Thành phố Hồ Chí Minh tích cực xúc tiến thị trường du lịch
Doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành, cơ sở lưu trú trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực triển khai đa dạng hành trình thu hút, cũng như phục vụ khách quốc tế.
Sau khoảng một tuần, thị trường du lịch Thành phố Hồ Chí Minh chính thức mở cửa đón khách quốc tế, nhiều doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành, cơ sở lưu trú... trên địa bàn đã tích cực xúc tiến thị trường du lịch trong và ngoài nước.
Các đơn vị này cho rằng nếu du lịch nội địa là giải pháp tiên phong và bền vững, du lịch quốc tế sẽ là động lực giúp ngành lấy lại "phong độ" trong thời gian tới.
Xu hướng cởi mở du lịch
Để thu hút khách quốc tế, nhất là du khách thuộc những khu vực lân cận đến Việt Nam một cách hiệu quả và an toàn, một số chuyên gia cho rằng các điểm đến tại Việt Nam cần sự hiểu biết thấu đáo về du khách trong bối cảnh mà hành vi và tâm lý của du khách đã thay đổi do tác động của đại dịch COVID-19.
Việc tìm hiểu mức độ sẵn sàng quay trở lại hoạt động du lịch của du khách quốc tế là rất quan trọng, vì đây là nền tảng cơ sở cho doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành, cơ sở lưu trú... xây dựng lộ trình đón khách quốc tế, cũng như hoạch định chiến lược phát triển sản phẩm, tiếp thị và truyền thông phù hợp và hiệu quả.
Dữ liệu từ Công ty nghiên cứu và phân tích dữ liệu cho ngành Du lịch và khách sạn tại một số quốc gia của The Outbox Company (Outbox) vừa công bố cho thấy thị trường khách Hàn Quốc và Singapore thể hiện tinh thần sẵn sàng quay trở lại hoạt động du lịch quốc tế khi những hạn chế đi lại giữa các nước được nới lỏng.
Khách du lịch quốc tế tham quan và chụp ảnh lưu niệm tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Phương Vy-TTXVN)
Trong khi đó, người dân Trung Quốc, Nhật Bản... lại khá e dè và thận trọng đối với hoạt động du lịch quốc tế bởi những quy định về cách ly và đóng cửa biên giới của những quốc gia này vẫn được quản lý một cách nghiêm ngặt. Qua đó có thể thấy mức độ sẵn sàng cho việc đi du lịch quốc tế trở lại của người dân các nước được khảo sát có sự khác biệt nhất định.
Cụ thể, đối với mức độ cởi mở đối với hoạt động du lịch quốc tế, người dân đến từ thị trường Hàn Quốc và Singapore có tâm lý lạc quan trong việc đi du lịch trở lại khi hai thị trường này đều có mức độ sẵn sàng đi du lịch quốc tế cao với tỷ lệ lần lượt là 90% và 75%.
Nhờ tỷ lệ tiêm chủng cao và các quy định đi lại thông thoáng, người dân ở hai quốc gia Hàn Quốc và Singapore sẽ là hai thị trường tái khởi động du lịch quốc tế sớm nhất so với một số thị trường khác.
Ngoài ra, mức độ sẵn sàng quay trở lại thú vui khám phá thế giới của du khách châu Á không chỉ phụ thuộc vào quy định của Chính phủ của các nước gửi khách mà còn phụ thuộc chủ yếu vào tình hình kiểm soát dịch bệnh cũng như sự cởi mở đối với quy định, chính sách của nước sở tại.
Tính đến nay, nhiều quốc gia trong khu vực đã dần nới lỏng hạn chế di chuyển và nối lại đường bay thương mại và đây là tín hiệu khả quan trong tạo điều kiện thuận lợi để ngành du lịch Việt Nam thoát khỏi trạng thái "cửa đóng then cài" và chính thức chào đón du khách quốc tế quay trở lại.
Tại Việt Nam, văn bản hướng dẫn ban hành mới nhất ban hành của Bộ Y tế, có quy định người nhập cảnh vào Việt Nam chỉ cần xét nghiệm COVID-19 âm tính trước khi xuất cảnh, khi nhập cảnh chỉ cần khai báo y tế, không cần xét nghiệm lại và cũng không cần cách ly.
Trong văn bản này, nhiều quy định đã "cởi mở" hơn cho du lịch quốc tế như khách quốc tế chỉ cần tiêm đủ liều vaccine COVID-19 và có những xét nghiệm âm tính trước khi xuất cảnh bằng đường hàng không trong 72 giờ nếu sử dụng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP, hoặc trong 24 giờ nếu sử dụng phương pháp xét nghiệm nhanh.
Với khách nhập cảnh bằng đường bộ, đường sắt, đường biển... có thể xét nghiệm trước khi xuất cảnh giống đường đường hàng không nếu thời gian di chuyển ngắn. Riêng trẻ em dưới 2 tuổi nhập cảnh đều không bắt buộc xét nghiệm COVID-19.
Kết nối du lịch quốc tế
Hiện nay, Chính phủ việt Nam đã khôi phục miễn thị thực cho công dân 13 nước. Thời gian tạm trú đối với công dân các nước này là 15 ngày, tính từ ngày nhập cảnh, không phân biệt hộ chiếu, mục đích nhập cảnh.
Tuy nhiên, khách quốc tế nhập cảnh vào Việt Nam nói riêng, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng, phải tuân thủ nghiêm ngặt quy định về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại địa phương.
Điển hình, khách quốc tế phải khai báo y tế khi nhập cảnh và sử dụng khai báo y tế (PC-COVID), tự theo dõi sức khỏe, 5K...
Doanh nghiệp du lịch, công ty lữ hành, cơ sở lưu trú trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đang tích cực triển khai đa dạng hành trình thu hút, cũng như phục vụ khách quốc tế.
Trong bối cảnh du lịch Việt Nam và thế giới đang trên đà phục hồi, các quốc gia trên toàn cầu cũng đang đẩy mạnh thực hiện nhiều chiến lược để có thể thích ứng với trạng thái bình thường mới hậu COVID-19, nên du lịch cũng đã khởi sắc và từng bước trở lại với phong phú hoạt động xúc tiến du lịch trong và ngoài nước.
Ngành Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể là Sở Du lịch và Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Dịch vụ mặt đất sân bay Việt Nam (VIAGS) đã ký kết thỏa thuận hợp tác tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh, cho hay đây là hoạt động thúc đẩy phục hồi và phát triển du lịch bền vững trên địa bàn thành phố nói riêng và thị trường cả nước nói chung.
Nội dung thỏa thuận hợp tác giữa Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và EuroCham giai đoạn 2022-2024 sẽ thúc đẩy phát triển loại hình du lịch MICE (loại hình du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, triển lãm, tổ chức sự kiện, du lịch khen thưởng của các công ty cho nhân viên, đối tác) và du lịch ẩm thực.
Trong khi đó, nội dung thỏa thuận hợp tác giữa Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh và VIAGS giai đoạn 2022-2027, chủ yếu tập trung vào mục tiêu nâng cao số lượng và chất lượng khách du lịch, góp phần phát triển du lịch Việt Nam nói chung và điểm đến du lịch Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng./.
Theo Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)