Tạo hành lang pháp lý để quản lý phù hợp dịch vụ OTT

Published Date
23/06/2023

 NDO -  Các đại biểu Quốc hội cho rằng, các dịch vụ viễn thông cơ bản trên Internet (OTT) đang rất phổ biến và có xu thế thay đổi dần các dịch vụ viễn thông truyền thống, do đó rất cần hành lang pháp lý để điều chỉnh. 

 Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng 22/6. (Ảnh: ĐĂNG KHOA) 
Các đại biểu Quốc hội tham dự phiên họp sáng 22/6. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Rà soát mức độ áp dụng bảo đảm thông thoáng, an toàn thông tin 

Sáng 22/6, thảo luận tại hội trường Quốc hội về dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Lã Thanh Tân (Hải Phòng) bày tỏ tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội về dự thảo luật. 

Đại biểu cho rằng dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) trình Quốc hội tại kỳ họp này là cơ hội để Việt Nam kịp thời đưa ra các chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng, đa dạng hóa thị trường viễn thông và điều chỉnh các quy định đã lỗi thời, không còn phù hợp với thực tế và sự phát triển của công nghệ. 

Theo đó, dự thảo luật đã mở rộng đáng kể phạm vi điều chỉnh một số ngành, lĩnh vực không phải là hoạt động hay dịch vụ viễn thông truyền thống nhưng đang rất phổ biến và ngày càng có xu thế thay đổi dần các hoạt động hoặc dịch vụ viễn thông truyền thống, thí dụ như OTT, dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây, trong khi còn đang thiếu những hành lang pháp lý để điều chỉnh một cách hệ thống.  

Tạo hành lang pháp lý để quản lý phù hợp dịch vụ OTT ảnh 1

Đại biểu Lã Thanh Tân - Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

“Tôi cho rằng việc này là cần thiết và cũng không nằm ngoài thông lệ quốc tế hay các cam kết quốc tế của Việt Nam, thực tế hiện nay một số quốc gia phát triển và trong khu vực cũng đã đưa những nội dung này vào Luật Viễn thông”, đại biểu Lã Thanh Tân nhấn mạnh. 

Theo đại biểu, vấn đề là cần tiếp tục rà soát mức độ áp dụng các quy định quản lý đối với các loại hình dịch vụ này trong Luật Viễn thông để bảo đảm vẫn thông thoáng, tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh dịch vụ có hiệu quả, đáp ứng nhu cầu của người sử dụng, đồng thời vẫn bảo đảm có các hành lang pháp lý để quản lý, bảo đảm các vấn đề an ninh quốc gia, an ninh mạng, an toàn thông tin, cũng như bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân. 

Đại biểu cho rằng cần rà soát xem việc áp dụng các tiêu chuẩn và quy định điều chỉnh dịch vụ OTT giống như đối với dịch vụ viễn thông truyền thống đã thực sự phù hợp với tính chất của loại hình dịch vụ này hay chưa, các quy định về điều kiện kinh doanh hay hạn chế đối với dịch vụ điện toán đám mây, việc yêu cầu tất cả các loại hình dịch vụ này phải được cấp phép như dịch vụ viễn thông truyền thống... 

Cũng bày tỏ đồng tình với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh luật, bổ sung 3 loại dịch vụ mới, gồm trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây và dịch vụ OTT viễn thông, đại biểu Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) cho rằng, việc mở rộng này nhằm điều chỉnh, quản lý kịp thời các dịch vụ, ứng dụng mới xuất hiện trên nền tảng Internet mà không sử dụng tài nguyên số phụ thuộc vào kết nối viễn thông.  

Tạo hành lang pháp lý để quản lý phù hợp dịch vụ OTT ảnh 2

Đại biểu Vương Quốc Thắng (Quảng Nam) phát biểu. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Theo đại biểu, các dịch vụ mới này được sử dụng phổ biến nhưng hiện chưa được điều chỉnh đầy đủ bởi các luật hiện hành và cần phải có chế tài quản lý để bảo đảm quyền lợi của người sử dụng dịch vụ an toàn, an ninh. 

Đại biểu cho rằng cần cân nhắc, tính toán thật hợp lý vì nếu quản lý chặt chẽ quá sẽ ảnh hưởng đến việc khuyến khích dịch vụ mới phát triển và đổi mới sáng tạo. 

“Theo tôi, cần cân nhắc quản lý ở mức độ phù hợp như quản lý như thế nào khi dịch vụ này có tính xuyên biên giới, với hình thức nào để không ảnh hưởng đến các nhà đầu tư nước ngoài do phải thực hiện các cam kết, hoặc vấn đề về bảo đảm an ninh, an toàn thông tin để tạo môi trường thuận lợi cho các dịch vụ này phát triển và khuyến khích đổi mới sáng tạo”, đại biểu Vương Quốc Thắng nêu rõ. 

Do đó, đại biểu kiến nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, tham khảo thêm kinh nghiệm, đặc biệt ở các nước có nét tương đồng với Việt Nam để làm rõ, hoàn thiện các quy định này, nhằm bảo đảm tính khả thi cũng như tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật. 

Còn ý kiến khác nhau về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích 

Liên quan Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, trong phiên thảo luận có nhiều ý kiến khác nhau của các đại biểu Quốc hội tham gia vào nội dung này. Có ý kiến cho rằng nên tiếp tục duy trì quỹ với những lý do thuyết phục như trong Tờ trình của Chính phủ, nhưng cũng có ý kiến cho rằng không nên duy trì quỹ vì những nhiệm vụ công ích phải do ngân sách nhà nước đảm nhiệm.  

Phân tích rõ hơn vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, để có ý kiến chính xác nhất về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, cần đánh giá rõ ràng về hoạt động của quỹ thời gian qua, những ưu điểm và hạn chế, những khó khăn, vướng mắc, từ đó mới có thể điều chỉnh sửa đổi cho hợp lý.  

Tạo hành lang pháp lý để quản lý phù hợp dịch vụ OTT ảnh 3

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu thảo luận. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Theo quy định của dự thảo luật, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích. Quỹ được hình thành từ các nguồn: Đóng góp từ doanh thu của các doanh nghiệp viễn thông, viện trợ, tài trợ, đóng góp từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và các nguồn hợp pháp khác. 

Tuy nhiên, do không có báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông nên chưa rõ trong thời gian qua quỹ đã thu được bao nhiêu phần trăm trong tổng quỹ là tiền ngoài đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông. 

Theo đại biểu, nếu chủ yếu là tiền đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông theo tỷ lệ doanh thu thực chất như là một hình thức nộp thuế trên doanh thu thì khoản tiền này nên nộp về ngân sách nhà nước để quản lý chặt chẽ và hiệu quả hơn.

Đại biểu dẫn số liệu từ Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết, trong giai đoạn 2016-2022, tổng số thu của quỹ đạt gần 8.200 tỷ đồng nhưng chi mới chỉ đạt được hơn 2.700 tỷ đồng, số tiền dư trong quỹ là hơn 5.400 tỷ đồng. 

Trong số chi, phần chi cho tổ chức bộ máy cũng chiếm khá lớn. Như vậy, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng có thể thấy hoạt động của quỹ chưa thực sự đạt hiệu quả cao như mong muốn. 

Nêu rõ quy định về Quỹ dịch vụ viễn thông công ích trong dự thảo luật còn quá chung, nữ đại biểu đề nghị trước khi xác định việc có nên tiếp tục duy trì Quỹ viễn thông công ích Việt Nam hay không và quy định cụ thể trong luật như thế nào, Bộ Thông tin và Truyền thông cần có đánh giá, báo cáo giải trình rõ hơn về hoạt động của quỹ thời gian qua để các đại biểu Quốc hội được rõ và đóng góp ý kiến được cụ thể, rõ ràng hơn.  

Tạo hành lang pháp lý để quản lý phù hợp dịch vụ OTT ảnh 4

Đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) phát biểu tại phiên thảo luận. (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Bày tỏ đồng tình với sự cần thiết tiếp tục duy trì Quỹ dịch vụ viễn thông công ích, đại biểu Sùng A Lềnh (Lào Cai) cũng cho rằng hiệu quả sử dụng quỹ chưa cao, do mục tiêu đề ra của chương trình chưa phù hợp, việc tổ chức thực hiện còn gặp nhiều khó khăn. 

Đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét, chỉ đạo luật hóa các nội dung đã được quy định tại các quyết định của Thủ tướng Chính phủ đã triển khai thực hiện trong thời gian qua liên quan đến các nguyên tắc hoạt động, nhiệm vụ, quyền hạn của quỹ, bảo đảm tính minh bạch, rõ ràng, tăng tính hiệu quả của quỹ. 

Cùng với đó, phân định rõ ràng từng dịch vụ viễn thông công ích, bổ sung quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tại các địa phương trong việc sử dụng và quản lý quỹ để phù hợp với mục tiêu của quỹ và các quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. 

Ngoài ra, đại biểu Sùng A Lềnh cũng kiến nghị xem xét mở rộng phạm vi sử dụng của quỹ đối với hoạt động đầu tư phát triển sản xuất thiết bị viễn thông, mô hình, giải pháp nền tảng số, dịch vụ mới phục vụ các hoạt động viễn thông công ích thay vì chỉ sử dụng vào mục tiêu hỗ trợ như hiện nay.      


Theo TRUNG HƯNG/Báo Nhân dân online

https://nhandan.vn/tao-hanh-lang-phap-ly-de-quan-ly-phu-hop-dich-vu-ott-post758816.html