Vì vậy, chăm sóc và giáo dục tốt các cháu là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân. Thực hiện lời dạy của Bác, những năm qua, công tác chăm lo, giáo dục, bảo vệ thiếu nhi được Đảng, Nhà nước và toàn xã hội quan tâm sâu sắc. Nhân Ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6), Báo Quân đội nhân dân giới thiệu một số ý kiến đóng góp xung quanh vấn đề này để công tác chăm sóc thiếu nhi ngày càng hoàn thiện, góp phần vun đắp để những mầm xanh tương lai phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.
Ông LÊ NHƯ TIẾN, nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội:
Yêu thương, bảo vệ bằng hành động cụ thể
Tôi thấy rằng, trong thời gian vừa qua, cả 3 môi trường là gia đình, nhà trường và xã hội quá quan tâm đến việc dạy học, bồi dưỡng kiến thức cho trẻ em mà chưa chú trọng đến đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng sống cho các em. Nếu không có các kỹ năng ấy, các em không biết làm thế nào để đối phó với nghịch cảnh hay các tình huống nguy hiểm. Đấy là lý do vì sao còn nhiều trẻ bị bạo hành, xâm hại tình dục, đuối nước thương tâm...
Chúng ta thường nói “yêu thương trẻ em bằng trái tim, bảo vệ bằng hành động”. Vì thế, chúng ta phải biến tình yêu thương con trẻ thành hành động cụ thể, giúp trẻ có kỹ năng tự bảo vệ mình trước các mối nguy hiểm bằng cách giáo dục kỹ năng sống cho trẻ từ nhỏ. Hiện nay, nhiều trường học đã đưa nội dung này vào chương trình giáo dục, nhưng còn hạn chế, tự phát. Ngay trong dịp hè này, ngành giáo dục, cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ trẻ em cần phối hợp với Trung ương Đoàn để có các chương trình giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng mềm cho trẻ. Về lâu dài, ngành giáo dục cần đề xuất đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống cho trẻ thành chương trình giáo dục bắt buộc.
Các em học sinh Trường Mầm non Hoa Mai tham gia hoạt động ngoại khóa và giáo dục kỹ năng sống. Ảnh: NGUYỄN HUYỀN |
Đồng chí VŨ VIỆT DƯƠNG, Phó bí thư Huyện đoàn Hải Hậu, tỉnh Nam Định:
Dành sự quan tâm đặc biệt và hỗ trợ thiếu niên, nhi đồng
Trong những năm qua, các tổ chức đoàn của huyện Hải Hậu luôn quan tâm đến công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên, nhi đồng thông qua các hoạt động thiết thực như tổ chức các sân chơi mùa hè, khuyến khích các em học tập, tổ chức các hoạt động văn hóa-văn nghệ, giáo dục truyền thống, hỗ trợ học sinh nghèo vượt khó... qua đó giúp các em có những sân chơi bổ ích, đặc biệt vào mùa hè.
Hằng năm, Ban Thường vụ Huyện đoàn Hải Hậu đều có kế hoạch và chỉ đạo các đơn vị đoàn trực thuộc tổ chức hoạt động tiếp nhận các em học sinh về tham gia sinh hoạt hè tại địa phương. Cùng với đó, các tổ chức đoàn cũng huy động đoàn viên, thanh niên tham gia phụ trách các hoạt động cho thiếu nhi như tổ chức sinh hoạt hè, ôn tập văn hóa, tổ chức các hoạt động vui chơi, văn hóa-văn nghệ, thể dục-thể thao và các loại hình trò chơi dân gian... cho thiếu nhi trên địa bàn toàn huyện. Các tổ chức đoàn còn phối hợp với các nhà trường tổ chức ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường đê biển, môi trường quanh đường làng, ngõ xóm góp phần xây dựng nông thôn mới; tuyên truyền phòng, chống tai nạn thương tích và cách xử lý khi bị đuối nước cho các em đội viên, học sinh... Để thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn huyện có cơ hội phát triển bình đẳng về mọi mặt, nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn, thời gian tới, Huyện đoàn Hải Hậu sẽ tập trung tối đa sự tài trợ, ủng hộ về vật chất, tinh thần của các nhà hảo tâm đối với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em.
Thượng tá QNCN ĐỖ THỊ THÊU, Hiệu trưởng Trường Mầm non Hoa Mai, Cục Hậu cần, Quân chủng Phòng không-Không quân:
Chú trọng chất lượng nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ
Năm học 2021-2022 là một năm học khó khăn của nhà trường do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tuy nhiên, trong quá trình học sinh nghỉ học ở nhà, các cô vẫn duy trì hoạt động tương tác, gửi bài, chuyện trò với các con và phụ huynh qua các ứng dụng nhóm lớp. Ngay sau khi các con trở lại trường, với mục tiêu lấy trẻ làm trung tâm, nhà trường tạo điều kiện tốt nhất để trẻ được chủ động, sáng tạo, tư duy tích cực trong các hoạt động, góp phần phát triển toàn diện các kỹ năng theo chuẩn chương trình giáo dục mầm non. Nhà trường tăng cường cho trẻ tham gia các trò chơi vận động, trò chơi dân gian ở ngoài trời nhằm phát triển thể chất cho trẻ; chú trọng bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, quản lý chặt chẽ chế độ ăn, nghỉ tại trường của trẻ.
Để nâng cao chất lượng giáo dục, nuôi dạy trẻ, nhà trường luôn xác định chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên là khâu then chốt. Hằng năm, nhà trường luôn tạo điều kiện cho cán bộ, giáo viên được học bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Chính vì vậy, nhà trường đã có một đội ngũ giáo viên giỏi, nhiệt tình, tâm huyết với nghề và tận tâm vì học sinh. Nhiều sáng kiến của các cô đoạt giải cao trong các cuộc thi và được đưa vào ứng dụng rộng rãi trong công tác chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.
Anh NGUYỄN HỒNG QUÂN, phụ huynh học sinh ở Khu đô thị Đặng Xá, xã Đặng Xá, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội:
Bảo vệ trẻ trên không gian mạng
Trẻ em ngày càng tiếp cận sớm với internet và các thiết bị công nghệ. Tuy nhiên, các em thường tự học sử dụng internet hoặc học từ nhau, nếu có học ở nhà trường thì chủ yếu là về khoa học máy tính mà ít được trang bị kỹ năng sử dụng internet an toàn. Trong khi đó, môi trường internet chứa đầy rủi ro, nguy hiểm khó lường khiến trẻ có thể trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo, phạm pháp, bắt nạt trên mạng; nhiều video, trò chơi (game) có chứa đường link dẫn đến các website khiêu dâm... Vì thế, các bậc phụ huynh cần hướng dẫn và giám sát trẻ sử dụng internet một cách an toàn. Tôi được biết, ngày 1-6-2021, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 830/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình "Bảo vệ và hỗ trợ trẻ em tương tác lành mạnh, sáng tạo trên môi trường mạng giai đoạn 2021-2025". Tôi rất mong các cơ quan chức năng triển khai, thực hiện hiệu quả nội dung quyết định này, giúp trẻ sử dụng internet lành mạnh, an toàn, biết tự bảo vệ mình khi tham gia tương tác trên môi trường mạng và cách thức nhận diện, thông báo, tố giác hành vi, vụ việc xâm hại trẻ em trên môi trường mạng...
Chị LÊ HỒNG NHUNG, phụ huynh học sinh ở phường Gia Cẩm, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ:
Giảm áp lực học tập, tăng giáo dục kỹ năng sống
Hiện nay, tình trạng các em học sinh có biểu hiện stress, lo âu, trầm cảm trong quá trình học tập diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là do ảnh hưởng của dịch bệnh nên các em đã có một thời gian khá dài không thể đến trường gặp gỡ thầy cô và bạn bè. Áp lực, căng thẳng kéo dài có thể dẫn đến nhiều thay đổi về cảm xúc, suy nghĩ, hành vi. Tôi có hai con gái đều trong lứa tuổi thiếu nhi, tôi rất mong muốn các con đến trường, bên cạnh được cung cấp những kiến thức cơ bản, các con còn được học tập theo hướng phát triển năng lực của bản thân, tăng các hoạt động giáo dục kỹ năng sống. Các cơ sở giáo dục có thể tăng cường các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm thay vì ngồi trên lớp nghe giảng theo lối dạy truyền thống để tích lũy thật nhiều kiến thức ngoài cuộc sống. Bên cạnh đó, tôi nghĩ cũng cần thay đổi hình thức giao bài tập về nhà, hiện nay vẫn dập khuôn, máy móc củng cố kiến thức theo các mẫu trong sách bài tập. Tôi thấy, nếu việc giao bài tập về nhà theo chủ đề, gợi mở các em chủ động hơn trong việc tìm hiểu kiến thức và ứng dụng thực tế thì học sinh sẽ rất hứng thú, tìm thấy niềm vui trong học tập.
Theo báo QĐND