Phát triển nghệ thuật Việt Nam vì sự phát triển bền vững đất nước
Hội thảo là diễn đàn để những người thực hành nghệ thuật thảo luận về các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến phát triển nghệ thuật ở nước ta hiện nay
Ngày 30/6, tại TPHCM, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam tổ chức Hội thảo khoa học: “Cơ sở lý luận và thực tiễn về phát triển nghệ thuật Việt Nam trong bối cảnh đương đại vì sự phát triển bền vững”. PGS.TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam và GS.TS. Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM chủ trì hội thảo.
Tham dự hội thảo có đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, những người làm công tác văn hóa, giáo dục, văn học - nghệ thuật.
Phát biểu đề dẫn, GS.TS. Nguyễn Xuân Tiên, Chủ tịch Hội Mỹ thuật TPHCM nhấn mạnh, Việt Nam là một quốc gia có nền nghệ thuật vô cùng phong phú, đa dạng, độc đáo và chứa đựng bản sắc văn hóa của dân tộc.
Cùng với lịch sử của dân tộc, nghệ thuật Việt Nam phát triển không ngừng và đến nay đã gặt hái được nhiều thành quả nhất định. Đặc biệt, trong bối cảnh đương đại, phù hợp với xu thế chung của cộng đồng quốc tế, vai trò của nghệ thuật đối với sự phát triển toàn diện và bền vững của đất nước cũng được Đảng và Nhà nước ta khẳng định và đề cao.
“Có thể nhận thấy rằng, lĩnh vực và phạm vi hoạt động nghệ thuật ngày càng trở nên phong phú và đa dạng, chất lượng của các tác phẩm nghệ thuật được nâng cao; các chủ thể tham gia vào quá trình sáng tạo nghệ thuật được mở rộng, khả năng tiếp cận và cơ hội hưởng thụ nghệ thuật của công chúng được đảm bảo; thị trường nghệ thuật từng bước hình thành và phát triển” - GS.TS. Nguyễn Xuân Tiên nhấn mạnh.
Tuy nhiên, dù đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng nhưng trước bối cảnh hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sự cạnh tranh sức mạnh tổng hợp quốc gia trên trường quốc tế đang ngày càng gay gắt hiện nay, sự phát triển của nghệ thuật Việt Nam chưa tương xứng với tiềm năng và kì vọng mà Đảng, Nhà nước và nhân dân đặt ra.
Thực tiễn đỏ đòi hỏi văn hóa và nghệ thuật Việt Nam phải có cách nhìn mới, những chủ trương mới và sự chỉ đạo, định hướng quyết liệt để khắc phục những hạn chế và phát huy những điểm mạnh của ngành, thúc đẩy nền nghệ thuật quốc gia phát triển sao cho xứng với vai trò, vị trí vốn có của nó. Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu một cách tổng thể, hệ thống mang tính liên ngành và tiếp cận nghệ thuật theo nhiều chiều kích khác nhau với mục tiêu phát triển nghệ thuật Việt Nam vì sự phát triển bền vững đất nước là vô cùng cần thiết và cấp bách.
PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm chia sẻ về phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam thời đại số
“Thông qua hội thảo này, chúng tôi mong muốn tạo ra một diễn đàn để các nhà khoa học, các chuyên gia, nhà quản lý và những người thực hành nghệ thuật cùng thảo luận về các vấn đề lý luận và thực tiễn liên quan đến phát triển nghệ thuật ở nước ta hiện nay” - GS. Nguyễn Xuân Tiên cho biết.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều kết quả nghiên cứu, tập trung thảo luận những nội dung như: Lịch sử nghiên cứu, các lý thuyết, quan điểm tiếp cận và các khái niệm liên quan đến phát triển nghệ thuật gắn với phát triển bền vững trên thế giới và Việt Nam; xu hướng, nguyên tắc và phương pháp luận trong nghiên cứu, đánh giá sự phát triển nghệ thuật gắn với phát triển bền vững trên thế giới và Việt Nam.
Các chuyên gia cũng đã hệ thống quan điểm, đường lối và khuôn khổ chính sách phát triển nghệ thuật ở Việt Nam trong bối cảnh đương đại hướng tới phát triển bền vững; bên cạnh đó, cùng nhận diện các yếu tố tác động đến sự phát triển nghệ thuật ở Việt Nam trong bối cảnh đương đại hướng tới phát triển bền vững.
Chia sẻ về phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam thời đại số, PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm, Trường Đại học Sài Gòn cho biết, công nghệ đã tham gia rất sâu vào chuyên môn âm nhạc, từ sáng tác âm nhạc đến phối khí, hòa âm. Đến nay, trí thông minh nhân tạo (AI) tiến rất xa trong việc “sản xuất” những “tác phẩm” âm nhạc chỉ trong vài giây.
“AI đang là xu hướng không thể cưỡng lại của sáng tác âm nhạc, nên, dù không muốn sử dụng, cũng cần phải biết cách phân biệt sản phẩm âm nhạc của AI với sáng tác từ con người. Tóm lại, trong lĩnh vực biểu diễn và thưởng thức âm nhạc, thực tế cho thấy công nghệ đã trở thành phương tiện đắc dụng, và… không thể thiếu. Nhưng để phát triển nghệ thuật âm nhạc theo hướng “bền vững”, chúng ta vẫn chưa chiếm lĩnh, quản lý, đưa công nghệ vào nghệ thuật một cách chủ động” - PGS.TS. Nguyễn Thị Mỹ Liêm bày tỏ.
Bàn luận về câu chuyện cần làm gì để nghệ thuật điện ảnh Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh đương đại, PGS.TS. Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, đưa ra một số giải pháp. Theo ông, Nhà nước cần thường xuyên quan tâm đồng hành cùng chiến lược xây dựng các tập đoàn điện ảnh gồm những nhà đầu tư tâm huyết, có thực lực trở thành những “người mẹ đỡ đầu”, đầu tư mạnh cho điện ảnh Việt Nam, xây dựng hệ sinh thái để kích thích sự phát triển điện ảnh trong nước từ khâu tìm kiếm ý tưởng, sản xuất đến phát hành, tài trợ cho nhiều dự án phim nhiều triển vọng trở thành những bộ phim thành công của điện ảnh - chính là việc tạo dựng một hệ sinh thái điện ảnh làm bệ đỡ cho nhiều bộ phim vươn cao, vươn xa.
Việc tạo được hệ sinh thái tích cực, lành mạnh giúp nuôi dưỡng tác phẩm điện ảnh từ khi còn là ý tưởng đến khi thành tác phẩm xứng tầm, giúp nền điện ảnh dân tộc thực sự phát triển và phát triển bền vững.
Cạnh đó, cần đầu tư toàn diện cho điện ảnh. Ở khâu “đầu ra”, đầu tư các cụm rạp vào loại lớn và hiện đại với hệ thống máy móc, thiết bị chiếu phim hình ảnh và âm thanh đạt chất lượng cao cũng là một trong những thành tố quan trọng góp phần đồng hành kiến tạo nên một hệ sinh thái điện ảnh bền vững và mở đường cho điện ảnh Việt Nam đến nhiều hơn với các liên hoan phim uy tín trên thế giới. Theo chuyên gia, cần quan tâm đặc biệt đến chiến lược quảng cáo, tuyên truyền giới thiệu phim. Vai trò đặc biệt của truyền thông góp phần quan trọng trong việc gia tăng doanh thu cho mỗi bộ phim. Đẩy mạnh các hoạt động cộng đồng, thay đổi dần thói quen thưởng thức của khán giả…, nói cách khác là tạo ra một hệ sinh thái điện ảnh nhằm tạo ra sự phát triển nhanh và bền vững cần hướng đến.
Anh Huy - Theo https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/phat-trien-nghe-thuat-viet-nam-vi-su-phat-trien-ben-vung-dat-nuoc-1491924402