Phát huy nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của kiều bào
Trong các chuyến tiếp xúc với kiều bào khi đi công tác nước ngoài, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) Lê Thị Thu Hằng luôn cảm nhận rõ những mong muốn, khát khao của bà con được chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước.
Thứ trưởng Bộ ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoàii Lê Thị Thu Hằng.
Xin Thứ trưởng cho biết ý nghĩa chủ đề của Hội nghị NVNONN toàn thế giới năm nay?
Trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc, những đóng góp của cộng đồng NVNONN đối với quê hương, đất nước luôn để lại những dấu ấn đậm nét. Mỗi lần tổ chức Hội nghị NVNONN toàn thế giới, Bộ Ngoại giao luôn lựa chọn chủ đề gắn với những nhiệm vụ phát triển đất nước trong từng thời kỳ để kiều bào thực sự thấy mình là “bộ phận không tách rời” của cộng đồng dân tộc, luôn đồng hành, sát cánh với đất nước trên mỗi bước đường phát triển.
Hội nghị NVNONN toàn thế giới lần thứ 4 diễn ra trong thời điểm then chốt khi cả dân tộc đang nỗ lực và tăng tốc triển khai các nhiệm vụ trong Nghị quyết Đại hội Đảng XIII nhằm hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước theo các mục tiêu đề ra đến năm 2030 và 2045. Trong các chuyến tiếp xúc với kiều bào khi đi công tác nước ngoài, tôi có thể cảm nhận rõ nét những mong muốn, khát khao của bà con muốn được chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển này.
Do vậy, với chủ đề “NVNONN chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước”, chúng tôi muốn tạo diễn đàn để kiều bào, nhất là đội ngũ trí thức và doanh nhân, đóng góp ý kiến, hiến kế cho việc xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới; tăng cường sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, đẩy mạnh kết nối doanh nhân, chuyên gia, trí thức NVNONN với trong nước, nhất là các địa phương, doanh nghiệp, các cơ sở nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, ứng dụng; thúc đẩy đầu tư của kiều bào cũng như kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo trong và ngoài nước.
Sau 20 năm triển khai Nghị quyết 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, còn đặt ra những yêu cầu và thách thức gì cho công tác này trong tình hình mới, thưa Thứ trưởng?
Trong 20 năm qua, Bộ Ngoại giao cùng các ban, bộ, ngành, từ trung ương tới địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội đã tích cực phối hợp, xây dựng nhiều chính sách phát luật, triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ bà con ta ở nước ngoài ổn định, phát triển cuộc sống, cũng như vận động kiều bào hướng về quê hương, góp phần xây dựng và phát triển đất nước, đúng với tinh thần của Nghị quyết 36 “NVNONN là một bộ phận không tách rời và là nguồn lực quan trọng của cộng đồng dân tộc Việt Nam”.
Tuy nhiên, do nhiều lý do khách quan và chủ quan, công tác NVNONN còn gặp một số khó khăn, thách thức trong tình hình mới, có thể kể đến như:
Một là, việc bổ sung, hoàn thiện, triển khai một số cơ chế chính sách, quy định pháp luật liên quan đến NVNONN còn chưa đáp ứng được đòi hỏi của tình hình. Các chính sách, quy định liên quan NVNONN như quốc tịch, nhà đất, đầu tư, xuất nhập cảnh… mặc dù đã có nhiều bước chuyển tích cực, chỗ này chỗ khác vẫn còn thiếu đồng bộ trong xây dựng và triển khai…
Hai là, công tác vận động NVNONN mặc dù đã có bước đột phá, nhưng chưa đạt kết quả như mong muốn. Một bộ phận nhỏ kiều bào chưa thực sự mở lòng, xóa bỏ định kiến.
Ba là, công tác huy động nguồn lực của NVNONN mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng to lớn của cộng đồng. Việc thu hút hiện nay mới chỉ tập trung một phần nguồn lực kinh tế, chưa phát huy hiệu quả nguồn lực tri thức và vai trò của kiều bào trong việc quảng bá “thương hiệu” quốc gia, cũng như thúc đẩy quan hệ giữa Việt Nam với các nước và các tổ chức. Trong khi chúng ta có đội ngũ 600.000 trí thức kiều bào, trong đó có nhiều nhà khoa học, các chuyên gia hàng đầu trong nhiều lĩnh vực.
Bốn là, việc hỗ trợ kiều bào ổn định cuộc sống, hội nhập vào xã hội sở tại có lúc có nơi bị hạn chế. Cuộc sống của một bộ phận bà con tại một số địa bàn còn khó khăn, địa vị pháp lý chưa vững chắc. Tình trạng vi phạm pháp luật của người Việt Nam tại một số địa bàn gây ảnh hưởng đến hình ảnh của đất nước.
Năm là, công tác hỗ trợ giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc được quan tâm và dành nguồn lực nhưng chưa đáp ứng nhu cầu và điều kiện của từng địa bàn. Công tác thông tin, tuyên truyền chưa tiếp cận nhiều nhóm đối tượng, nhất là giới trẻ. Do đó, một bộ phận bà con vẫn chưa tiếp cận được nguồn thông tin chính thống về tình hình đất nước, chưa có nhận thức đúng, đủ, kịp thời về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.
Phát huy nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của kiều bào
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cùng các đại biểu tại Lễ khai mạc chương trình Trại Hè Việt Nam 2024, ngày 16/7/2024. (Ảnh: Tuấn Việt)
Ủy ban Nhà nước về NVNONN đã phối hợp và nhận được sự đồng hành, ủng hộ của các ban, bộ, ngành, các cơ quan liên quan và bà con kiều bào như thế nào, thưa Thứ trưởng?
Sau 20 năm triển khai Nghị quyết 36, công tác NVNONN đã trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và mọi người dân, trong đó có cộng đồng NVNONN. Với tính chất của công tác NVNONN là đa ngành, đa lĩnh vực, một mình Bộ Ngoại giao sẽ không thể triển khai được nếu thiếu đi sự phối hợp, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành, địa phương, sự đồng lòng, đồng sức của người dân trong nước và cộng đồng NVNONN.
Có thể kể một số ví dụ: Công tác tham mưu, kiến nghị, xây dựng chính sách liên quan đến NVNONN được các bộ, ngành triển khai đồng bộ. Kết quả là, nhiều chủ trương, chính sách trong các lĩnh vực bà con quan tâm như quốc tịch, nhà ở, đất đai, cư trú… đã được ban hành. Các chính sách ngày càng tạo điều kiện thuận lợi cho NVNONN về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh..., tăng cường gắn kết kiều bào với quê hương.
Trong công tác đại đoàn kết, vận động NVNONN hướng về quê hương, Bộ Ngoại giao thường xuyên nhận được sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan liên quan. Các hoạt động Trại hè có sự tham gia tích cực của nhiều địa phương, công tác tiếng Việt có sự đồng hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đoàn kiều bào thăm Trường Sa và Nhà giàn DK-I có sự phối hợp tổ chức của Bộ Quốc phòng…
Trong công tác chăm lo, hỗ trợ cộng đồng NVNONN, ngoài vai trò của Bộ Ngoại giao và các cơ quan trong nước, tôi muốn nhấn mạnh vai trò của chính kiều bào và các hội đoàn NVNONN. Với tinh thần “tương thân, tương ái”, bà con ta đã rất chủ động hỗ trợ những người gặp khó khăn, hoạn nạn do thiên tai, dịch bệnh, hỏa hoạn, xung đột. Minh chứng rõ nét nhất chính là sự đoàn kết, đùm bọc khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra. Nếu không có sự hỗ trợ không quản ngày đêm của các hội đoàn NVNONN, một mình cơ quan đại diện Việt Nam tại Ukraine và các nước lân cận sẽ khó có thể hoàn thành khối lượng lớn công tác bảo hộ công dân, hỗ trợ cộng đồng trong thời gian ngắn như thế.
Trong công tác phát huy nguồn lực của NVNONN, các cơ quan trong và ngoài nước đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn doanh nghiệp, thành lập mạng lưới liên kết trí thức, doanh nhân NVNONN, thành lập các cơ chế để NVNONN tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề lớn của đất nước; hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho kiều bào khi về nước đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học; triển khai huy động NVNONN tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài.
Đối với công tác giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước hỗ trợ sách giáo khoa, tài liệu dạy và học tiếng Việt; tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên kiều bào; vận động chính quyền sở tại đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy của các trường phổ thông, đại học… Đặc biệt, Đề án Ngày Tôn vinh tiếng Việt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2022 là cơ sở để triển khai hàng loạt hoạt động nhằm tôn vinh, quảng bá văn hóa và ngôn ngữ dân tộc trong đồng bào ta ở xa Tổ quốc.
Hội nghị năm nay với các diễn đàn, hoạt động phong phú, thiết thực về công tác NVNONN. Thứ trưởng có kì vọng gì sau các sự kiện này?
Chúng tôi kỳ vọng Hội nghị năm nay với những đổi mới về cách thức tổ chức và lấy trọng tâm là Diễn đàn Trí thức và Chuyên gia VNONN sẽ là một hội nghị “Diên Hồng” tập trung trí tuệ tập thể, tăng cường đại đoàn kết dân tộc, phát huy nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh của kiều bào cho sự phát triển của đất nước, nhất là trong những lĩnh vực trọng điểm, các vấn đề phát triển xanh, bền vững của đất nước, để đồng bào ta ở trong và ngoài nước cùng chung tay hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Sau Hội nghị, chúng tôi mong muốn Diễn đàn Trí thức và chuyên gia VNONN sẽ được tổ chức thường niên cả ở trong và ngoài nước với nhiều chủ đề chuyên sâu về những lĩnh vực phát triển chiến lược của đất nước.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
TRỌNG VŨ - https://baoquocte.vn/phat-huy-nguon-luc-tiem-nang-the-manh-cua-kieu-bao-283302.html