Thành phố Thủ Đức trông chờ cơ chế phù hợp để bứt phá
VOH - Dù ra đời hơn 2 năm, nhưng thành phố Thủ Đức vẫn vận hành như một đơn vị hành chính cấp quận, huyện, trong khi địa phương này là sự hợp nhất của 3 quận với quy mô dân số trên 1,2 triệu người.
Chiếc áo thể chế quá chật với thành phố Thủ Đức
Hiện thành phố Thủ Đức có dân số khoảng 1,2 triệu người, tương tương với dân số của nhiều tỉnh thành, nhưng có năng suất lao động cao gấp 3 lần trung bình cả nước.
Thế nhưng, trong hơn 2 năm qua bộ máy hành chính của thành phố Thủ Đức chỉ tương đương cấp quận huyện, nên dù rất cố gắng nhưng không thể đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trong quá trình giải quyết các hồ sơ hành chính, phát triển kinh tế xã hội.
Khó khăn là vậy, nhưng với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, thành phố Thủ Đức vẫn đạt được một số kết quả tích cực. Đặc biệt thu ngân sách trong 2 năm 2021 và 2022 đều vượt chỉ tiêu; phòng chống dịch hiệu quả; đảm bảo công tác an sinh, trật tự an toàn xã hội, an ninh chính trị được giữ vững.
Tuy nhiên, theo ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND thành phố Thủ Đức, kết quả phát triển kinh tế xã hội chưa tương xứng với tìm năng, lợi thế của một đô thị hội tụ nhiều điều kiện để phát triển: "Chính quyền thành phố Thủ Đức là chính quyền tương đương cấp huyện và tất cả những quy định phải tuân thủ, đặc biệt là về mặt tổ chức bộ máy, về nhân sự. Đây là hạn chế lớn nhất trong thời gian vừa qua khi sáp nhập toàn bộ, về con người, về công việc nhưng mà đầu mối giảm".
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM sự cố gắng ấy đến một giai đoạn nào đó sẽ không phát huy hiệu quả, vì áp lực công việc mỗi ngày nhiều hơn, trong khi thời gian nghỉ ngơi, chế độ phụ cấp thì vẫn như các địa phương khác, về lâu dài sẽ khó giữ chân được nguồn nhân lực khu vực công.
"Về dân số, thành phố Thủ Đức có 1,2 triệu người, nhưng về mức độ kinh tế tương đương của một tỉnh thành có từ 3 triệu đến 3,5 triệu dân. Như vậy bộ máy cũng phải tương thích mới làm tốt được. Tôi rất mong Quốc hội cùng quan tâm, chia sẻ, tạo điều kiện để bộ máy hành chính phát huy được năng lực kinh tế của một địa phương có năng suất gấp ba lần cả nước." - ông Nguyễn Thiện Nhân góp ý kiến.
Trong đề án thành lập, thành phố Thủ Đức là đô thị loại I trực thuộc TPHCM, chiếm 10% diện tích thành phố và có dân số lớn hơn 21 tỉnh thành. Nơi đây mang sứ mệnh trở thành thành phố kiểu mẫu cho cả nước trong triển khai ứng dụng công nghệ 4.0, hướng đến đóng góp 30% GRDP cho TPHCM và 7% GDP cho quốc gia.
Tuy nhiên, với những quy định pháp luật hiện hành, mô hình về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM nói chung và thành phố Thủ Đức nói riêng vẫn mang dáng dấp mô hình chính quyền địa phương bao lâu nay, thậm chí còn khó khăn hơn khi khối lượng công việc của 3 quận trước đây giờ chỉ còn 1 địa phương phụ trách.
Qua thực tiễn sau hơn 2 năm hoạt động, việc tinh giản cán bộ cần phải xem lại, bởi hiện sau sáp nhập thành phố Thủ Đức có 585 người, theo lộ trình phải giảm còn 459 người. Trong khi theo dự báo tới đây, dân số thành phố Thủ Đức sẽ tăng từ 1,2 triệu người lên 1,5 triệu người, khi đó thì khối lượng công việc lại càng tăng.
Thực tế thành phố Thủ Đức cũng giống như TPHCM sẽ không cần nhiều ngân sách phân bổ từ Trung ương, nhưng cần cơ chế để “thoát khỏi một cái áo chật chội” cho một cơ thể to lớn có thêm điều kiện để phát triển.
Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ Vũ Đăng Minh cũng nhìn nhận khó khăn mà thành phố Thủ Đức đang đối mặt và đề xuất cần phải có cơ chế phù hợp: "Thành phố Thủ Đức là thành phố vệ tinh của TPHCM, do đó cần Trung ương giải quyết cho thành phố để có những cái đột đột phá, có những cái vượt tầm. Chúng ta đang mặc cái áo quá chật thì phải cần cơ chế phù hợp để giải quyết, có như vậy thì mới đạt được mục tiêu xây dựng một thành phố thông minh, thành phố số".
Trong lúc chờ các thay đổi về mặt cơ chế, chính sách, thời gian qua thành phố Thủ Đức cũng đã tận dụng sức mạnh của công nghệ thông tin, tập trung nâng cấp dữ liệu, số hoá để nâng cao hiệu quả phục vụ, góp phần điều hành quản lý đô thị hiệu quả hơn. Một trong những việc làm cụ thể đó, là sự ra đời của Trung tâm điều hành thông minh (IOC) thành phố Thủ Đức.
Khát vọng vươn lên từ thành phố trẻ
Tuy còn nhiều khó khăn khi chưa có cơ chế chính sách phù hợp, nhưng thành phố Thủ Đức đã cơ bản hoàn thành quá trình sắp xếp lại tổ chức bộ máy của ba quận trước đây.
Quan trọng hơn khi thành phố Thủ Đức đã hoàn thành và trình cấp thẩm quyền đồ án quy hoạch chung với dự kiến có 10 phân khu chức năng để phát triển. Khi đồ án quy hoạch được Chính phủ phê duyệt, sẽ là tiền đề quan trọng để thành phố Thủ Đức triển khai các các quy hoạch khác và kêu gọi đầu tư phát triển.
Theo ông Nguyễn Hữu Hiệp, Bí thư Thành ủy thành phố Thủ Đức, để đạt được mục tiêu là cực tăng trưởng, là đô thị đổi mới sáng tạo của TPHCM trong tương lai, trước mắt thành phố Thủ Đức rất mong chờ những cơ chế chính sách trong dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017, sẽ được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 này để tháo gỡ phần nào khó khăn.
Các chuyên gia cho rằng, mô hình thành phố Thủ Đức trong TPHCM cũng tương tự như mô hình thành phố Đông của Thượng Hải (Trung Quốc) và khác hoàn toàn với mô hình thành phố thuộc tỉnh. Điều này đồng nghĩa với việc cần phải có một cơ chế khác và sự phân cấp ủy quyền phải đủ mạnh mới kỳ vọng tạo được sự bứt phá.
Ra đời sau hơn 2 năm, hiện thành phố Thủ Đức đang gặp nhiều vấn đề trong thực tế vận hành hoạt động vì chưa có quy định cụ thể, chưa có kinh nghiệm thực tiễn. Trong đó có những vấn đề thuộc khách quan, có những vấn đề thuộc về cơ chế chính sách chưa tương thích.
Trong dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017 mà Chính phủ vừa trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5 này, đã dành Điều 10 để đề xuất cơ chế tổ chức bộ máy thành phố Thủ Đức theo hướng TPHCM sẽ phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền cho HĐND, UBND thành phố Thủ Đức trong các lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý kinh tế; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; quản lý văn hóa xã hội; tổ chức bộ máy quản lý hành chính của chính quyền đô thị và quản lý cán bộ, công chức, viên chức.
Với những đề xuất này, ông Hoàng Tùng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Thủ Đức kỳ vọng sẽ giải quyết được những điểm nghẽn kéo dài hơn 2 năm qua: "Đây là một nội dung hết sức quan trọng với mục tiêu là giải quyết công việc một cách đồng bộ và kịp thời. Bởi vì trong thời gian vừa qua thành phố Thủ Đức vận hành như là một cơ quan hành chính cấp huyện, và khối lượng công việc rất lớn và có những lúc, có những nội dung có chậm và không đạt được yêu cầu về thời gian".
Chính phủ cũng đề xuất Quốc hội cho phép HĐND TPHCM quyết định tổ chức bộ máy, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc thành phố Thủ Đức và UBND TPHCM xem xét, quyết định thành lập, quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức bộ máy của Thanh tra xây dựng, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc UBND thành phố Thủ Đức.
Dù trước mắt chưa thể tháo gỡ hết những khó khăn, vướng mắc mà thành phố trong thành phố đầu tiên của cả nước đang gặp phải, nhưng Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, với những đề xuất lần này cơ bản giải quyết được những vấn đề thành phố Thủ Đức đang cần để phát triển.
"Lần này nghị quyết này sẽ tháo gỡ một phần những vướng mắc đó để thành phố Thủ Đức hoạt động tốt hơn. Chúng ta vẫn cần thêm những văn bản pháp luật khác để giải quyết các vấn đề từ thực tiễn của thành phố, kể cả vướng mắc, kể cả là yêu cầu phát triển của thành phố" - ông Phan Văn Mãi cho biết.
Trong các phiên thảo luận vừa qua, đa phần các đại biểu Quốc hội của các tỉnh thành đều thống nhất với những nội dung được Chính phủ đề xuất trong dự thảo nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54/2017, trong đó có những đề xuất về cơ chế phù hợp để thành phố Thủ Đức.
Các ý kiến cũng cho rằng, việc Quốc hội biểu quyết thông qua nghị quyết mới ngay tại kỳ họp thứ 5 này rất cần thiết, có ý nghĩa hết sức quan trọng để đầu tàu kinh tế TPHCM đủ sức vượt qua khó khăn và phát triển mạnh mẽ, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của thành phố Thủ Đức.
Ngọc Phong/VOH