Phải Sống
HÀNH TRÌNH CUỘC ĐỜI CỦA VAN B. CHOAT
Mặc dù các giấy tờ khai sinh đã bị mất trong chiến tranh, Van B. Choat (Vân Bích Choat) vẫn biết được tên khai sinh của cô là Nguyễn Thị Hiền, sinh ra ở Rạch Giá. Ông bà ngoại của cô từng là những phú hộ giàu có ở miền Bắc, di cư vào Nam sau 1954. Như anh trai Quang và em gái Thủy, Vân chỉ gặp ba mình một vài lần trước khi ông mất tích trong một trận chiến, và trận chiến này cũng đã lấy đi sinh mạng của mẹ cô. Sau đó Vân và các anh em của mình phải sống cùng nhiều người giám hộ khác nhau, từ bà ngoại đến những người thân thích khác với nhiều kiểu bạo hành công khai.
Sau này, dì Thu của cô cưới một người Mỹ lớn tuổi và đã nhận nuôi những đứa cháu mồ côi: bắt đầu một thập kỷ dài chạy trốn khỏi chiến tranh và thoát chết trong gang tấc trong một cuộc xả súng ở Philippines. Trở lại Việt Nam, hy vọng của Vân về một cuộc đời mới lại bị đập tan khi chính quyền Sài Gòn sụp đổ.
Cùng ba mẹ nuôi của mình đến sống tại một thị trấn nhỏ ở Texas, Vân làm thêm hai việc và tốt nghiệp trung học hạng ưu, được nhận học bổng của Đại học bang Oklahoma. Cô kết hôn cùng người bạn trai từ thời trung học của mình, Ronnie Choat - một người lính trong quân đội Mỹ. Cô sinh cho anh hai người con trai, chẳng bao lâu sau đó anh qua đời.
Một mình nuôi dạy hai con, Vân chuyển đến Atlanta vào năm 1990 và làm việc ở Cơ quan Đặc trách cựu chiến binh, hoàn tất việc học đại học và có bằng cử nhân kinh doanh. Trở lại Oklahoma, cô bắt đầu làm việc cho Bộ Tư lệnh Vật liệu không quân ở Tinker AFB, tham gia chương trình tập sự của lực lượng không quân và nhận bằng thạc sĩ quản trị, sau này là chuyên viên quản lý hợp đồng của không quân. Năm 2005, cô chuyển đến Trung tâm Hệ thống tên lửa và không gian USAF ở Los Angeles với vai trò phó trưởng bộ phận của nhiều phòng ban khác nhau, vị trí cô vẫn làm đến nay.
Phải sống (hành trình từ chiến tranh đến tự do của một bé gái mồ côi) là cuốn hồi ký được dịch từ Undaunted A Memoir, kể về cuộc đời nhiều mất mát, đau thương của Van B. Choat nhưng thay vì đầu hàng số phận, cô luôn nỗ lực để sống và vươn lên hết lần này đến lần khác. Tác phẩm đã nhận được nhiều giải thưởng do Nautilus Book Awards 2016 và IRWIN Award 2016 trao tặng.
---------------------------------------------------------------
Ngôi mộ không phải là mục đích của cuộc đời
“Con sẽ sống bởi vì con là một người con gái và là một người chị, và ngôi mô không phải là mục đích của con.” (tr.221)
Đối với một đứa trẻ mồ côi từ khi lên 4 trong chiến tranh, việc có thể sống sót thôi đã là một kỳ tích. Nhưng Vân Bích Choat còn làm được hơn thế nữa khi cô luôn mạnh mẽ, đầy nghị lực để không chỉ sống mà còn sống tử tế và đạt được nhiều thành công. Giờ đây, Vân viết Phải Sống như một lời khích lệ cho những ai đang cảm thấy tồi tệ trước cuộc sống khó khăn.
Cuộc đời đã nợ Vân quá nhiều khi an bài cho cô một số phận là sự cộng gộp những bất hạnh của mọi đứa trẻ mồ côi nói chung và của những đứa trẻ mồ côi do chiến tranh nói riêng trên khắp thế giới này. Những ký ức đầy ám ảnh về chiến tranh, sự đói nghèo, những trận bạo hành, lạm dụng của bác dâu, của dượng; hay trận đụng xe kinh hoàng từng hủy hoại khuôn mặt cô, . . Những “cơn ác mộng”, những Con Quái Vật ấy cứ thi nhau đổ trút xuống đời Vân, không cho cô có ít thời gian “nghỉ giữa hiệp” nào để lấy lại sức, tiếp tục chiến đấu. Và sự ghẻ lạnh của họ hàng, sự dè bỉu, khinh rẻ của người đời dành cho trẻ mồ côi vẫn luôn song hành cùng Vân kể cả trong những khoảng lặng ngắn ngủi giữa hàng loạt biến cố.
Không dừng lại ở đó, số phận lại có ý khác khi để cho một đứa trẻ với “ba ngôi sao chiến trận” xứng đáng được nghỉ ngơi tiếp tục bị dày vò bởi những trận bạo hành, sự day dứt về bà ngoại bị bỏ lại quê nhà kể cả khi Vân đã đặt chân đến Mỹ. Và thường thì, nếu một người có tuổi thơ bất hạnh, họ sẽ được Trời “đền” lại cho một người chồng tuyệt vời, một gia đình riêng hạnh phúc. Vân cũng có một và chỉ một mối tình khiến cô có thể viết ra hẳn một cuốn tiểu thuyết lãng mạn. Nhưng không có gì kéo dài mãi mãi, và hạnh phúc có thể biến thành nỗi đau chỉ trong một chớp mắt. Người yêu từ thời Trung học, người chồng tuyệt vời của cô sớm ra đi với căn bệnh nan y, để lại cho cô 2 đứa con trai thơ dại. Dù vậy, chưa bao giờ chúng ta thấy chút suy nghĩ từ bỏ cuộc sống nào ở người phụ nữ kiên cường này. Một mình nuôi dạy 2 con trưởng thành, cố gắng học tập, làm việc và đạt được nhiều thành công. Đó, là lời đáp trả tốt nhất của cô đối với nghịch cảnh đời mình.
Không chỉ vậy, ở Vân còn có một điều khiến chúng ta khâm phục đó là cách cô nhìn cuộc đời và hành xử một cách đầy lý trí, tỉnh táo, cứng rắn nhưng không tuyệt tình, sắt đá. Trong vô vàn những tháng năm đau thương đó, Vân vẫn nhặt nhạnh ra được những mẩu kí ức hạnh phúc, yên bình hiếm hoi và lưu giữ trong tim tựa như cách cô cất giữ hình của cha mẹ cho đến tận bây giờ dẫu có những lúc tưởng chừng không biết phải đi đâu về đâu và đến cả tính mạng mình cũng không có gì bảo đảm. Cô vẫn sống, vẫn yêu thương bà ngoại và các anh em, vẫn bảo vệ em gái mình và chống trả lại nghịch cảnh một cách đầy quyết liệt, cứng cỏi. Còn với những bàn tay từng nắm lấy tay mình, dẫu thỉnh thoảng những bàn tay ấy cũng chẳng dịu dàng gì, cô vẫn luôn biết ơn và đủ bao dung để hiểu cho những nỗi đau, khó khăn đã biến họ thành Quái Vật dù họ không muốn thế.
Không hận người, không trách đời, không đổ lỗi cho hoàn cảnh và luôn cố gắng sống tốt với tất cả sự mạnh mẽ, nghị lực, sự lạc quan là những gì chúng ta có thể tìm được trong Phải Sống - Hành trình từ Chiến tranh đến Tự do của một bé gái mồ côi. Nếu cha mẹ vẫn còn bên chúng ta hay ít nhất là còn có một người để yêu thương, một người thân hay một mái nhà để nương náu thì chúng ta đã quá may mắn và đừng tuyệt vọng, hãy xốc lại tinh thần để đương đầu với mọi khổ đau, khó khăn trong đời.
Phải sống, vì chết chưa bao giờ là mục đích của đời người!
Tổng hợp.