Thành Phố Hồ Chí Minh: Tự hào là nơi Bác bắt đầu cuộc hình trình cứu nước
Bến Nhà Rồng trở thành một địa danh văn hóa lịch sử, niềm tự hào của Thành phố Hồ Chí Minh, chính tại nơi đây, vào ngày 05 tháng 6 năm 1911, Hồ Chí Minh lúc đó tên là Nguyễn Tất Thành đã bước lên tàu Amiral Latouche Tréville (Pháp) với sứ mệnh cao cả là đi tìm đường cứu nước, giải phóng dân tộc
Tàu Amiral Latouche Tréville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn.
Bắt đầu từ Huế, tháng 5 năm 1909, Nguyễn Tất Thành theo cha mình là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc vào Bình Định. Người được cha gửi đến để học thêm tiếng Pháp với thầy giáo Phạm Ngọc Thọ dạy tại Trường Tiểu học Pháp tại Quy Nhơn. Tháng 8 năm 1910, Nguyễn Tất Thành rời Quy Nhơn. Tháng 9 năm 1910, Người dạy học ở trường Dục Thanh thuộc tỉnh Phan Thiết (Bình Thuận). Cuối năm 1910, Bác xin thôi việc và bắt đầu cuộc hành trình vào Sài Gòn. Đến Sài Gòn, Người đến tại xóm cầu Rạch Bần, nay là số nhà 185/1 đường Cô Bắc, Quận 1. Một thời gian sau, Bác đến ở nhà số 1-2-3 đường Tecxa, Chợ Lớn (nay là số 5 đường Châu Văn Liêm, phường 14, Quận 5)
Tháng 3 năm 1911, Bác xin vào học ở trường đào tạo công nhân cho xưởng Ba Son. Đồng chí Hà Huy Giáp kể lại, có lần Bác nói: “Bác đâu có ý định học thợ, nhưng trong lúc lang thang để tìm cách sang phương Tây, mà có nơi cho mình học, có cái ăn là mình vô thôi”. Bác học tại trường được 3 tháng. Trong một lần đến thăm cha ở Đồng Tháp, Bác được cụ Phó bảng dạy: “Tìm thăm cha là tốt, nhưng cái cần hơn vẫn là tìm đường cứu dân tộc”...
Bác vốn nghiên cứu rất kỹ về con đường cách mạng của các chí sĩ yêu nước như: Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu, Trần Quý Cáp… Tinh thần yêu nước của các bậc tiền nhân đã giúp Bác thêm động lực để nuôi chí lớn. Khi đã tìm con đường đi của riêng mình, Bác tâm sự với một người bạn:
- Tôi muốn đi ra ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta. Nhưng nếu đi một mình, thực ra cũng có điều mạo hiểm, ví như khi đau ốm... Anh muốn đi với tôi không?
Người bạn ngạc nhiên sửng sốt hỏi:
- Nhưng... lấy đâu ra tiền mà đi?
Bác giơ 2 bàn tay lên cả quyết:
- Đây, tiền đây. Chúng ta sẽ làm việc, ta sẽ làm bất cứ việc gì để sống và để đi. Anh cùng đi với tôi chứ?
Trước lòng quyết tâm của Bác, anh bạn đã đồng ý, nhưng sau đó anh không đủ can đảm thực hiện lời hứa.
Để thực hiện chí nguyện của mình, Bác thường lân la tìm đến cảng Sài Gòn để làm quen với những người làm việc nơi đây. Khi biết chiếc tàu Amiral Latouche Tréville vừa mới cập bến cần tuyển thêm người, Bác xuống tàu và gặp thuyền trưởng Lui E-du-a Mai-sen, quê ở miền Bắc nước Pháp để xin việc. Nhìn thân hình mảnh khảnh của Bác, thuyền trưởng hỏi:
- Anh có thể làm được việc gì?
- Tôi có thể làm bất cứ công việc gì- Bác đáp với lòng tự tin.
Nhìn thấy nét cương nghị và thông minh của Bác, viên thuyền trưởng mỉm cười:
- Được, tôi đồng ý nhận anh làm phụ bếp, sáng mai anh xuống đây nhận việc.
Ngày 03 tháng 6 năm 1911, Nguyễn Tất Thành bắt đầu làm việc ở tàu Amiral Latouche-Tréville, nhận thẻ nhân viên của tàu với tên mới là Nguyễn Văn Ba.
Ngày 05 tháng 6 năm 1911, với vai trò là người phụ bếp, Người lên đường sang Pháp theo lịch trình của con tàu.
Sự kiện Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước vào ngày 05/6/1911 có ý nghĩa vô cùng to lớn trong cuộc đời của Bác nói riêng và trong lịch sử nước nhà nói chung. Nó đã làm thay đổi hướng phát triển của lịch sử và thay đổi số phận của cả dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20 và trở về sau. Bắt đầu từ đây, sau 30 năm bôn ba xứ người, Bác đã trở về lãnh đạo cách mạng, giải phóng dân tộc Việt Nam khỏi ách áp bức bóc lột của thực dân, phong kiến.
Thành phố Hồ Chí Minh luôn tự hào là nơi Bác chọn để bắt đầu cuộc hành trình cao cả của mình.
Sau 30 năm bôn ba, ngày 28/01/1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước để trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh cách mạng.
Thu Ba (tổng hợp)