Sôi động khách du lịch tàu biển đến Việt Nam
Tín hiệu rất tích cực cho ngành du lịch trong năm 2024 khi 10 ngày qua đã có nhiều chuyến tàu biển quốc tế nhộn nhịp cập cảng, đưa hàng chục ngàn du khách Mỹ, Anh, Australia… ghé thăm các danh thắng nổi tiếng của Việt Nam.
Theo Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO), du lịch tàu biển có giá trị doanh thu cao hơn 40% so với du lịch bằng đường hàng không hay đường bộ, nhưng đây là dòng khách đặc thù, cần có cách khai thác hiệu quả.
Hàng ngàn khách đến Việt Nam dịp đầu năm
Những ngày đầu năm 2024, Lữ hành Saigontourist liên tục đón nhiều đoàn với hàng ngàn khách tàu biển đến Việt Nam. Cụ thể, Lữ hành Saigontourist đón và phục vụ tàu biển quốc tế Celebrity Solstice (thuộc Hãng Royal Caribbean Cruise Lines) mang theo hơn 3.000 khách quốc tịch Mỹ, Canada, Anh, Australia… đến Việt Nam liên tục các ngày 5 và các ngày 21, 29-1 tới.
Tàu Vasco Da Gama (quốc tịch Bồ Đào Nha) và tàu Celebrity Solstice (quốc tịch Malta) cùng cập cảng Hạ Long tháng 1-2024. Ảnh: HIỆP PHẠM
Ngày 4 và 5-1, Lữ hành Saigontourist cũng đón đoàn khách tàu biển Spectrum of the Seas với 3.500 khách đến Nha Trang - Phú Mỹ. Các đoàn khách tham quan danh thắng, di tích văn hóa lịch sử, trải nghiệm thiên nhiên và nghỉ dưỡng tại các bãi tắm đẹp của TP Nha Trang, TP Vũng Tàu, miền Tây sông nước hoặc khám phá TPHCM sôi động. Tại Thừa Thiên Huế, du khách tham quan các lăng tẩm, chùa chiền, tìm hiểu về văn hóa nhà vườn Huế, làng cổ Thủy Biều và thưởng thức ẩm thực phong phú, đặc sắc. Tại Hạ Long, khách trải nghiệm chèo thuyền Kayak chiêm ngưỡng cảnh đẹp trong vịnh và các hang động kỳ vĩ…
Ngành du lịch Đà Nẵng tặng quà lưu niệm cho du khách tàu biển tại cảng Tiên Sa (quận Sơn Trà). Ảnh: XUÂN QUỲNH
Thông tin từ Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, năm 2023, thị trường khách tàu biển quốc tế bắt đầu phục hồi. Bà Nguyễn Huyền Anh, Phó Giám đốc phụ trách Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, cho biết, bước vào mùa du lịch tàu biển năm nay, Quảng Ninh liên tiếp đón nhiều tàu du lịch quốc tế hạng sang cập cảng mang theo hàng ngàn du khách.
Đặc biệt, việc cùng lúc có tàu Vasco Da Gama (quốc tịch Bồ Đào Nha) với gần 650 du khách Đức và tàu Celebrity Solstice (quốc tịch Malta) với 3.000 du khách “xông đất” Hạ Long là tín hiệu tích cực cho năm 2024. Đồng thời, việc đưa cảng tàu khách quốc tế Hạ Long đi vào hoạt động đã tạo thêm cú hích lớn, là cảng chuyên biệt đầu tiên, phục vụ được 2 tàu lớn đậu cùng lúc với 8.460 người. Trong khi đó, theo thống kê của Sở Du lịch TP Đà Nẵng, năm 2023, Đà Nẵng đón 22 chuyến tàu biển với hơn 18.000 lượt khách. Năm 2024, Đà Nẵng dự kiến đón 45 chuyến tàu với hơn 40.000 lượt khách. Mới đây, hơn 2.000 khách đầu tiên trên tàu Westerdam đã đến cảng Tiên Sa nhân dịp Tết Dương lịch 2024 đã khá bất ngờ trước sự chào đón nồng nhiệt của ngành du lịch Đà Nẵng dành cho đoàn. Khi xuống tàu, đoàn khách được tặng hoa, quà lưu niệm, chào mừng bằng các hoạt động múa lân rộn ràng. “Đây là lần đầu tiên chúng tôi đi du lịch Việt Nam. Sau khi xuống tàu, chúng tôi đã được thăm thú nhiều nơi thú vị”, một du khách chia sẻ.
Đừng để khách “ghé rồi đi”!
Theo các hãng lữ hành, Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài, có nhiều điểm đến nằm trên tuyến giao thông hàng hải quan trọng của châu Á, phù hợp với lộ trình kết nối các tuyến du lịch tàu biển trong khu vực và thế giới, có nhiều cơ hội trở thành trung tâm tàu biển du lịch của khu vực trong tương lai. Tuy nhiên, để có thể thu hút và níu chân dòng khách này lâu hơn vẫn là bài toán khó. Điển hình, năm 2023, TPHCM đón khoảng 24.500 lượt khách tàu biển trong tổng số hơn 5 triệu lượt khách quốc tế đến tham quan, vui chơi. Nhưng thời gian lưu trú tại TPHCM của du khách khá ngắn, từ nửa ngày đến 2 ngày, sau đó khách đến các nước lân cận.
Đoàn khách tàu biển tham quan một điểm đến tại TP Nha Trang những ngày đầu năm 2024. Ảnh: ANH CHI
Nhiều chuyên gia du lịch chỉ ra rằng, TPHCM nói riêng, Việt Nam nói chung đã có thêm nhiều cửa hàng, trung tâm thương mại lớn, cao cấp nhưng vẫn chỉ ở tầm trung so với các nước trong khu vực, chưa đủ sức hấp dẫn khách quốc tế, nhất là phân khúc có mức chi tiêu cao. "Nếu để khách chỉ dạo chơi vài vòng, ghé tham quan chợ Bến Thành, xem múa rối nước, mua vài món đồ lưu niệm rồi về thì quá… uổng", đại diện một hãng lữ hành thổ lộ.
Theo ước tính của ông Phan Xuân Anh, lãnh đạo Công ty Tân Hồng - Du Ngoạn Việt (chuyên đón khách tàu biển), nhóm khách tàu biển chi tiêu khoảng 100 USD/người cho thời gian trên bờ (8-11 giờ). Khách có điều kiện, chi tiêu cao, gu thẩm mỹ tinh tế nên các địa phương làm du lịch cần nghiên cứu kỹ hơn, tạo thêm nhiều trải nghiệm để khách vui chơi, có dịp tiêu tiền. Cũng với tầm nhìn kích thích tiêu dùng của du khách, mới đây, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã có văn bản gửi lãnh đạo UBND TPHCM đề xuất hợp tác mở trung tâm thương mại mua sắm kết hợp các dịch vụ ăn uống đẳng cấp, đồng thời là địa điểm kinh doanh cửa hàng miễn thuế nội đô (Downtown Duty Free) đầu tiên ở TPHCM, tại tòa nhà Parkson Saigontourist Plaza (quận 1).
Nơi đây sẽ trở thành một trong các điểm đến thu hút khách quốc tế, trong đó có dòng khách tàu biển chi tiêu cao. Là một trong những đơn vị thường xuyên đón khách tàu biển, anh Lâm Ny, phụ trách điều hành tàu biển Công ty TNHH MTV Dịch vụ Lữ hành Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng, cho biết, Đà Nẵng vẫn là điểm đến yêu thích vì có cảng biển lớn, nằm giữa các di sản như cố đô Huế, phố cổ Hội An, thánh địa Mỹ Sơn... thuận lợi cho chuyến tham quan của khách. Tuy nhiên, điểm đậu xe trung chuyển đưa khách từ tàu về trung tâm thành phố không thuận tiện cho người lớn tuổi.
Các sản phẩm tham quan thành phố không thực sự hấp dẫn nên không được khách lựa chọn nhiều. Theo ông Hồ Mai Linh, Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ Du lịch Pacific Legend, Đà Nẵng nên xây dựng shutter bus (xe buýt đưa đón khách) thành một sản phẩm du lịch hoàn chỉnh. Tức là tại các điểm shutter bus có các quầy thông tin về xúc tiến du lịch để giới thiệu, quảng bá các điểm đến của du lịch Đà Nẵng; có ki ốt bán hàng hóa lưu niệm; có phương tiện xe điện để đưa đón khách từ điểm này qua điểm tham quan khác. Bên cạnh đó, bảo đảm môi trường du lịch, chấn chỉnh tình trạng đeo bám, chèo kéo khách, nhất là thời điểm tàu du lịch cập cảng đưa khách lên bờ... nhằm tạo sự an tâm cho du khách.
- TS NGUYỄN ANH TUẤN, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển du lịch:
Thương hiệu du lịch đẳng cấp
Những chuyến tàu biển quốc tế xuất hiện không chỉ là đòn bẩy để tái tạo thị trường mà còn khẳng định thương hiệu du lịch đẳng cấp của điểm đến. Đặc điểm của khách du lịch tàu biển luôn đi với số lượng đông, thời gian tham quan ngắn tại các điểm đến nên yêu cầu công tác tổ chức điều hành phải nhanh chóng, chính xác và an toàn. Hiện khách du lịch tàu biển ngày càng đa dạng, trẻ hóa về độ tuổi và tăng nhu cầu tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu văn hóa bản địa và mua sắm tại điểm đến. Đây là một trong những điểm yếu mà du lịch trong nước chưa khắc phục được. Thực tế, số doanh nghiệp có khả năng đáp ứng các dịch vụ cho du khách tàu biển chưa nhiều, chất lượng dịch vụ đón khách du lịch tàu biển còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu dịch vụ đón khách cao cấp. Về lâu dài, các địa phương cần tiếp tục nâng cao chất lượng dịch vụ, chú trọng phát triển các dòng sản phẩm du lịch hạng sang, xây dựng kế hoạch đào tạo bổ sung đảm bảo đủ nguồn nhân lực...
- Ông CAO TRÍ DŨNG, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch TP Đà Nẵng:
Cần hạ tầng dành riêng du lịch tàu biển
Tại cảng Tiên Sa, tàu du lịch cũng như tàu hàng hóa vẫn phải sử dụng chung khu vực đậu. Tàu du lịch có thời điểm phải ưu tiên tàu hàng hóa, chưa có nhà ga chuyên biệt để khách làm thủ tục nhập cảnh, mua sắm, tìm hiểu thông tin về điểm đến trước khi lên bờ. Việc dùng chung khu vực đậu như vậy gây ra sự xáo trộn, bất an. Vì vậy, TP Đà Nẵng cần có đề án phát triển du lịch tàu biển, cảng dành cho du lịch tàu biển phải là cảng mở, trên bến dưới thuyền tấp nập thì mới có thể phát triển. Cần lựa chọn những nhà đầu tư chiến lược, tầm cỡ để xây dựng nên các trung tâm vui chơi giải trí, mua sắm cao cấp, không để khách “mang tiền đến rồi lại mang về”!
- Ông NGUYỄN THÀNH LƯU, Tổng Giám đốc Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist:
Tăng cường quảng bá, tạo thuận lợi về thủ tục nhập cảnh cho các hãng tàu
Để phát triển thị trường khách du lịch tàu biển, các hãng tàu biển trên thế giới đều có chung những quan tâm cơ bản về điểm đến, hệ thống cảng biển, hệ thống giao thông, thủ tục pháp lý, chất lượng sản phẩm du lịch, an toàn cho du khách, chính sách về visa và thủ tục xuất nhập cảnh... Cần tăng cường công tác quảng bá, tiếp thị, tạo thuận lợi về thủ tục nhập cảnh cho các hãng tàu đưa khách đến Việt Nam; đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cảng biển, phát triển sản phẩm, bố trí các điểm dừng chân tham quan thành phố và quy hoạch chỗ dừng/đậu xe phù hợp để khách tham quan, chụp ảnh an toàn…
Theo https://www.sggp.org.vn/soi-dong-khach-du-lich-tau-bien-den-viet-nam-post722144.html#722144|home-highlight|0