Sông Sài Gòn điểm nhấn đặc biệt của du lịch Thành phố Hồ Chí Minh
Sài Gòn 2 phía là sông, nhắc đến sông Sài Gòn người ta nhớ câu ca dao
Nhà Bè nước chảy chia hai
Ai về Gia Định, Đồng Nai thì về
Thành phố Hồ Chí Minh nằm ở hạ lưu sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, có đường bờ biển dài 23 km và mạng lưới sông ngòi, kênh rạch khá dày đặc với mật độ lên tới 3,38 km/km2; sông Sài Gòn là sông lớn nhất, có 80 km chảy qua địa bàn Thành phố, là nơi có thể tiếp nhận các tàu biển và các tàu du lịch lớn, có tiềm năng phát triển loại hình du lịch sinh thái, đường thủy nội đô, cũng như các tuyến đường sông kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và sang Campuchia.
Vì lý do đó, vừa qua Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ nhất năm 2023, diễn ra từ ngày 4 – 6 tháng 8, với hàng hoạt sự kiện du lịch, giải trí, văn hóa thể thao diễn ra trên các bến sông Sài Gòn và các dòng kênh chính tại Thành phố Hồ Chí Minh như: trải nghiệm các chương trình du lịch đường thủy; trải nghiệm Không gian “Trên bến dưới thuyền” tại kênh Nhiêu Lộc - Quận 1, Bến Bình Đông - Quận 8, ngoài ra còn có các hoạt động như Giải đua thuyền truyền thống, diễu hành trên sông Sài Gòn và không gian văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian ở Bến Bạch Đằng, Công viên Lam Sơn... điểm nhấn đặc sắc của lễ hội là chương trình nghệ thuật “Dòng sông kể chuyện” tái hiện lịch sử Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định – Thành phố Hồ Chí Minh với sự kết hợp các loại hình nghệ thuật từ dân gian đến đương đại, từ âm nhạc, điện ảnh, vũ kịch đến công nghệ ánh sáng cùng các công nghệ trình diễn hiện đại.
Phát biểu tại Lễ hội Sông nước Thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Phan Văn Mãi cho biết lịch sử hình thành và phát triển trong hơn 300 năm qua của Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định-Thành phố Hồ Chí Minh có dấu ấn quan trọng của các dòng sông. Dọc theo các con sông, kênh rạch, các cảng-bến, phố chợ, làng nghề, dịch vụ trên bến dưới thuyền được hình thành, phát triển nhộn nhịp, làm nên đặc trưng riêng của một đô thị ven sông không chỉ gắn với phù sa mà còn dung hòa giữa văn hóa và kinh tế, giữa truyền thống và hiện đại, giữa bản sắc và hội nhập.
Những dòng sông chảy vào lòng thành phố ghi dấu ấn trong lịch sử của Sài Gòn-Thành phố Hồ Chí Minh. Dọc theo sông là các di tích lịch sử cách mạng gồm: Bến Nhà Rồng, Nhà máy Đóng tàu Ba Son, Chiến khu Rừng Sác...
Đặc biệt, “Trên bến dưới thuyền” không chỉ là hoạt động cần tiếp tục thúc đẩy để phát triển kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh mà còn là nếp sống, văn hóa, di sản quý báu cần được giữ gìn và quảng bá.
Ông nhấn mạnh việc Tổ chức lễ hội nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử, xây dựng sản phẩm, sự kiện đặc trưng. Cùng với đó là đẩy mạnh khai thác các giá trị kinh tế, du lịch từ hệ thống tài nguyên sông biển trên địa bàn Thành phố. Qua đó, hướng đến định vị thương hiệu một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa.
Nhân dịp này, Sở Du lịch Thành phố công bố 150 chương trình tour, gói, sản phẩm khuyến mãi, của hơn 100 doanh nghiệp với nhiều quà tặng và các dịch vụ đi kèm ưu đãi cho khách du lịch khi đến trải nghiệm, tham quan du lịch Thành phố Hồ Chí Minh trong dịp tổ chức Lễ hội Sông nước và cao điểm du lịch hè năm 2023. Sở Công thương đã công bố hàng trăm sản phẩm kích cầu mua sắm với giá ưu đãi tại các Trung tâm thương mại và Sở Văn hóa và Thể thao công bố gần 50 chương trình nghệ thuật giảm giá vé và tặng các dịch vụ đi kèm…
tin và ảnh: Hào Trần