Trong một lần trao đổi với Pháp Luật TP.HCM giai đoạn đại dịch COVID-19 vừa “quét” qua đời sống và nền kinh tế TP.HCM hồi cuối năm 2021, TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý (ĐH Fulbright Việt Nam), cho rằng đại dịch càng thôi thúc TP phải tái cấu trúc nền kinh tế, trong đó rất quan trọng là lĩnh vực công nghiệp.
Theo ts Tự Anh, TP.HCM không thể tiếp tục phát triển theo hướng công nghiệp kiểu trước đây, vốn thâm dụng lao động lớn trong khi giá trị gia tăng không cao. TP cần định vị lại nền công nghiệp, tập trung vào nhóm ngành công nghệ cao, ưu tiên các lĩnh vực chất xám…
Nền công nghiệp đã già cỗi
Thật ra không phải chờ đến khi đại dịch xuất hiện, việc tái định vị nền kinh tế nói chung và lĩnh vực công nghiệp TP.HCM nói riêng mới được đặt ra. Ở tầm quốc gia, ít nhất là từ năm 2018, Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nêu rõ các định hướng phát triển công nghệ của Việt Nam theo hướng công nghiệp chất lượng cao, với những ưu tiên cho ngành công nghệ thông tin và viễn thông, công nghiệp điện tử ở trình độ tiên tiến của thế giới; công nghiệp năng lượng sạch - tái tạo - thông minh; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế…
Nền kinh tế bền vững là nền kinh tế phát triển không chỉ dựa vào dịch vụ mà còn dựa trên nền tảng sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Bởi lẽ nếu chỉ phát triển dịch vụ mà không sản xuất hàng hóa phục vụ người tiêu dùng thì nền kinh tế dễ rơi vào tình trạng bị phụ thuộc. Vì vậy, dù dịch vụ chiếm tỉ trọng cao nhưng cũng cần phải quan tâm, thúc đẩy phát triển các ngành sản xuất công nghiệp và nông nghiệp. Đây là yêu cầu tất yếu của sự phát triển cân bằng và bền vững.
Phó Chủ tịch VÕ VĂN HOAN
Trong vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM nhiệm kỳ 2020-2025 cũng xác định rõ nhiệm vụ: Phát triển công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ dựa trên nền tảng công nghiệp công nghệ cao và kinh tế số; đẩy mạnh phát triển công nghiệp hỗ trợ và tiếp tục phát triển bốn ngành công nghiệp trọng yếu (bao gồm chế biến lương thực, thực phẩm; hóa chất - cao su - nhựa; cơ khí; điện tử). Điều này góp phần quan trọng vào mục tiêu GRDP bình quân đầu người ở TP đạt 8.500 USD vào năm 2025, đạt 13.000 USD vào năm 2030.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên thời gian qua cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng cần nhìn ra thế giới để định vị phát triển công nghiệp tại TP.HCM. Các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX) đang đứng trước nhiều yêu cầu quan trọng, cấp thiết như: Buộc phải đổi sang mô hình mới dựa trên đổi mới sáng tạo và khoa học - công nghệ; tập trung cải tiến toàn diện, quyết liệt nhằm loại bỏ các công nghiệp già cỗi, tái cấu trúc theo hướng công nghiệp sinh thái bền vững, tuần hoàn…
Cuối tháng 4 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan một lần nữa nhắc lại nền công nghiệp trong gần 50 năm qua dù có đổi mới nhưng đến nay ngành công nghiệp sản xuất của TP đang bị lạc hậu, tỉ trọng thâm dụng lao động cao, giá trị gia tăng thấp. Ông Hoan nêu rõ phát triển công nghiệp của TP cần theo hướng nâng cao chất lượng sản xuất công nghiệp đáp ứng xu thế phát triển của thế giới; phát triển các lĩnh vực công nghiêp ứng dụng công nghệ cao, tạo ra nhiều giá trị gia tăng.
Công nhân sản xuất tại Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: HOÀNG QUÂN |
Những nhận định và chủ trương về phát triển công nghiệp từ chính quyền TP phần nào cho thấy những nhận thức về sự giậm chân tại chỗ, nếu không muốn nói là “thụt lùi” của nền công nghiệp TP so với cả nước và khu vực. Chia sẻ về lo ngại của lãnh đạo TP, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, cho rằng hiện trạng phát triển công nghiệp của TP khó có thể đáp ứng được kỳ vọng giúp TP giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của cả vùng và cả nước.
Lý do là các KCN, KCX của TP trong thời gian qua tuy vẫn thu hút đầu tư nước ngoài, thúc đẩy hoạt động xuất khẩu, tạo tiền đề hội nhập nền kinh tế Việt Nam với thế giới nhưng mô hình phát triển lại đang bộc lộ các hạn chế. Theo ông Vũ, có năm vấn đề lớn đang tồn tại với công nghiệp TP.
Thứ nhất là tỉ trọng ngành công nghiệp trong GRDP của TP có xu hướng giảm dần. Nếu như năm 2010, ngành công nghiệp TP chiếm 15,38% giá trị tăng thêm ngành công nghiệp cả nước thì đến năm 2021, con số này chỉ còn 8,7%. Thứ hai, quy mô ngành công nghiệp TP mất dần vị trí đứng đầu trong vùng Đông Nam Bộ.
Thứ ba, tốc độ tăng giá trị gia tăng ngành công nghiệp luôn thấp hơn tốc độ tăng GRDP của TP, đồng thời giá trị tăng thêm ngành công nghiệp TP chiếm tỉ trọng ngày càng giảm trong cơ cấu giá trị gia tăng công nghiệp cả nước.
Thứ tư, diện tích đất công nghiệp tại TP khá hạn chế so với các KCN phía Nam và các tỉnh lân cận, hiện TP không còn nhiều đất sạch, do vậy cần tạo quỹ đất công nghiệp cho TP trong thời gian tới. Điển hình, theo Ban quản lý các KCX và công nghiệp TP.HCM (Hepza), quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp của TP được Chính phủ phê duyệt từ cuối năm 2014 với tổng diện tích chỉ là 5.921 ha nhưng đến nay vẫn không tăng.
Cuối cùng, hoạt động sản xuất công nghiệp phát triển rộng, xen cài trong địa bàn dân cư, không tập trung trong các khu - cụm công nghiệp như các địa phương khác.
Ngành công nghiệp đóng góp rất quan trọng
Sau 30 năm phát triển, đến nay TP.HCM có ba KCX và 14 KCN đã đi vào hoạt động với tổng diện tích 3.900 ha, tỉ lệ lấp đầy đạt trên 80%.Theo số liệu từ Hepza, lũy kế đến tháng 10-2022, các KCX, KCN đã thu hút được 1.674 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký 12,5 tỉ USD, trong đó vốn đầu tư nước ngoài chiếm tỉ trọng 45%. Bình quân hằng năm các KCX, KCN thu hút hơn 260 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (các năm gần đây khoảng 550-600 triệu USD), chiếm tỉ trọng 58% vốn đầu tư nước ngoài của TP trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Giá trị xuất khẩu trung bình hằng năm của các KCX, KCN đạt 7 tỉ USD, chiếm trên 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của TP; trung bình hằng năm nộp ngân sách nhà nước hơn 22.000 tỉ đồng, chiếm 6% thu ngân sách TP (không kể dầu thô). Các KCX, KCN đã giải quyết việc làm cho hơn 281.000 lao động, chiếm 6% lực lượng lao động của TP, trong đó tính riêng lao động trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng là 18%.
Đồng tình, ThS Nguyễn Mạnh Linh, Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công Thương), cũng chỉ rõ dù giá trị tăng thêm ngành công nghiệp TP liên tục tăng (trừ năm 2021) nhưng đóng góp, giá trị mới sáng tạo của ngành công nghiệp lại suy giảm so với cả nước.
Ông Linh đồng thời chỉ ra nhiều tồn tại: Tốc độ tăng trưởng thấp; môi trường đầu tư giảm cạnh tranh (như chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số cải cách hành chính (PAR), chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) đều có xu hướng giảm); cơ cấu ngành công nghiệp công nghệ trình độ thấp còn cao; phân bố không gian công nghiệp lạc hậu; liên kết trong phát triển công nghiệp với vùng còn hạn chế…
Lãnh đạo TP cũng như giới chuyên gia kinh tế, cộng đồng doanh nghiệp cho tới lúc này đều đồng tình rằng việc tái định vị nền công nghiệp TP không chỉ là nhu cầu quan trọng, mà còn cấp bách trước các mục tiêu định vị vị thế kinh tế TP so với vùng phía Nam, cả nước và khu vực.•
Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại kinh tế...
Trong Nghị quyết 31 về phát triển TP.HCM, Bộ Chính trị đề ra nhiệm vụ cho TP.HCM để phát triển xứng tầm.
Theo đó, TP.HCM phải cơ cấu lại tổng thể kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng kinh tế tri thức, ứng dụng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và năng suất lao động cao. Quy hoạch, chuyển đổi mô hình các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất theo hướng phát triển công nghệ cao, sáng tạo, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; lựa chọn các sản phẩm và công đoạn có giá trị gia tăng cao tham gia chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp theo hướng phát huy tiềm năng, lợi thế của TP, phát triển nông nghiệp đô thị, sinh thái; xây dựng nông thôn phát triển toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa. Phát triển TP Thủ Đức trở thành cực tăng trưởng mới, là đô thị sáng tạo, tương tác cao, hạt nhân thúc đẩy kinh tế - xã hội của TP.HCM.
Tập trung xây dựng TP trở thành trung tâm dịch vụ lớn của cả nước và khu vực với các ngành dịch vụ cao cấp, hiện đại; hình thành trung tâm hội chợ triển lãm quốc tế; có cơ chế, chính sách, hạ tầng kỹ thuật phù hợp để sớm xây dựng thành công Trung tâm Tài chính quốc tế TP.HCM; hỗ trợ phát triển đồng bộ các thị trường; thúc đẩy kinh tế tri thức, công nghệ số trong các ngành dịch vụ như tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, thương mại điện tử, du lịch, văn hóa, thể thao, giáo dục, y tế chất lượng cao... Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, ưu tiên các ngành và sản phẩm ứng dụng công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Phát triển đồng bộ các khu vực kinh tế; hoàn thiện mô hình quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tiếp tục sắp xếp, đổi mới, cổ phần hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát huy vai trò của doanh nghiệp nhà nước trong thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của TP; hỗ trợ khu vực kinh tế tập thể, tổ chức lại các mô hình hợp tác xã kiểu mới; thúc đẩy phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân; xây dựng một số doanh nghiệp mang tầm quốc gia và toàn cầu.
Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc theo hướng ưu tiên các dự án công nghệ cao, quản trị hiện đại và có tác động lan tỏa, kết nối chặt chẽ với kinh tế trong nước; phát triển công nghiệp hỗ trợ kết nối doanh nghiệp Việt Nam với doanh nghiệp FDI. Phát huy vai trò động lực, dẫn dắt của đầu tư công, kết hợp với khơi thông nguồn vốn từ khu vực tư nhân, đầu tư nước ngoài, các nhà tài trợ và tổ chức tài chính quốc tế...
Sắp xếp, cơ cấu lại hệ thống cơ sở nghiên cứu khoa học - công nghệ; xây dựng và phát triển các trung tâm đổi mới sáng tạo mang tầm quốc gia, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ, nhất là các công nghệ lõi, với hạt nhân là Khu công viên phần mềm Quang Trung, Khu công nghệ cao, các viện nghiên cứu, trường đại học...
Theo ĐẠI THẮNG/Báo Pháp luật TP.HCM