Quảng bá hàng Việt: Doanh nghiệp kêu 'kết quả chưa như mong muốn'
Baoquocte.vn. Thời gian qua, mặc dù ngành Công Thương liên tục triển khai xúc tiến thương mại (XTTM) quảng bá hàng Việt nhưng mới chỉ dừng ở bề nổi, thông qua việc tham gia triển lãm, hội thảo… Điều này khiến doanh nghiệp khó tiếp cận đối tác tiêu thụ, thiếu thông tin thị trường nhập khẩu hàng Việt.
Doanh nghiệp quảng bá tiêu thụ sản phẩm vải thiều tại thị trường Hà Lan. (Nguồn: Báo Kinh tế và Đô thị) |
Thiếu thông tin thị trường đối tác tiêu thụ
Cuối năm 2021, 70 doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp Hội chợ Trung Quốc - ASEAN lần thứ 18 diễn ra tại tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), qua đó quảng bá sản phẩm Việt tới thị trường rộng lớn hơn 1 tỷ dân. Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù đã có nhiều nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm đối tác tiêu thụ sản phẩm Việt, song hoạt động XTTM vẫn chưa được đồng đều từ sản xuất đến tiếp thị và thâm nhập thị trường thế giới.
Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Thương mại Hà Nội Lê Anh Tuấn chia sẻ, thách thức lớn nhất trong việc sản xuất hạt điều xuất khẩu là phụ thuộc nguồn nguyên liệu đầu vào nhập khẩu từ châu Phi. Mặc dù doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu hạt điều thô nhưng việc tìm kiếm đối tác cung ứng lại không dễ dàng, nguyên nhân là bởi hoạt động XTTM tại thị trường châu Phi thường được tổ chức theo phương thức hội thảo, triển lãm nên khó tìm được nhà cung ứng.
Tin liên quan |
Việt Nam - thị trường giá trị của trái cây Australia |
Đồng tình với phản ánh này, nhiều doanh nghiệp than thở mặc dù đã tham gia các chương trình XTTM do hiệp hội ngành hàng và Cục XTTM (Bộ Công Thương) tổ chức nhưng không thu được kết quả như mong muốn.
Nguyên nhân là do đơn vị với vai trò đầu mối đưa doanh nghiệp tham gia chương trình XTTM không phát huy vai trò đầu tầu trong việc kết nối, bỏ mặc doanh nghiệp tự tìm kiếm đối tác, thông tin thị trường khiến việc tiếp cận khách hàng ký kết hợp đồng cung ứng nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm hầu như không thực hiện được.
Điều này khiến nhiều doanh nghiệp không có ý định tiếp tục tham gia dù được hỗ trợ 50% phí gian hàng.
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) Tô Hoài Nam nêu rõ, hoạt động XTTM thực hiện theo phương thức dàn trải, ít đi vào thực chất, dẫn đến việc doanh nghiệp thiếu thông tin khi khai thác thị trường xuất khẩu mới. “Thời gian tới hoạt động XTTM nên chú trọng vào từng thị trường, mặt hàng trọng điểm, qua đó giúp doanh nghiệp và đối tác dễ dàng trao đổi, đưa ra những quyết định kinh doanh dài hạn” - ông Tô Hoài Nam kiến nghị.
Đổi mới hoạt động xúc tiến
Các chuyên gia kinh tế dự báo, dịch Covid-19 đã phần nào được khống chế nên kinh tế thế giới và Việt Nam sẽ phục hồi kéo theo nhu cầu tiêu dùng gia tăng. Để tận dụng cơ hội này, hoạt động XTTM cần được đổi mới theo hướng chuyển đổi số, qua đó phát huy vai trò cầu nối giao thương.
Từ góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 Thân Đức Việt mong muốn, thời gian tới nên đẩy mạnh hoạt động XTTM trên nền tảng thương mại điện tử để nối lại và phát triển chuỗi cung ứng sau dịch Covid-19, đồng thời đưa sản phẩm Việt Nam vươn mạnh ra thế giới tìm kiếm, tiếp cận với khách hàng trên các sàn thương mại điện tử như Alibaba, Amazon…
“Để đạt hiệu quả cao trong giao thương trực tuyến, các doanh nghiệp kỳ vọng Bộ Công Thương chia sẻ nhiều hơn thông tin về thị trường theo từng nhóm ngành hàng cụ thể, thông tin thuế quan… qua đó giúp các doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch khi giao dịch với đối tác. Tránh hiện tượng bị đối tác lừa đảo, như vụ 100 container hạt điều xuất khẩu sang Ý là trường hợp điển hình việc doanh nghiệp thiếu thông tin thị trường” - ông Thân Đức Việt nói.
Đồng tình với ý kiến này, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan đề xuất, từ nay đến hết năm 2022 các bộ, ngành tăng cường phối hợp với TP Hà Nội tổ chức nhiều chương trình XTTM theo hình thức trực tiếp và trực tuyến, kết nối doanh nghiệp với các thị trường Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại. “Bộ Công Thương cần thường xuyên cập nhật các chính sách và tình hình thị trường quốc tế, giúp doanh nghiệp có những biện pháp thích nghi với hoàn cảnh mới” - bà Trần Thị Phương Lan nêu rõ.
Tin liên quan |
Hoa quả Việt Nam ngày càng phổ biến tại thị trường Nhật Bản |
Trước những mong muốn, kiến nghị của doanh nghiệp, nhà quản lý, Cục trưởng Cục XTTM Vũ Bá Phú cho biết, thời gian tới Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động XTTM thông qua đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động xúc tiến thương mại giai đoạn 2021-2030”.
“Các hình thức XTTM sẽ được triển khai đa dạng, phù hợp với từng thị trường, ngành hàng, đối tượng hỗ trợ. Nguồn lực không chỉ được tập trung cho các hoạt động XTTM chuyên sâu, có tính trung và dài hạn mà còn đẩy mạnh các hình thức XTTM mới thông qua môi trường số”, ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.
Tuy nhiên theo Cục trưởng Cục XTTM, bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý còn đòi hỏi bản thân doanh nghiệp cần phải tự thân vận động để giành cơ hội giao thương, kết nối trực tuyến với các đối tác khắp thế giới thông qua việc sử dụng sàn thương mại điện tử hay mạng xã hội; xây dựng website, quảng bá thương hiệu, sản phẩm một cách chuyên nghiệp.
Kiến nghị đề xuất của chuyên gia, nhà quản lý cho thấy để hoạt động XTTM đi vào thực chất, tránh bề nổi đòi hỏi Bộ Công Thương mà cụ thể là Cục XTTM, cần thay đổi tư duy từ đơn vị quản lý sang trở thành đối tác của doanh nghiệp qua đó hỗ trợ các đơn vị này mở rộng thị trường xuất khẩu hàng Việt.
LÊ NAM/Baoquocte.vn.