Sinh khí mới cho du lịch TPHCM

Published Date
21/12/2021

“Một TPHCM thật khác lạ, hấp dẫn”, “Tôi ở thành phố lâu rồi, nhưng giờ mới được trải nghiệm sản phẩm thú vị đến vậy”… là hàng loạt lời khen chân thành từ du khách dành cho các sản phẩm du lịch vừa “chào hàng”, hứa hẹn mang đến sinh khí mới cho ngành du lịch TPHCM.

Hấp dẫn du lịch đường sông

Những ngày này, lượng người đăng ký đi buýt sông buổi tối tăng mạnh. “Du khách được trải nghiệm một góc nhìn khác đầy thơ mộng của TPHCM khi màn đêm buông xuống hòa cùng giai điệu âm nhạc do các nghệ sĩ violin, guitar… trực tiếp biểu diễn. Tôi nhận thấy vẻ đẹp thành phố không kém gì các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore…”, chị Nguyễn Phương Anh (ngụ tại quận 5) nói.

Chuyến buýt sông xuất phát từ bến Bạch Đằng (quận 1), có lộ trình qua bến Bình An (TP Thủ Đức) và ngược lại. Ngoài các chuyến ban ngày, có thêm các chuyến buýt sông chiều tối, vào các khung giờ: 17 giờ, 18 giờ, 19 giờ và 20 giờ. Riêng thứ bảy và chủ nhật, chạy thêm chuyến 21 giờ để phục vụ du khách.

Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thường Nhật (đơn vị đầu tư và khai thác tuyến buýt đường sông) chia sẻ, doanh nghiệp muốn tập trung làm nổi bật thêm yếu tố độc đáo về cảnh quan, tăng thêm tính năng động của Sài Gòn - TPHCM.

Cách nay ít ngày, Công ty Du lịch Vietravel cũng ra mắt tour chèo SUP (chèo thuyền đứng), đi bộ xuyên rừng Cần Giờ. Sản phẩm được đánh giá tích cực, với điểm nhấn du khách được hướng dẫn cách chèo SUP, tự trải nghiệm chèo thuyền qua những cánh rừng đước tươi xanh,… “Hồi hộp nhưng vui và cũng khá an toàn”, chị Nguyễn Thị Anh Lan (du khách ngụ tại quận 7) chia sẻ.

Không chỉ Vietravel, thời gian qua, Saigontourist Group cũng đã đầu tư khá nhiều hạ tầng du lịch cho Cần Giờ và hiện nay vẫn tiếp tục không ngừng nâng cấp phát triển các cơ sở lưu trú nghỉ dưỡng dịch vụ du lịch, như Khu du lịch sinh thái Cần Giờ, Khu du lịch Vàm Sát; đồng thời đẩy mạnh phát triển khai thác các sản phẩm mới theo tuyến đường bộ, đường sông, đường biển; đẩy mạnh truyền thông quảng bá về điểm đến du lịch Cần Giờ, xây dựng kế hoạch đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch cho huyện Cần Giờ…

“Trong tương lai, không chỉ có sản phẩm du lịch đường bộ, đường thủy mà dự tính sẽ có đường sắt nối qua Cần Giờ. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cần phải xử lý mâu thuẫn giữa quy hoạch và bảo tồn, để vừa có các sản phẩm du lịch độc đáo, cao cấp, nhưng không ảnh hưởng xấu đến hệ sinh thái rừng ngập mặn”, ông Võ Anh Tài, Phó Tổng Giám đốc Saigontourist Group, nói.

“Thổi hồn” sản phẩm bằng câu chuyện

Theo ông Cao Văn Tùng, Giám đốc Trung tâm du lịch nội địa BenThanh Tourist, trước đây, du lịch TPHCM thường “đem khách” đi các tỉnh, nhưng nay đã có sự quan tâm đầu tư nhiều hơn, là điều vô cùng đáng mừng. Ở Cần Giờ có núi Giồng Chùa với độ cao khoảng 10m so với mặt nước biển, nhưng khá đặc biệt với TPHCM, vì đây là ngọn núi duy nhất giữa rừng ngập mặn, có thể triển khai thành sản phẩm đặc thù.

Tuy vậy, chỉ khai thác sản phẩm này vào mùa khô, còn mùa mưa khá khó khăn. Cần Giờ nên chăm chút cho từng sản phẩm, kết nối các hộ gia đình để giữ được nét riêng, giống như mô hình du lịch cộng đồng ở Cồn Chim (Trà Vinh); hoặc vài năm trở lại đây, sản phẩm chèo thuyền SUP tham quan rừng ngập mặn khá hấp dẫn giới trẻ, dễ tạo thương hiệu tốt cho địa phương.

Khách đạp xe tham quan Bình Chánh

Bà Nguyễn Ngọc Trang, Phó Giám đốc Lữ hành Công ty Du lịch Hòa Bình Việt Nam, cho rằng, du khách rất muốn nghe những câu chuyện về văn hóa lịch sử, đặc sản địa phương nên những người làm du lịch cộng đồng ở TPHCM cần lưu ý đến vấn đề này. Chính những câu chuyện phía sau, các giai thoại… sẽ giúp khách nhớ lâu hơn, góp phần nâng tầm sản phẩm.

Tương tự, bà Tạ Thị Tú Uyên, Phó Giám đốc Ban sản phẩm dịch vụ Công ty Vietravel, cũng chỉ ra những sản phẩm du lịch trải nghiệm đang hấp dẫn khách như: làm diêm dân ở làng muối Thiềng Liềng (Cần Giờ), ngâm chân thảo dược trị liệu từ muối, quà tặng từ muối…

Theo bà Tú Uyên, để thu hút khách, cần định vị đối tượng khách sẽ đón là trung cấp hay cao cấp để xây dựng sản phẩm kinh tế đêm; đồng thời đa dạng hoạt động trải nghiệm về đêm. Đối với huyện Cần Giờ, có thể làm những show múa rối nước kể về lịch sử hình thành vùng đất này, hoặc cuộc sống sinh hoạt của người dân…

Cung cấp thêm thông tin về các sản phẩm du lịch mới của TPHCM, bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch TPHCM, cho biết, sở đang phối hợp cùng các doanh nghiệp du lịch chuẩn bị chùm tour, tuyến mới chuẩn bị đón khách vào Tết Dương lịch 2022 và Tết Nhâm Dần sắp đến.

Ngay trong “Tuần lễ du lịch TPHCM - Thành phố tôi yêu” (dự tính diễn ra vào ngày 24-12) sẽ giới thiệu đến người dân các đường tour mới, thực sự hấp dẫn để thu hút khách nội địa, cũng như bà con Việt kiều. Riêng với huyện Cần Giờ, ngành du lịch TPHCM dự định sẽ tổ chức các cuộc thi riêng nhằm quảng bá điểm đến, mở trại sáng tác cho nhiếp ảnh gia, nhà văn, nhà thơ, cùng các hội thảo xúc tiến du lịch liên vùng giữa TPHCM với nhiều tỉnh thành.

Chiều 20-12, một số doanh nghiệp lữ hành cho hay, vừa tung ra các sản phẩm du lịch đón xuân, mừng năm mới 2022. Doanh nghiệp kỳ vọng các sản phẩm mới, nhiều ưu đãi sẽ thu hút lượng lớn khách hàng trẻ, nhóm khách gia đình.

Cụ thể, Lữ hành Saigontourist có các tour đến Hạ Long, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Thiết, Phú Quốc và tại TPHCM với các hoạt động tham quan, gala dinner (khách được tặng kèm bảo hiểm Covid-19 song song với gói bảo hiểm du lịch theo quy định).

Công ty Vietravel triển khai chương trình khuyến mại xuân 2022 với thông điệp “Du xuân bình an - Tết tràn hứng khởi”, giảm giá tour đối với khách hàng là hội viên Vietravel Plus, mua tour theo nhóm từ 3-5 người được giảm tối đa lên đến 150.000 đồng/người và mua tour theo nhóm từ 6 người trở lên được giảm tối đa lên đến 200.000 đồng/người (tùy tour)… Công ty TST tourist cũng liên tục có các tour du lịch đến các tỉnh khu vực Tây Bắc, khu vực ĐBSCL…

GIA HÂN

THI HỒNG/ SGGP