Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông logistics

Published Date
01/04/2022
Ngày 31-3, tại TPHCM, Sở GTVT TPHCM đã có buổi báo cáo chuyên đề về “Đề án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông logistics trên địa bàn thành phố đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đề án, TPHCM dự kiến cần khoảng 81.225 tỷ đồng để thực hiện các dự án giao thông trên địa bàn và kết nối các tỉnh giai đoạn 2021-2025.

Cảng Tân Thuận và Cảng Bến Nghé nằm liền nhau trên địa bàn quận 7, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Cảng Tân Thuận và Cảng Bến Nghé nằm liền nhau trên địa bàn quận 7, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Ưu tiên đầu tư các trục giao thông lớn

Ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM, cho biết, từ nay đến năm 2025, thành phố tập trung triển khai hoàn thiện các trục xuyên tâm và các quốc lộ có năng lực giao thông lớn, đường vành đai và tuyến kết nối liên vùng; tuyến nối các khu đô thị mới, KCN dịch vụ thuộc diện ưu tiên phát triển của thành phố; tuyến trục chính đô thị nối các khu đô thị mới, KCN, cảng đường thủy, cảng hàng không và các công trình đầu mối liên kết vùng theo quy hoạch... 

Để đạt được các mục tiêu trên, chỉ tiêu phát triển kết cấu hạ tầng giao thông với tỷ lệ đất giao thông đạt 15%, mật độ đường bình quân đạt 2,5 km/km2 thì vốn ngân sách của TPHCM giai đoạn 2020-2025 phải đáp ứng 23-24% tổng vốn đầu tư. Cụ thể, theo ông Phan Công Bằng, giai đoạn 2021-2025, TPHCM dự kiến chuẩn bị đầu tư 8 dự án trọng điểm, cấp bách, có quy mô lớn theo hình thức đối tác công tư, tổng vốn đầu tư khoảng 81.225 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách thành phố khoảng 20.875 tỷ đồng, vốn nhà đầu tư khoảng 60.352 tỷ đồng. “Các dự án đầu tư mới phải đáp ứng tiêu chí về năng lực vận tải lớn, thiết yếu, huyết mạch, giải quyết điểm nghẽn kết nối với các cửa ngõ và đầu mối giao thông quan trọng, thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, các tỉnh lân cận”, ông Phan Công Bằng khẳng định. 

Hiện, những dự án, công trình đang được quan tâm là khép kín 2 tuyến đường Vành đai 2 và 3; mở rộng 5 tuyến quốc lộ hướng tâm tại các cửa ngõ thành phố; nạo vét luồng và nâng cấp các cầu trên tuyến kết nối nội thành với các cảng biển; hạng mục công trình nhằm giảm ùn tắc tại 5 cửa ngõ ra-vào thành phố (phía Bắc, Tây-Bắc, Tây-Nam, phía Nam, phía Đông) và đầu mối giao thông kết nối tới sân bay Tân Sơn Nhất; cảng Cát Lái - KCN Phú Hữu. Đồng thời, Sở GTVT TPHCM đang kiến nghị Bộ GTVT triển khai hoàn thiện cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây với quy mô 6-8 làn xe; xây dựng cao tốc TPHCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài 69km quy mô 6-8 làn xe; TPHCM - Mộc Bài quy mô 4-6 làn xe; Bến Lức - Long Thành quy mô 6-8 làn xe; nạo vét 5 luồng hàng hải (luồng Sài Gòn - Vũng Tàu; sông Soài Rạp; sông Đồng Nai; sông Đồng Tranh - Tắc Bài - Tắc Cua - Gò Gia; luồng Sông Dừa - Tắc Dinh Cậu; sông Sài Gòn); xây 41 bến cảng…

Làm nhanh được thưởng, chậm thì phạt

Theo Sở GTVT TPHCM, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư do các quận, huyện thực hiện quá chậm, dẫn đến một số công trình, dự án trọng điểm, cấp bách phải tạm dừng thi công, không thể giải ngân kế hoạch vốn đã giao… Mặt khác, công tác phối hợp của các cơ quan, đơn vị chưa chủ động, kịp thời tham mưu giải quyết vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của cơ quan chuyên môn, dẫn đến nhiều vấn đề chưa được thống nhất để triển khai. Vì vậy, theo Sở GTVT, công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư là điểm nghẽn lớn cần được tháo gỡ thời gian tới; phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền địa phương. 

Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông logistics ảnh 1
Cảng Cát Lái trên địa bàn TP Thủ Đức, TPHCM. Ảnh: HOÀNG HÙNGĐể tháo gỡ nút thắt trên, ông Phan Công Bằng cho biết, Sở GTVT đã kiến nghị UBND TPHCM cần có quy chế khen thưởng, xử phạt, kiểm điểm nghiêm khắc với người đứng đầu cũng như tập thể, cá nhân liên quan từng dự án; phân bổ ngân sách phù hợp, đảm bảo đủ nguồn vốn đối với dự án giải phóng mặt bằng; ban hành quy định nhằm rút ngắn thời gian bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và bàn giao mặt bằng. Ngoài ra, thành lập tổ công tác cấp thành phố, cấp cơ quan, đơn vị; định kỳ hàng tuần, tháng, quý họp kiểm điểm tình hình thực hiện để kịp thời tham mưu, báo cáo cấp thẩm quyền giải quyết các vấn đề phát sinh vượt thẩm quyền; rà soát, ban hành quy định về cơ chế, chính sách đặc thù tập trung thu hút vốn, quản lý đầu tư phát triển hạ tầng giao thông; báo cáo và kiến nghị trung ương tăng tỷ lệ giữ lại vốn thu hàng năm, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông; nghiên cứu, hoàn thiện hành lang pháp lý các dự án PPP để thu hút vốn đầu tư ngoài ngân sách; rà soát quỹ đất; kêu gọi đầu tư, tạo nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông.

Hiện TPHCM đang thực hiện 160 dự án giao thông. Trong đó, có 149 dự án đầu tư công do Ban Giao thông, các đơn vị thuộc Sở GTVT TPHCM làm chủ đầu tư và 11 dự án PPP, tổng vốn đầu tư 109.878 tỷ đồng. Trong đó, nguồn ngân sách trung ương 5.425 tỷ đồng, ngân sách thành phố 33.262 tỷ đồng, vốn ODA cấp phát, vay lại, đối ứng 40.887 tỷ đồng, PPP 30.303 tỷ đồng.
Các chuyên gia kiến nghị phát triển bến cảng tiềm năng mới tại huyện Cần Giờ, bên trái luồng Sài Gòn - Vũng Tàu tại khu vực xã Bình Khánh; cửa sông Ngã Bảy; cửa sông Cái Mép và khu vực cù lao Gò Gia phù hợp với các quy định bảo tồn vùng dự trữ sinh quyển quốc gia, đáp ứng tải trọng 150.000 tấn hoặc lớn hơn, tàu khách 225.000 GT.

QUỐC HÙNG/ SGGP