Sang phương Tây - một quyết định táo bạo, mới mẻ nhưng đúng đắn, hợp thời đại của Hồ Chí Minh
Việt Nam đang hồi sinh sau những năm dài chiến tranh khốc liệt, đã chủ động hội nhập toàn diện cùng bạn bè quốc tế.
Để có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay hoàn toàn nhờ vào tinh thần đoàn kết của triệu triệu người dân Việt Nam, nhờ vào đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng mà đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh - Người đã dành trọn cuộc đời, phấn đấu hy sinh vì mục tiêu duy nhất là độc lập cho dân tộc và hạnh phúc cho nhân dân bằng khởi đầu đúng và đi tới đích. "Khởi đầu đúng" ở đây chính là quyết định lựa chọn sang các nước phương Tây để tìm đường giải phóng dân tộc, mang lại cuộc sống ấm no, tự do hạnh phúc cho nhân dân.
Chúng ta biết rằng vào những năm đầu thế kỷ 20, dưới ách thống trị của thực dân Pháp, nền độc lập của dân tộc ta bị xâm phạm, quyền sống, quyền tự do của đại bộ phận nhân dân bị chà đạp. Hai mâu thuẫn trong xã hội Việt Nam lúc này là mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp xâm lược và mâu thuẫn giữa nhân dân lao động, chủ yếu là nông dân, với giai cấp địa chủ, phong kiến càng trở nên gay gắt. Trong bối cảnh đó, hàng loạt câu hỏi được đặt ra và câu hỏi lớn nhất đặt lên vai tất cả những người Việt Nam yêu nước là làm thế nào để giải phóng dân tộc và nhân dân thoát khỏi cảnh lầm than nô lệ?
Trong khi nhiều người ngoảnh nhìn về phương Đông với sự ngưỡng mộ "người anh cả da vàng" bởi khi đó, Nhật Bản - một đế quốc mới ở châu Á - đã chiến thắng nước Nga Sa hoàng năm 1905, như một điển hình tiêu biểu và là tấm gương sinh động cho sự chiến thắng của người châu Á trước người châu Âu; hay ngưỡng vọng bác sĩ Tôn Dật Tiên với chủ nghĩa Tam dân nổi tiếng và cách mạng tư sản Tân Hợi năm 1911 ở Trung Quốc thì Nguyễn Tất Thành tìm đường sang phương Tây, đến nước Pháp, đến nơi sản sinh ra những lời đẹp đẽ: "Tự do - Bình đẳng - Bác ái" đã từng làm rung động lòng mình khi còn ở tuổi thiếu niên.
Bởi dù rất khâm phục tinh thần yêu nước của các sĩ phu, song anh thanh niên Nguyễn Tất Thành đã sớm nhận thấy con đường do những người đi trước mở ra sẽ không giải phóng được dân tộc. Nếu dựa vào Nhật thì "chẳng khác nào đuổi hổ cửa trước, rước beo cửa sau"; Đây là điều không phải người Việt Nam nào thời đó cũng nhận ra được. Hay với chủ nghĩa Tam dân của Tôn Trung Sơn, Nguyễn Tất Thành cũng nhận thấy nó không vượt qua được giới hạn của giai cấp tư sản, vẫn mang hệ tư tưởng của giai cấp tư sản nên mới chỉ dừng lại ở khẩu hiệu, hình thức.
Việc không lặp lại thất bại của những người đi trước là một điều khó khăn, nhưng tìm ra một con đường mới phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử thời đại, đưa dân tộc được độc lập, tự do là điều còn khó khăn hơn nhiều lần. Quyết định đi về phía trời Tây là quyết định hoàn toàn mới mẻ, ngược với con đường cứu nước của các thế hệ tiền bối đi trước là tìm kiếm sự giúp đỡ từ Nhật, từ Trung Quốc... Đây là sự dấn thân vào một thế giới còn rất mới lạ với nhân dân ta, một thế giới mà văn hóa, học thuật hoàn toàn khác với các giá trị truyền thống của Việt Nam, nếu không muốn nói là đối lập và hoàn toàn chưa có sự giao lưu nào cả. Có thể nói, chính sự táo bạo và dũng cảm ấy đã tạo điều kiện cho Nguyễn Tất Thành thu dần thế giới vào tầm mắt và làm phong phú dần nhận thức của mình về một cuộc cách mạng tương lai - cách mạng vô sản.
Đúng đắn, hợp thời đại
Chính nhờ chọn hướng đi đúng đắn sang phương Tây, Hồ Chí Minh được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa mới, tư tưởng mới. Bằng tư duy độc lập, tự chủ, Người đã gạn lọc và tiếp thu những hạt nhân hợp lý, làm giàu thêm vốn văn hóa của bản thân, để vươn lên tầm cao của văn hóa nhân loại, trở thành nhà văn hóa vừa mang đậm chất Á Đông, vừa hết sức cởi mở, hòa hợp với văn hóa phương Tây. Đặc biệt, nhờ chọn hướng đi sang phương Tây, Hồ Chí Minh đã có điều kiện để gặp gỡ, nghiên cứu và tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin, nhờ vậy mà Người có được thế giới quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng giúp giải quyết triệt để sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Việt Nam.
Bên cạnh đó, khi sinh sống, làm việc và hoạt động ở phương Tây, được chứng kiến nhiều diễn biến lớn của thời đại, Nguyễn Ái Quốc nhận thấy ngoài những thành tựu của các cuộc cách mạng ở phương Tây giúp thúc đẩy sự tiến bộ của nhân loại trên tất cả các mặt từ chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật… thì những tồn tại, những khoảng cách và cả những bất công về quyền lợi, hưởng thụ trong lòng xã hội tư bản, tất yếu sẽ dẫn đến những khủng hoảng không thể tránh khỏi ở cả các nước tư bản chính quốc. Đó chính là sự phân biệt giàu nghèo giữa những kẻ đi áp bức và những người bị áp bức ở các thuộc địa, giữa nhân dân lao động tại các nước tư bản với những tên thực dân, những người hữu sản và Người đã đưa ra nhận định sâu sắc: "Dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột. Mà cũng chỉ có một mối tình hữu ái là thật mà thôi: tình hữu ái vô sản" (Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB CTQG, Hà Nội, 1996, t.1, tr.266).
Nguyễn Ái Quốc sau chặng đường bôn ba qua nhiều châu lục, qua nhiều quốc gia trên thế giới, cùng với sự khảo nghiệm và so sánh đó, khi được đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I.Lênin (7.1920), đã đi đến một quyết định trọng đại - đó là đến với chủ nghĩa Mác - Lênin, đến với con đường cách mạng vô sản, đến với Cách mạng tháng Mười Nga và Quốc tế thứ ba do Lênin sáng lập. Nghiên cứu chủ nghĩa Mác - Lênin, Nguyễn Ái Quốc không chỉ tìm được con đường cứu nước, cứu dân phù hợp quy luật của thời đại, mà còn trang bị cho mình một nhân sinh quan mới để định hình con đường phát triển cho một đất nước Việt Nam còn lạc hậu, kém phát triển có thể sánh vai cùng với các cường quốc năm châu.
Sang phương Tây chính là quá trình khảo nghiệm, tiếp biến và vượt gộp của Hồ Chí Minh, khi thâu hái tinh hoa, tri thức của các nền văn minh nhân loại để vừa sáng tạo, vừa độc lập vận dụng vào điều kiện cụ thể của Việt Nam sau đó. Người không chỉ thành công trong việc vận dụng một học thuyết, vốn có cơ sở thực tế từ xã hội phương Tây, vào thực tiễn một nước thuộc địa, nửa phong kiến, chưa phát triển như Việt Nam, mà còn phát triển học thuyết Mác - Lênin lên một tầm cao mới, phù hợp với phần thế giới còn lại - đó là những nước chưa qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa, mà Việt Nam là một điển hình.
Vậy là, với quyết định đi sang phương Tây, với hành trình 30 năm lao động, học tập và hoạt động cách mạng ở nước ngoài, Nguyễn Ái Quốc đã có thời gian khám phá, chiêm nghiệm để hiểu được thực chất của khẩu hiệu "Tự do, Bình đẳng, Bác ái", của pháp quyền, dân chủ và mô hình tổ chức nhà nước tư sản; của nhân quyền, pháp quyền, dân chủ, mô hình tổ chức nhà nước Xô viết, và con đường đấu tranh giải phóng dân tộc theo tinh thần của Lênin. Và sự lựa chọn đúng đắn của Hồ Chí Minh sau khi đã "chưng cất" những tinh hoa của nền văn minh Đông và Tây, của CNTB, CNXH… đã giúp Người thực hiện hoài bão của mình, đó là giải phóng dân tộc mình, giải phóng "các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ", giải phóng toàn diện loài người.
Như vậy, bắt đầu từ hoài bão lớn lao của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành cách đây hơn một thế kỷ, từ một sự khởi đầu đúng đắn, với ý chí, quyết tâm và sự phấn đấu không mệt mỏi cho con đường mình đã chọn, Hồ Chí Minh - Người ra đi từ bến cảng Sài Gòn năm xưa - đã tìm thấy con đường và lãnh đạo nhân dân Việt Nam đi đến độc lập và thống nhất, tự do và hạnh phúc, ngày một phát triển và bền vững. Với những gì đang có ngày hôm nay, chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào khẳng định: Không có Chủ tịch Hồ Chí Minh và con đường cách mạng vô sản mà Người tìm ra cho cách mạng Việt Nam thì dân tộc Việt Nam không thể có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Theo Th.S Lê Thị Sáu (Học viện Chính trị Khu vực II)/Báo thanh Niên