Phát huy sức mạnh của kiều bào

Published Date
09/02/2022

Trong năm mới, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho bà con kiều bào yên tâm về làm việc, hợp tác, đầu tư, kinh doanh

* Phóng viên: Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là nguồn lực quan trọng của dân tộc Việt Nam. Nguồn lực này được xây dựng, phát huy thế nào trong năm 2021, thưa ông?

- Ông PHÙNG CÔNG DŨNG, Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM: Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hiện có khoảng 5,3 triệu người sinh sống, làm việc và học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ, với vị thế và uy tín ngày tăng cao. Các hội đoàn Việt Nam ở nước ngoài ngày càng được củng cố về mặt tổ chức, đóng vai trò quan trọng trong đoàn kết cộng đồng, giữ gìn và quảng bá bản sắc văn hóa dân tộc, là cầu nối quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam và các nước.

Ước tính có hơn 2 triệu người Việt Nam ở nước ngoài có nguồn gốc, có thân nhân tại thành phố; có hợp tác, làm việc hoặc thường xuyên lưu trú tại thành phố. Khoảng 50% hộ gia đình ở thành phố có thân nhân là người Việt Nam ở nước ngoài. Tại TP HCM, tính đến quý I/2021, có gần 3.000 công ty có vốn của kiều bào được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với tổng vốn điều lệ hơn 45.000 tỉ đồng. Mỗi năm có khoảng 30.000 người Việt trẻ ở nước ngoài về thăm quê, tìm kiếm cơ hội sản xuất, kinh doanh bằng các dự án khởi nghiệp tại TP HCM. Trong đó, có nhiều dự án xuất phát từ các ý tưởng khởi nghiệp của các Việt kiều trẻ tuổi định cư ở các nước có nền kinh tế phát triển.

* Ông đánh giá thế nào về xu hướng kiều hối chuyển về Việt Nam tăng cao trong 1 năm nhiều khó khăn như 2021?

- Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Hợp tác quốc tế về người di cư KNOMAD ước tính lượng kiều hối về Việt Nam năm 2021 ở mức kỷ lục 18,1 tỉ USD, đứng thứ 8 thế giới và thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi năm 2020, lượng kiều hối về Việt Nam là 17,2 tỉ USD, đứng thứ 11 thế giới.

  Riêng TP HCM, kiều hối năm nay đạt khoảng 6,5 - 6,6 tỉ USD. Chỉ trong tháng 10 và 11, kiều hối chuyển về TP HCM tăng khoảng 1 tỉ USD.

Lượng kiều hối về Việt Nam đã liên tục tăng trong 21 năm qua, với mức tăng hơn 13,7 lần, từ 1,32 tỉ USD vào năm 2000 lên mức 18,1 tỉ USD của năm 2021. Khi kinh tế phục hồi đủ, việc chấm dứt gói kích thích và ngừng hỗ trợ lao động có thể làm giảm lượng kiều hối.

Cũng trong năm qua, kiều bào khắp nơi trên thế giới đã hướng về quê hương, đất nước; đóng góp nhiều ý kiến, đề xuất tâm huyết đối với sự phát triển đất nước và đẩy lùi đại dịch Covid-19. Cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp, chung tay cùng thành phố trong công cuộc phòng chống dịch, thông qua nhiều kênh tiếp nhận. Tính từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, các tổ chức, cá nhân người Việt Nam ở nước ngoài đã ủng hộ TP HCM từ chục triệu đến hàng tỉ đồng… thông qua nhiều hình thức khác nhau, bao gồm tiền mặt, khẩu trang, nước xịt kháng khuẩn, tấm chắn giọt bắn… Con số đóng góp rất nhiều, không thể kể hết.


Ông PHÙNG CÔNG DŨNG

 

* Theo ông, Việt Nam nói chung và TP HCM nói riêng cần thêm những chính sách, hành động gì để khơi dậy, phát huy sức mạnh của kiều bào tham gia phát triển đất nước?

- Tôi cho rằng nhiệm vụ cấp bách trong năm mới là phải khẳng định sự hỗ trợ, đồng hành của Đảng và Chính phủ với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, vốn là bộ phận không thể tách rời của nguồn lực dân tộc Việt Nam như Nghị quyết 36 và Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh. Cụ thể hơn, các bộ, ban, ngành trung ương và địa phương cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật nhằm tạo điều kiện ngày càng thuận lợi cho bà con yên tâm về làm việc, hợp tác, đầu tư, kinh doanh, hoạt động khoa học - công nghệ trong nước. Cần cụ thể hóa Kết luận 12 của Bộ Chính trị với 6 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung khuyến khích và tạo điều kiện hơn nữa để đồng bào Việt Nam ở nước ngoài đóng góp tích cực cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiếp tục hoàn thiện pháp luật, cải cách thủ tục hành chính và triển khai đồng bộ các chính sách liên quan đến người Việt Nam ở nước ngoài về nước làm việc, thường trú, đầu tư, sản xuất, kinh doanh… Khuyến khích và phát huy hiệu quả các sáng kiến, đóng góp của trí thức, chuyên gia và doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Giải quyết nhu cầu chính đáng của kiều bào ta liên quan đến quốc tịch phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị. Hoàn thiện cơ chế phối hợp giữa các lực lượng tham gia công tác người Việt Nam ở nước ngoài; kiện toàn tổ chức bộ máy tinh gọn, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong công tác người Việt Nam ở nước ngoài.

Đặc biệt là tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện đội ngũ cán bộ làm công tác người Việt Nam ở nước ngoài; trong đó, chú trọng các bộ phận làm việc trực tiếp ở nước sở tại theo hướng sâu sát, thực chất, hiệu quả, kịp thời đáp ứng nguyện vọng chính đáng của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

TP HCM đã có nhiều chính sách liên quan đến việc bố trí, sử dụng trí thức người Việt Nam ở nước ngoài đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo các cơ quan nghiên cứu khoa học thuộc thành phố như: Viện Khoa học tính toán, Viện Nghiên cứu sinh học, Khu Công nghệ cao TP HCM… có chế độ làm việc bán thời gian và cấp kinh phí hỗ trợ đặc biệt để hoạt động.

Phùng Công Dũng

(Chủ nhiệm Ủy ban Về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM)

 


Theo Người Lao động