các điều kiện có thể phát triển thành trung tâm tài chính quốc tế có quy mô, đẳng cấp và cạnh tranh với các trung tâm tài chính khác trong khu vực. Chúng tôi và liên danh nhà đầu tư đề xuất trung tâm tài chính quốc tế phải được đặt tại vị trí trung tâm, đắc địa và thuận lợi nhất về hệ thống giao thông. Đồng thời, quy mô diện tích đủ lớn để phát triển đồng bộ các công trình, dịch vụ, các chức năng hỗ trợ theo mô hình tiên tiến với các chức năng chính gồm: trung tâm tài chính quốc tế, dịch vụ hỗ trợ như tổ hợp khách sạn, nghỉ dưỡng, phức hợp vui chơi giải trí, các khu nhà ở, chung cư cao cấp cho chuyên gia, khu mua sắm đẳng cấp quốc tế.

Thưa ông, bên cạnh sự quan tâm đặc biệt trong việc xây dựng trung tâm tài chính quốc tế mang tầm khu vực, ông còn quan tâm đến việc phát triển tầm nhìn cho ngành du lịch của Thành phố?

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Việc xác định Thành phố Hồ Chí Minh như một điểm đến du lịch mua sắm hàng đầu của cả nước và khu vực là một mục tiêu rất khả thi nếu chúng ta có kế hoạch hành động cụ thể. Tôi xin đề xuất một số ý cụ thể:

Thứ nhất, đề xuất quy hoạch và phát triển trung tâm Quận 1 thành một khu thương mại mua sắm sầm uất, đẳng cấp tạo nên một trải nghiệm mua sắm không thể quên cho du khách, tương tự như con đường hàng hiệu Monte Napoleone ở Milan, (Ý), đường Orchard Road ở Singapore và Sukhumvit Road ở Bangkok. (Thái Lan)

Thứ hai, Thành phố cần có mô hình cửa hàng miễn thuế dưới phố/nội đô tại trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Downtown Duty Free là mô hình kinh doanh rất thịnh hành ở những thành phố lớn trong khu vực. Ở Seoul, Hàn Quốc, ngành này đem lại doanh số 16 tỷ đô-la Mỹ/năm. Đây cũng là nơi quảng bá sản phẩm địa phương ra toàn cầu, sản phẩm có giá trị cao giúp tăng thu du lịch, tăng giá trị thương mại, tạo tác động, cộng hưởng dịch vụ khác như khách sạn, ăn uống, thương mại, vận chuyển.

Thứ ba, đầu tư khu đô thị dịch vụ thương mại, phi thuế quan (trung tâm bán hàng giảm giá - Premium Outlet), công viên giải trí chuyên đề tại thành phố Thủ Ðức. Đây là nơi du khách quốc tế và nội địa rất thích tìm đến khi đi du lịch để tìm mua những món hàng hiệu cao cấp qua mùa với giá bán giảm hơn từ 50% - 80%. Công viên giải trí chuyên đề như Disneyland, Universal là một trong những thương hiệu công viên giải trí nổi tiếng sẽ mang lại trải nghiệm và dịch vụ độc đáo cho người dân địa phương, du khách trong và ngoài nước. Sức hấp dẫn của Premium outlet và các công viên chuyên đề có thương hiệu quốc tế sẽ góp phần giúp Thành phố tăng trưởng hàng triệu du khách/năm.

Để hiện thực hóa những ý kiến đề xuất như trên, theo ông cần có kế hoạch, các bước thực hiện ra sao? 

Ông Johnathan Hạnh Nguyễn: Trước hết, Thành phố cần đề xuất, xin chủ trương Chính phủ sớm hoàn thiện và ban hành khung chính sách về trung tâm tài chính, ban hành hình thức và quy trình đầu tư, sớm có văn bản giới thiệu các vị trí ranh giới và hướng dẫn thủ tục để chúng tôi và các nhà đầu tư có thể nghiên cứu sâu hơn và có những đề xuất đầu tư cụ thể hơn.

Để kêu gọi, hợp tác các nhà đầu tư lớn trên thế giới, chúng tôi đề xuất Thành phố cần cụ thể quy hoạch vị trí và hướng dẫn các thủ tục đầu tư làm trung tâm outlet và khu vui chơi giải trí tại thành phố Thủ Đức. Thí điểm hợp tác với Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn để mở các cửa hàng thời trang chính thức của thương hiệu (mỗi thương hiệu cần mở ít nhất 02 cửa hàng tại trung tâm Thành phố để làm cơ sở thuyết phục thương hiệu cho mở cửa hàng tại Premium Outlet xa trung tâm Thành phố).

Quan trọng hơn, cần tham mưu thành lập Ban Tư vấn trực tiếp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố về phát triển bán lẻ chuyên nghiệp cho du lịch.

Để mô hình đi vào hoạt động, chúng tôi rất cần sự hỗ trợ về mặt bằng và mong muốn Thành phố có cơ chế thương mại cho Downtown Duty Free để thu hút du khách. Cụ thể là chính sách cho phép bán hàng bao gồm cả miễn thuế và có thuế (dual pricing) cho khách du lịch quốc tế và khách nội địa.

Về xây dựng khu đô thị tài chính và thương mại (con đường hàng hiệu như Orchard Road, Singapore), theo tôi khu đô thị Trường Thọ, thành phố Thủ Đức sẽ là địa điểm phù hợp nhất. Khu đô thị này sẽ hình thành các phố hàng hiệu và khu vực đặt văn phòng đại diện của các ngân hàng lớn dọc theo con đường trục chính của khu đô thị với quy mô lớn và quy hoạch đồng bộ trong tương lai. Khu đô thị tài chính này kết hợp với khu trung tâm tài chính Thủ Thiêm sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển và mở rộng trong dài hạn. Khu đô thị với các chức năng chính gồm khu đô thị thông minh, khu văn phòng, các trung tâm mua sắm tập trung cao cấp cho các hãng, thương hiệu lớn trên thế giới và trong nước.

P/v: Trân trọng cảm ơn ông./.

Cao Phong (thực hiện)