Sức sống của một không gian văn hóa đặc biệt: Lan tỏa sâu rộng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh

Published Date
25/10/2024

Tính đến nay, các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn TPHCM đã đẩy mạnh xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh bằng nhiều hình thức, cách làm phong phú. Từ hoạt động tuyên truyền trực tiếp đến các phương thức tương tác và chia sẻ trên không gian mạng, đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong xã hội về giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Dấu ấn thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình

Trong hành trình “Về đất phương Nam” của đoàn cán bộ tuyên giáo, báo chí TPHCM mới đây, điểm tham quan đền thờ Bác Hồ tại xã Châu Thới, huyện Vĩnh Lợi (tỉnh Bạc Liêu) gây ấn tượng mạnh với các thành viên trong đoàn qua cách kể chuyện tình cảm của người thương binh Nguyễn Văn Khoa.

Gặp chúng tôi, ông Khoa nói: “Tôi nay hơn 70 tuổi rồi. Hơn 50 năm qua tôi ở đây, bên Bác Hồ, coi nơi đây như nhà của mình”… Hơn 50 năm trông giữ đền thờ Bác Hồ, cuộc đời ông Khoa gần như gắn bó với đền thờ, sớm tối, mưa gió, khó khăn đến mấy cũng phấn đấu làm.

Ông Khoa bộc bạch: “Nhờ công việc này mà tôi được tiếp cận với các thế hệ từ khắp mọi miền đất nước, qua đó giới thiệu, tuyên truyền để mọi người hiểu hơn về công lao trời biển của Bác Hồ với dân tộc ta qua những hình ảnh, hiện vật được trưng bày tại nhà lưu niệm phía sau bàn thờ Bác”.

Ông nói thêm: “Tôi học theo cách như ở TPHCM tạo ra một không gian kết hợp giữa văn hóa vật thể với văn hóa phi vật thể qua những hình ảnh, tư liệu, tranh tượng về Bác để thế hệ hôm nay dễ hiểu, thấm nhuần hơn giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ và học tập, làm theo”.

Y3b.jpg
                                              Các tín đồ Hồi giáo tham quan Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại một Thánh đường ở phường 17 (quận Phú Nhuận, TPHCM). Ảnh: Hoài Nam

Trong chiến dịch tình nguyện Mùa hè xanh năm 2024 vừa qua, 48 chiến sĩ tình nguyện TPHCM đã đến huyện đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) và để lại nơi đây những công trình, hoạt động ý nghĩa, qua đó hỗ trợ đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần tô điểm cho huyện đảo những mảng màu rực rỡ. Trong đó, đặc biệt là Không gian văn hóa Hồ Chí Minh lần đầu tiên được các chiến sĩ tình nguyện đưa đến huyện đảo từ thành phố mang tên Bác.

Trong ngày khánh thành Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại thư viện Trường THPT Ngô Quyền, các em học sinh hào hứng với 56 đầu sách kể về cuộc đời, sự nghiệp đấu tranh cách mạng của Bác Hồ kính yêu được đặt trang trọng ở khu trưng bày. Cùng với đó là tấm bản đồ hành trình 30 năm tìm đường cứu nước của Bác được phóng to với những chỉ dẫn nơi Bác đã đặt chân trên khắp năm châu tìm đường cứu nước cho dân tộc ta.

Anh Nguyễn Đức Trung, Phó Ban Thanh niên trường học (Thành đoàn TPHCM), Chỉ huy trưởng chiến dịch tình nguyện hè tại huyện đảo Phú Quý, chia sẻ, công trình Không gian văn hóa Hồ Chí Minh về với huyện đảo với mong muốn đoàn viên, thanh niên dù ở đất liền hay đảo xa vẫn luôn học tập và làm theo Bác từ những việc nhỏ nhất hàng ngày. Hành trình đến các địa phương, gắn với các hoạt động thiện nguyện càng giúp kết nối nghĩa tình của người dân từ thành phố mang tên Bác, lan tỏa ý nghĩa về một thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình đến người dân nơi biển đảo xa xôi.

Số hóa các nền tảng

Theo hướng dẫn của Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận 7 (TPHCM) Khưu Thiên Thành, chúng tôi quét mã QR vào ứng dụng “Làm theo lời Bác” trên điện thoại di động, thấy ngay một “bảo tàng” thu nhỏ về Không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Trong đó, phần giới thiệu đưa lên hình ảnh, bìa sách của hàng trăm tác phẩm viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh và những thước phim, vở kịch, bài hát ca ngợi Bác.

Bằng một cái chạm nhẹ trên điện thoại, anh Khưu Thiên Thành dẫn chúng tôi vào nghe những bài phát biểu của Bác tại các hội nghị diễn ra hàng chục năm trước, lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946 và bản Tuyên ngôn độc lập Bác tuyên đọc ở Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945.

Các nội dung này cũng được xây dựng trên ứng dụng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” bằng 5 ngôn ngữ: Việt, Anh, Hàn, Hoa, Nhật, để đồng bào các dân tộc và các tôn giáo, cũng như người nước ngoài dễ dàng vào xem, đọc và hiểu hơn giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ.

Cũng với cách này, chúng tôi dùng điện thoại di động quét mã QR vào Tủ sách điện tử “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” của quận 6 (TPHCM), liền thấy hiện lên giao diện của loạt hình ảnh, tư liệu về Bác. Trong đó, đáng chú ý có các “bảo tàng” thu nhỏ giới thiệu mã QR của các bộ sách Hồ Chí Minh toàn tập, học và làm theo Bác, tư liệu ảnh, tư tưởng, đạo đức, văn hóa, video về Bác…

Vào fanpage “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh”, không khó để vào các kho dữ liệu về hình ảnh, tư liệu, thước phim và các câu chuyện kể về cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của Bác. Trong đó, nổi bật là chuyên đề “Thanh niên gương mẫu học tập và làm theo Bác”, với những bài viết nói về các công trình, phần việc, hoạt động ý nghĩa, các câu chuyện sống đẹp… của tuổi trẻ các phường, đơn vị, tổ chức, địa bàn dân cư trong toàn quận.

Theo Trưởng Ban Tuyên giáo Quận ủy quận 6 Nguyễn Quốc Dương, cùng với các nền tảng trên, quận 6 hiện còn tổ chức nhiều cuộc triển lãm sách, tư liệu về “Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, thành lập hơn 50 “Tủ sách Hồ Chí Minh” tại các địa bàn dân cư và 22 Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong các ngôi chùa, thánh đường Hồi giáo, nhà thờ Tin Lành trong toàn quận.

Đồng thời, từng bước chuyển đổi số qua các tủ sách điện tử Không gian văn hóa Hồ Chí Minh và xây dựng “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” trên các nền tảng số có thể truy cập bằng điện thoại di động ở mọi lúc, mọi nơi… Từ các phương thức linh hoạt này đã góp phần lan tỏa tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác và khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết gắn bó trong các giới đồng bào cùng chung sức, chung lòng xây dựng, phát triển đất nước phồn vinh.

Quận Bình Thạnh (TPHCM) cũng đẩy mạnh việc đưa ứng dụng công nghệ vào xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thông qua các ứng dụng trên các nền tảng số để người dân dễ dàng tiếp cận trên điện thoại di động. Đến UBND phường 7 (quận Bình Thạnh), ngay tại khu vực tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ, bên cạnh bảng chỉ dẫn các thủ tục hành chính là một Không gian văn hóa Hồ Chí Minh thu nhỏ. Bằng cách quét mã QR, chúng tôi đã hòa mình vào bảo tàng trực tuyến với những hình ảnh, tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Có 6 phòng tham quan trưng bày 160 hình ảnh, tác phẩm văn học, nghệ thuật về Chủ tịch Hồ Chí Minh đấy chị ạ”, một nữ công chức phía trong quầy thủ tục nói với chúng tôi. Quan sát trong vòng gần nửa tiếng đồng hồ, chúng tôi thấy có hơn 20 người ngồi chờ làm thủ tục và người dân trong phường quét mã QR vào tìm đọc các tác phẩm nổi tiếng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, như: “Đường Kách mệnh”, “Nhật ký trong tù”, “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến”, “Bản tuyên ngôn độc lập” và 10 ca khúc ca ngợi Hồ Chủ tịch.

Vào các nền tảng Facebook, Zalo, YouTube…, không khó bắt gặp Fanpage “Người Bình Thạnh” có hàng chục ngàn lượt theo dõi, album ảnh “Không gian văn hóa Hồ Chí Minh” thu hút nhiều lượt người thích, bình luận, trong đó có cả người nước ngoài và người dân ở khắp mọi miền đất nước.

Phó Bí thư Thường trực Quận ủy quận Bình Thạnh Triệu Lệ Khánh cho biết: “Không chỉ xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các cơ quan, đơn vị, địa bàn dân cư, quận đang tập trung phát triển mô hình xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các điểm sáng văn hóa trong các hộ kinh doanh cá thể để tiếp cận gần hơn với người dân mọi lúc, mọi nơi”.

                                                     THU HOÀI - MINH ĐỨC - Theo https://www.sggp.org.vn/suc-song-cua-mot-khong-gian-van-hoa-dac-biet-lan-toa-sau-rong-khong-gian-van-hoa-ho-chi-minh-post765203.html#765203|recommendation-199|5