Tại thành phố Nürnberg (Cộng hòa Liên bang Đức), nhân dịp Giỗ Tổ Hùng Vương, ngày 10-4-2022, tăng ni, Phật tử, kiều bào đã cùng tề tựu trong khuôn viên Chùa Vĩnh Nghiêm Nürnberg, tổ chức lễ cầu siêu cho các anh hùng liệt sĩ hy sinh cho biển đảo của quê hương.
Đại đức Thích Thông Đạt, Đại đức Thích Đồng Trình và Đại đức Thích Đồng Hòa chứng minh và chủ trì buổi lễ. Đông đảo các Phật tử, cộng đồng người Việt từ các thành phố khác như Munich, Augsburg, Aalen, Stuttgart… cùng tham dự.
Buổi lễ nhằm tri ân, tưởng nhớ và cầu siêu độ vong linh những người con nước Việt đã hy sinh để bảo vệ biên cương, hải đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đồng bào tử nạn vì sự toàn vẹn lãnh thổ của đất nước Việt Nam, đặc biệt là 64 liệt sĩ đã hy sinh tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988.
Buổi lễ cầu siêu các anh hùng liệt sĩ hy sinh cho biển đảo của quê hương tổ chức tại Chùa Vĩnh Nghiêm Nürnberg (Đức)Mở đầu buổi lễ, tăng ni, Phật tử, kiều bào cùng dành phút mặc niệm nhằm tỏ lòng thành kính, tưởng nhớ sự hy sinh của những chiến sĩ đã ngã xuống trong cuộc chiến bảo vệ đảo Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong không khí trang nghiêm và thiêng thiêng, những người tham dự cùng hướng về nguồn cội, vang vọng ghi nhớ “Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước” – lời căn dặn của Bác Hồ. Mọi người đều xúc động nhắc nhớ suốt hành trình 4.000 năm lịch sử, tất cả các thế hệ người dân Việt Nam đều luôn kiên cường bất khuất đứng lên bảo vệ Tổ quốc trước các kẻ thù xâm lược.
Và vào ngày 14-3-1988, 64 chiến sĩ trên đảo Gạc Ma đã không tiếc máu xương chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ biên cương hải đảo của Tổ quốc.
Ôn lại sự kiện này, ông Văn Mười, Chủ tịch Trung tâm văn hóa Phật giáo Việt Nam Franken thành phố Nürnberg bày tỏ: “Những tấm gương dũng cảm của cha anh trong việc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc mãi là dấu ấn không bao giờ phai mờ trong tâm khảm của mỗi người con đất Việt, dù ở xa Tổ quốc”.
Đông đảo tăng ni, Phật tử, kiều bào tham dự lễ cầu siêu tại ĐứcTiếp đó, Đại đức Thích Thông Đạt đã chủ trì đại trai đàn cầu siêu, cùng Phật tử và bà con kiều bào dâng nến lên anh linh các liệt sĩ hy sinh vì biển đảo quê hương.
Đại đức Thích Thông Đạt chia sẻ, tất cả người Việt Nam dù đi đâu ở đâu thì cũng không bao giờ quên cội nguồn. Đất nước luôn thiêng liêng, dân tộc luôn thiêng liêng, nằm sâu trong tâm thức những người xa xứ. Trong dịp giỗ Tổ, tất cả cùng nhau tưởng nhớ ân đức Vua Hùng khai sáng nước Việt Nam và đồng thời nhất tâm cầu nguyện cho các liệt sĩ đã nằm xuống cho Tổ quốc được trường tồn. Trong tâm khảm tăng ni, Phật tử và kiều bào dâng lên lòng thiết tha cầu nguyện để tất cả các anh linh anh hùng liệt sĩ từ ngàn xưa đến bây giờ có thể ấm áp cảm nhận được tình cảm con dân ở trong nước và ngoài nước. Dù tha hương nhưng kiều bào luôn canh cánh nhớ về đất mẹ và tưởng nhớ đến cha anh khôn nguôi.
Tăng ni, Phật tử, kiều bào tại Đức tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong sự kiện Gạc Ma cũng như trong công cuộc bảo vệ biển đảo, biên cương của Tổ quốcThành kính dâng nén tâm hương tưởng niệm, ông Đinh Văn Hùng, đại diện Hội người Việt tại Munich cho biết ông rất xúc động khi được tham gia buổi lễ cầu siêu tri ân các anh hùng liệt sĩ hy sinh trong sự kiện Gạc Ma cũng như trong công cuộc bảo vệ biển đảo, biên cương của Tổ quốc.
Cũng như ông Hùng, nhiều kiều bào bày tỏ cảm thấy ấm lòng là ở nơi xa Tổ quốc, ngôi Chùa Vĩnh Nghiêm Nürnberg đã luôn duy trì các hoạt động văn hóa dân tộc, trở thành điểm gặp gỡ của bà con người Việt cũng như Phật tử. Các kiều bào cũng luôn duy trì phong tục văn hóa Việt Nam và trong dịp Quốc Tổ thiêng liêng, Phật tử, kiều bào đến chùa, cùng hướng trái tim về cội nguồn quê hương đất nước. Qua đó càng quyết tâm cống hiến cho sự phát triển trường tồn của dân tộc.
Cũng với đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam và tinh thần “tri ân, báo ân” của những người con Phật, ngày 10-4, Chùa Đại Ân Honjo (Nhật Bản) đã tổ chức đại lễ cầu siêu thắp nến tri ân tưởng niệm.
Tăng ni, Phật tử và kiều bào tại Nhật Bản cùng mang lòng thành kính tỏ lòng biết ơn vô hạn tới các liệt sĩ đã anh dũng hy sinh trong trận chiến Gạc Ma (quần đảo Trường Sa, Việt Nam) ngày 14-3-1988; tưởng niệm các nạn nhân tử vong trong dịch Covid-19 cùng các hương linh người Việt Nam không may qua đời tại Nhật Bản, các hương linh tử vong trong trận động đất sóng thần tại Nhật Bản.
Đại lễ cầu siêu thắp nến tri ân tưởng niệm tại Chùa Đại Ân Honjo (Nhật Bản)Trong giờ phút trọng thể và thiêng liêng, với tấm lòng tưởng niệm vô biên, biết ơn vô hạn, chư đại đức Ni cũng như các Phật tử dâng nén tâm hương kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm, tri ân các liệt sĩ, những người con ưu tú của dân tộc Việt đã "vì nước quên thân, vì dân quên mình"…
Sư cô Thích Tâm Trí, Hội trưởng Hội Phật tử Việt Nam tại Nhật Bản bày tỏ, các anh hùng liệt sĩ an nghỉ cho ngàn thu in bóng, hình hài hòa quyện với non sông và sẽ sống mãi trong lòng dân tộc. Sự ra đi của các hương linh là nỗi đau mất mát vô cùng to lớn, nhưng cũng là niềm tự hào để cán bộ, chiến sĩ càng thắt chặt tay súng, ngày đêm bảo vệ từng tấc đất, hòn đảo, từng tấc biển và vùng trời thiêng liêng của tổ quốc thân yêu.
Chư đại đức Ni cũng như các Phật tử, kiều bào tại Nhật Bản dâng nén tâm hương kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm, tri ân các liệt sỹ, những người con ưu tú của dân tộc Việt đã vì nước quên thân, vì dân quên mình“Trong tâm hồn người con Phật, đều canh cánh nhớ về quê hương da diết, tưởng nhớ ngày giỗ Tổ và những người hy sinh bảo vệ Tổ quốc mến yêu. Đại dịch cũng gây bao mất mát không gì bù đắp được, bao người không may tử vong. Cùng nguyện cầu tất cả hương linh sớm siêu sinh tịnh độ”, Sư cô Thích Tâm Trí chia sẻ và đề nghị các Phật tử, kiều bào học hạnh yêu thương, từ bi, chan hòa; cùng gắn kết, trợ lực với nhau xây dựng cộng đồng ngày càng đoàn kết, lớn mạnh và góp phần xây dựng quê hương đất nước.
Tăng ni, Phật tử và kiều bào tại Nhật Bản thắp nến tưởng niệm
MẠNH HÒA/SGGPO