Quê hương lấp đầy những 'bàn chân lõm'

Published Date
28/02/2022

"Bàn chân lõm" từng là một hình ảnh khi nói về những Việt kiều từng lênh đênh trên vùng Biển Hồ (Campuchia) khi nhiều đời chỉ sống trên ghe thuyền, theo con tôm con cá để rồi lận đận bao đời trên xứ người.

Chúng tôi vừa gặp lại họ sau Tết. Bàn chân của họ như đã đầy hơn, vững vàng hơn ở hiện tại và tương lai khi đã ổn định công việc và cuộc sống trên quê hương Việt Nam.

Hết phận "3 không"

Hơn 10 năm trước, khi "túi cá của dòng Mekong" là Biển Hồ đã bắt đầu cạn kiệt cộng thêm nhiều chính sách để đảm bảo môi sinh của nước bạn Campuchia, cộng đồng người Việt sống trên ghe thuyền giữa Biển Hồ lên đất liền.

Nhiều hộ Việt kiều xuôi dòng trở về nước, khi đó tài sản đáng giá nhất chỉ là chiếc ghe vá chằng vá đụp cùng những đứa trẻ da đen, tóc khét nắng. Họ sống ở những xóm lều men theo các nhánh sông ở biên giới, tạo thành những xóm "3 không" - không quốc tịch và giấy tờ tùy thân, không nhà, không việc làm.

Và những xóm lều "3 không" cứ thế đông dần dọc biên giới ở Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp và An Giang, lay lắt theo những nhánh sông đã cạn kiệt cá tôm.

Năm 2013, chúng tôi đã đi ngược từ những xóm lều này lên đến Biển Hồ để thực hiện loạt bài Trở về từ Biển Hồ đăng trên Tuổi Trẻ.

Những hộ gia đình từ Biển Hồ trở về đã sinh sống, làm việc ổn định hơn 5 năm qua giữa vườn chuối với nhiều thay đổi lớn - Ảnh: SƠN LÂM

Thời gian đó, vườn chuối rộng 240ha của "vua chuối" Út Huy (Võ Quan Huy) ở xã Mỹ Bình, huyện Đức Huệ (Long An) đã chinh phục thành công thị trường "khó tính" nhất là Nhật Bản, nhu cầu lao động cũng đang được tính toán nhiều hơn. Nghe chúng tôi kể chuyện về những Việt kiều, ông Út Huy nói ngay: "Đưa họ về đây".

Một dãy phòng mới được xây nhanh giữa vườn chuối. Chúng tôi cùng ông Út Huy qua Biển Hồ để gặp gỡ bà con.

Ông Út Huy đưa ra những quyền lợi để chiêu mộ người làm công: ở miễn phí, điện nước miễn phí, trẻ con đem hết theo, người làm việc thì nam được thêm 20kg gạo, nữ được 15kg mỗi tháng, công làm lãnh đủ giống như tất cả các lao động trong trang trại ông đang có.

Những chiếc xe cũng được đưa về các xóm lều "3 không" dọc biên giới để sẵn sàng đón người về vườn chuối. Nửa năm sau, 25 căn phòng mà ông Út Huy cho xây trước đó đã kín Việt kiều từ Biển Hồ trở về với hơn 100 lao động cho vườn chuối và... hơn 50 trẻ em, người già. Họ xem như đã có nhà, có việc.

Chuyện "không quốc tịch" phần nào cũng đã tạm ổn khi họ được quản công của vườn chuối nộp hồ sơ và được cấp thẻ thường trú (loại giấy tờ do cơ quan quản lý xuất nhập cảnh cấp cho người nước ngoài được phép cư trú không thời hạn tại Việt Nam và có giá trị thay thị thực - PV) - thứ giấy tờ xác định danh phận đầu tiên mà họ có được từ khi sinh ra.

"Bàn chân lõm" được lấp đầy

Ngày trang trại tổ chức tiệc tân niên dịp Tết vừa qua, chúng tôi gặp lại những người về từ Biển Hồ trong những bộ quần áo đẹp bên bàn tiệc đặt giữa vườn chuối. Ai cũng... đi dép, đi giày. Đó có thể là sự thay đổi dễ thấy nhất của những người sống mấy đời trên sông nước lênh đênh, không bến bờ, không mua dép.

Có những người già, bàn chân như bè ra và hõm sâu, tướng đi cũng lạ vì bé thơ đã phải tập đứng vững trên ván thuyền lênh đênh. Những tấm ảnh ngày ấy còn ghi lại đám trẻ em lúc mới về trang trại này xúm xít chạy nhảy bằng chân trần đen đúa.

Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy anh Nguyễn Văn Chệt đang ngồi chép lại sách kinh Phật giáo Hòa Hảo vào vở. Ngày trước anh có biết chữ đâu... "Tui học lỏm đó. Ban đầu chỉ đồ chữ theo thôi chớ không biết đọc, không hiểu được chữ nghĩa gì. Hai đứa con gái đi học ngoài trường tiểu học về tập đọc, tui học lỏm theo. Giờ chữ in trong sách tui đọc được rồi", anh Chệt cười nói.

Bà Lê Thị Loan, mẹ của anh Chệt, nghe vậy ra góp vui: "Thằng Chệt sáng dạ lắm, mà hồi đó trên Biển Hồ có được học hành gì đâu. Ở vườn chuối này, lúc nhàn mới tranh thủ học nên biết được chữ".

Bà Loan 57 tuổi, sinh ra ở Biển Hồ và còn biết ông nội "lúc trước ở An Giang trước khi lên Campuchia".

Tuy nhiên, khi cập bờ ở huyện An Phú (An Giang) hơn 10 năm trước, có cán bộ địa phương hỏi thêm ông nội là người ở huyện nào thì bà chịu! Anh Chệt cũng chỉ biết mẹ mình sinh ra giữa Biển Hồ ở chỗ xóm người Việt bên ấy gọi là chỗ Vũng, chớ hỏi thuộc tỉnh nào của Campuchia thì anh cũng lắc đầu.

Ký ức của anh Chệt khi mới về lại quê hương là những ngày quần quật làm mướn sao cho vợ con không bị đói. "Hơn 5 năm trước, nghe có việc ở vườn chuối này thì tui về liền, từ đó mới ổn" - anh Chệt kể, rồi vào nhà lôi ra một bọc nilông gói kỹ 6 tờ giấy thường trú nhận được từ năm 2019, ép nhựa nên còn mới tinh.

Anh Chệt ngồi lẩm nhẩm đọc cái thẻ thường trú của vợ chồng anh và 4 đứa con. Đến đoạn địa chỉ thường trú là ấp 3, Mỹ Bình, Đức Huệ ghi trong giấy, cũng là địa chỉ của vườn chuối này, thì anh cười nói to: "Nay có ra đường mà ai hỏi gia đình tui ở đâu, quê chỗ nào thì tui có cái để nói rồi".

Em Nguyễn Thị Kim Hai khi trở về còn chạy chân trần nghịch giữa vườn chuối, nay đã có thu nhập ổn định phụ lo cho cả gia đình - Ảnh: SƠN LÂM

Thấm tình quê hương đùm bọc

Trang trại chuối hiện nay có hơn 400 người thì đã có khoảng 200 người từng sống trên Biển Hồ được anh Nguyễn Văn Đến, quản công trang trại chuối FOHLA, đến đón về và làm thẻ thường trú cho họ.

"Mấy đứa trẻ về đợt đầu, nhiều đứa giờ đã làm trong vườn chuối hết rồi", anh Đến nói. Mấy đứa nhỏ thì được địa phương tạo điều kiện cho đi học ở Trường tiểu học Mỹ Bình, cách đường vào trang trại chỉ vài trăm mét.

Trước khi về đây, vợ chồng anh Chệt có 4 đứa con san sát nhau. Nguyễn Thị Kim Hai - cô con gái lớn nhất của ngày nào mới về vườn chuối còn chân đất nghịch giỡn giữa vườn nay đã trở thành thiếu nữ 17 tuổi. Cô làm ở khâu lựa chuối trước khi chuyển vào đóng hộp.

"Lựa chuối là công việc nhẹ, phù hợp với phụ nữ nhưng có chuyên môn khá cao. Khách hàng khó tính, chỉ một chấm nhỏ mình bỏ qua thì cũng là sản phẩm không đạt, có khi phải đền luôn cả một kiện hàng. Con bé học biết chữ rồi, cũng thông minh sáng dạ nên đào tạo được vào khâu lựa chuối. Thu nhập khá lắm, có ngày kiếm được cả triệu đồng", anh Đến giải thích kỹ.

Chị Lê Thị Nhanh có nhà ở sát căn nhà anh Chệt, cũng cười góp thêm chuyện: "Cái chính là giờ mình chỉ lo làm, chớ cũng không phải lo gì cả. Ở đây tình cảm dữ lắm. Không chỉ có Việt kiều hồi hương, bà con ở các tỉnh khác đến làm đều giúp nhau khi cần".

Có việc quanh năm, thu về trăm triệu

Hiện tất cả người lao động ở đây đều đã rành rẽ từ việc làm đất, vét mương, trồng cây, bón phân, lựa lá, bẻ bắp, bao trái, thu hoạch...

Vườn chuối khép kín quy trình từ ươm giống đến khi đóng thành sản phẩm hoàn hảo xuất khẩu, cộng thêm một trang trại bò thịt luôn có hàng ngàn con ở đây luôn có đủ thứ công việc để anh Đến xoay vòng cho người lao động có việc quanh năm.

"Tính ra một năm tổng tiền cả nhà kiếm cũng được khoảng trăm rưỡi triệu", anh Chệt thật thà nói về kinh tế gia đình.

Bớt đẻ, bỏ nhậu

Một trong những thay đổi từ khi các gia đình từ Biển Hồ trở về vườn chuối là... kế hoạch hóa gia đình. Ở trên Biển Hồ, chị Lê Thị Nhanh từng sinh 6 đứa con gần như cách năm một, về đây thì ngừng hẳn việc sinh con.

"Bên đó mỗi lần đẻ chỉ cần nải chuối với mấy thẻ nhang cúng cho bà mụ là đẻ được đứa con rồi. Dưới này phải đi bệnh viện, sợ tốn tiền lắm nên thôi khỏi đẻ nữa", chị Nhanh tếu táo.

Điều thay đổi khác, theo chị Nhanh, là cánh đàn ông cũng đã bớt nhậu. Anh Nguyễn Văn Nhờ vừa xong một đợt thu hoạch chuối từ ngoài vườn về, nghe chị Nhanh nói tới đó thì chen vào: "Bên kia rảnh rang, có thể lai rai cả ngày. Về đây làm việc theo ca, bỏ việc thì mất tiền mà đi làm về ngồi nhậu như kiểu hồi xưa sợ sáng dậy đi làm không nổi, nên bỏ luôn".


Theo Tuổi Trẻ