Phong phú hoạt động Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam tại TP. Hồ Chí Minh
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất diễn ra từ 19-24/4 tại các khu vực quận, huyện trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh với nhiều hoạt động đặc sắc.
Tối 19/4, tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP. Hồ Chí Minh), Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, Ban Tuyên giáo Trung ương, UBND TP. Hồ Chí Minh và Hội Xuất bản Việt Nam phối hợp tổ chức Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất năm 2022.
Phát biểu tại Lễ khai mạc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Anh Tuấn nhấn mạnh, sách có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của con người, là nhu cầu thiết yếu của xã hội loài người. Sách là chìa khóa giúp mỗi người mở cánh cửa đến kho tàng tri thức vô tận của nhân loại, dạy chúng ta biết sống có ích, có lý tưởng.
Độc giả trẻ chọn mua sách tại Hội sách Nguyễn Huệ. (Nguồn: TTXVN) |
Theo Thứ trưởng Phạm Anh Tuấn, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người.
Sự kiện cũng góp phần khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Nhân dịp này, Thứ trưởng đề nghị Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với Sở văn hóa-Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố, các cơ quan báo chí, truyền thông chủ động trong công tác tuyên truyền về Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất, tạo sự lan tỏa và kết nối với bạn đọc trên toàn quốc.
Các hoạt động văn hóa đọc nhộn nhịp, sôi nổi, đa dạng sẽ là cơ hội để thành phố lan tỏa các hoạt động văn hóa đọc hướng tới hình thành xã hội học tập, tạo lập thói quen tự học mọi nơi với mọi công dân, nhất là giới trẻ - những người chủ tương lai của TP. Hồ Chí Minh.
Hội sách tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ là sự kiện chính, được thiết kế theo 3 không gian: Không gian Chuyển đổi số, không gian "Thành phố sách" và không gian giới thiệu các mô hình văn hóa đọc như tủ sách cơ quan, tủ sách doanh nghiệp, thư viện thông minh…
Nhiều khu vực tại Hội sách mang đậm tinh thần dân gian. Cổng chào được thiết kế đặc trưng theo văn hóa Nam Bộ, cùng các mô hình lớp học xưa, hoạt cảnh thầy đồ-con trẻ. Các thầy đồ cũng viết thư pháp, câu đối tặng người dân đến thăm.
Hơn 40 đầu sách quý hiếm của Thư viện TP. Hồ Chí Minh cùng kỹ thuật bảo tồn, khôi phục sách xưa được giới thiệu. Không gian biển đảo Việt Nam với nhiều bản đồ giá trị về chủ quyền, triển lãm giới thiệu thói quen đọc sách của Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhiều tư liệu quý... cũng được trưng bày tại sự kiện này.
Ngoài ra, nhiều địa điểm tại TP. Hồ Chí Minh sẽ có các hoạt động hưởng ứng.
Trong đó, Đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1) tổ chức trưng bày gần 700 tựa sách thuộc "Tủ sách dành cho con trong gia đình" nhằm giới thiệu các cuốn sách phù hợp với ngân sách, sở thích. Sách được gợi ý theo từng chủ đề giúp phụ huynh dễ dàng chọn mua cho con và các thành viên trong gia đình.
Tại Đường sách Nguyễn Văn Bình cũng sẽ diễn ra các chương trình giao lưu, giới thiệu sách, tọa đàm văn hóa đọc như Văn hóa đọc - thách thức, cơ hội và kiến nghị, Phát triển Văn hóa đọc trong thanh niên; giao lưu kỹ thuật phục chế sách xưa với nghệ nhân sách Bùi Tiến Phúc; đêm nhạc với các ca khúc nhạc phim…
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ nhất diễn ra tại tất cả các địa phương trên cả nước, trong đó TP. Hồ Chí Minh là trung tâm. Sự kiện kỳ vọng sẽ tạo ra đợt hoạt động trên quy mô lớn, ý nghĩa, góp phần xây dựng và phát triển văn hóa và tinh thần hiếu học, hiếu đọc của người dân.
Theo Thế giới và Việt Nam