Phát triển du lịch là cách thức bảo tồn di tích lịch sử cách mạng

Published Date
05/09/2022

(PLO)- Nhiều ý kiến cho rằng phát triển du lịch địa phương là một trong những cách thức để bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử cách mạng, giá trị văn hóa của cộng đồng.

Ngày 27-8, Trường ĐH Sư phạm – ĐH Đà Nẵng tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia Quảng Nam: Lịch sử khai lập và tổ chức quản lý. 

Đây là hoạt động kỷ niệm 550 danh xưng Quảng Nam và 25 năm ngày tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. 

Các đại biểu thảo luận xoay quanh bốn nội dung chính gồm: Quá trình khai khẩn, các luồng di dân, sự hình thành tính cách trong tiến trình lịch sử xứ Quảng; các vấn đề liên quan đến địa danh làng xã, lịch sử hình thành và phát triển làng xã, văn hóa làng xã, vai trò của làng xã trong lịch sử xứ Quảng; công bố các kết quả nghiên cứu mới về các vấn đề tổ chức, thiết chế chính quyền các cấp của xứ Quảng theo tiến trình lịch sử và Quảng Nam trong công cuộc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của dân tộc.

     
Phát triển du lịch là cách thức bảo tồn di tích lịch sử cách mạng ảnh 1

Các đại biểu thảo luận tại hội thảo. Ảnh: TA

 

Nhiều ý kiến cho rằng phát triển du lịch địa phương là một trong những cách thức để bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử cách mạng, giá trị văn hóa của cộng đồng.  

ThS Phạm Thị Lấm, Trường ĐH Sư phạm- ĐH Đà Nẵng, cho biết trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, rừng dừa Bảy Mẫu (xã Cẩm Thanh, TP Hội An) có ý nghĩa chiến lược. Đây là nơi có đặc điểm tự nhiên hiểm yếu, nơi che giấu cán bộ cách mạng, góp phần lập nên những chiến công của quân và dân Cẩm Thanh. 

Hiện nơi này được đưa vào khai thác phục vụ phát triển du lịch với nhiều hoạt động mang đến trải nghiệm cho khách du lịch như: lắc thúng chai, quăng chài, kéo rớ, bắt cua hay thưởng thức dân ca bài chòi, tham gia hoạt động bảo vệ môi trường. 

Từ đó những chiến công, dấu ấn lịch sử một thời vàng son của quân và dân xứ Quảng sẽ vang vọng mãi thông qua câu chuyện kể của thuyết minh viên và chính người dân địa phương.

     
Phát triển du lịch là cách thức bảo tồn di tích lịch sử cách mạng ảnh 2

Hội thảo kỷ niệm 550 danh xưng Quảng Nam và 25 năm ngày tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Ảnh: TA

 

Đại diện Bảo tàng Đà Nẵng cho hay các hoạt động du lịch đã góp phần duy trì giá trị văn hóa làng của cộng đồng người Cơ tu tại huyện Đông Giang (Quảng Nam). Thông qua các hoạt động trải nghiệm, du khách có những cảm nhận chân thực nhất về bản sắc văn hóa của người dân địa phương và sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho những hoạt động này.  

Từ góc độ lịch sử, ThS Nguyễn Thị Quỳnh Chi, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH Quốc gia TP HCM, cho biết tính cách người xứ Quảng có thể được đúc kết và khái quát bằng ba đặc trưng tính quyết liệt, tính thức thời và lạc quan. Sự định hình của ba nét tính cách này là kết quả của một quá trình di dân lâu dài và liên tục dưới sự tác động tương hỗ của các yếu tố thời gian, chủ thể, không gian. 

Hoạt động hô hát dân ca bài chòi cũng đang góp phần gìn giữ nét chân chất, sự lạc quan của người Quảng thông qua những câu hát, cách thể hiện của nghệ nhân diễn xướng.

Theo TÂM AN/Báo Pháp luật TP.HCM

https://plo.vn/phat-trien-du-lich-la-cach-thuc-bao-ton-di-tich-lich-su-cach-mang-post695955.html