Thiết kế đô thị dọc tuyến đường Lê Lợi (quận 1, TPHCM): Hiện đại, bảo tồn kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử

Published Date
15/12/2021

Trục đường Lê Lợi (quận 1, TPHCM) được xác định là không gian đi bộ lớn của thành phố với sự hình thành của các khu vực dịch vụ thương mại và các nhà ga metro. Do vậy, việc chỉnh trang đô thị dọc tuyến phải hướng tới mục tiêu đồng bộ với các tuyến đường xung quanh như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung, Thi Sách…, đảm bảo tính hiện đại, bảo tồn các kiến trúc có giá trị văn hóa, lịch sử.  

 Đường Lê Lợi dần sôi động trở lại

Phố đã nhộn nhịp 

Đường Lê Lợi được xem là một trong những khu “đất vàng” của TPHCM bởi vị trí nằm ngay trung tâm thành phố, tiếp giáp nhiều tuyến phố sầm uất như Nguyễn Huệ, Đồng Khởi… Sau khi phần lớn rào chắn công trường thi công tuyến metro số 1 được tháo dỡ, mặt đường được tái lập, vỉa hè thông thoáng, các hoạt động kinh doanh dọc tuyến Lê Lợi đang dần sôi động trở lại.

Anh Nguyễn Thông, một người dân ngụ trên đường Lê Lợi chia sẻ: “Lúc trước đường này nhộn nhịp khách du lịch, người mua kẻ bán tấp nập. Nhưng từ khi dựng rào chắn đến nay, tôi không bán buôn gì được. Cộng thêm dịch Covid-19, đã ế lại còn ế hơn. Giờ thì không chỉ tôi mà bà con tại đây đã kinh doanh trở lại”. Vui mừng và phấn khởi là cảm xúc chung của người dân sinh sống hai bên tuyến đường Lê Lợi khi “đường thông, hè thoáng”, giúp việc kinh doanh sớm nhộn nhịp như trước đây.

Qua ghi nhận, hiện rào chắn trên đường Lê Lợi (đoạn từ đường Pasteur đến đường Nguyễn Huệ) đã tháo dỡ, nhiều ngôi nhà mặt tiền đang tiến hành sửa chữa lại để mở cửa buôn bán. Trong khi đó, toàn bộ mặt đường đã được trải nhựa, vỉa hè cũng được lát gạch mới và lắp đặt đèn chiếu sáng. Vui mừng khi con đường được trả lại không gian thoáng đãng với cảnh quan được cải tạo đẹp hơn, chị Phan Như Thảo (phường Bến Nghé, quận 1) hồ hởi: “Tôi rất mừng khi công trình hoàn thành, đường sá sạch đẹp, việc kinh doanh bắt đầu sầm uất trở lại”.

Chỉnh trang đồng bộ

Theo Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, trong những năm qua, tuyến đường Nguyễn Huệ đã đem lại giá trị lớn về không gian đi bộ, không gian cộng đồng. Tuy nhiên, tuyến đường này mới chỉ giải quyết vấn đề đi bộ, chưa có sự kết nối đồng bộ với trục đường Lê Lợi - vốn đã được xác định là không gian đi bộ kết hợp với các nhà ga metro, chợ Bến Thành, hình thành khu vực dịch vụ thương mại lớn. Do vậy, TPHCM không chỉ chỉnh trang đồng bộ 2 tuyến đường này mà còn phải đồng bộ với các tuyến đường Đồng Khởi, Hàm Nghi, Thái Văn Lung và Thi Sách, làm cơ sở hình thành quảng trường đi bộ trong những năm tới.

Để tái lập diện mạo đô thị, ổn định hoạt động kinh doanh, buôn bán và dịch vụ khu vực trung tâm theo hướng hài hòa, đảm bảo mỹ quan đô thị, sau khi nghiên cứu, đánh giá hiện trạng, Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM đã đề xuất 3 giai đoạn chỉnh trang toàn bộ tuyến đường Lê Lợi.

Giai đoạn 1, ngay sau khi Ban Quản lý Đường sắt đô thị hoàn trả mặt bằng xây dựng tuyến metro số 1, sẽ tái lập, lát gạch vỉa hè tương tự với hình thức lát gạch phía trước tòa nhà Saigon Center (bên phải - cùng phía với khách sạn Rex). Thiết kế tương đồng hoặc thu xếp sử dụng lại thiết kế tòa nhà dọc tuyến cho đồng bộ, bổ sung lối dẫn đường cho người tàn tật và xây dựng các bồn hoa mới. Phương án này có thể có thay đổi kích thước của vỉa hè bên phải trước đây. Cụ thể, lát gạch 4.216m2 với chiều ngang vỉa hè khoảng 6m. Trong đó, trồng 35 cây dầu tạo bóng mát vỉa hè và 40 cây lim xẹt trên dải phân cách.

Bên cạnh đó, thiết kế 50 bồn cây ngầm trên vỉa hè cùng với một số tiện ích căn bản (hệ thống tưới, biển báo, vạch sơn..). Giai đoạn này, thiết kế đơn giản nhằm duy trì tuyến giao thông Lê Lợi như trước, chỉ điều chỉnh vỉa hè hai bên được đồng bộ, có kết hợp trồng lại cây xanh. Sau khi hoàn thành việc cải tạo bên phải, sẽ thực hiện bên trái theo thiết kế đồng bộ, gồm đoạn từ Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn đến dự án Khu thương mại Thương xá Tax.

Giai đoạn 2, hoàn thiện thiết kế đô thị trên lòng đường và vỉa hè, nâng cấp về tiện ích xã hội nhằm khuyến khích người đi bộ sử dụng phương tiện công cộng và thương mại hai bên trục đường. Điều chỉnh tăng vỉa hè cho đi bộ, phân làn đường dành riêng cho xe buýt và xe đạp, điều chỉnh làn đường cho xe máy và ô tô, cũng như thí điểm lập các trạm xe đạp công cộng, tăng cường tiện ích công cộng. Dọc lối đi bộ thiết kế mái che, kết nối các ga metro với các phương tiện công cộng. Bố trí khu vực buôn bán trên vỉa hè…

Giai đoạn 3, mở rộng ranh ra các dãy nhà dọc hai bên đường Lê Lợi. Những nhà này sẽ được ưu đãi về hệ số sử dụng đất, tầng cao, khoảng lùi để khuyến khích hình thành các cửa hàng, trung tâm thương mại - dịch vụ. Bên cạnh đó, chỉnh trang đồng bộ mặt đứng, cũng như quy định về biển quảng cáo. Không gian kiến trúc đường Lê Lợi sẽ được thiết kế hiện đại nhưng vẫn giữ được những kiến trúc mang giá trị văn hóa - lịch sử.

QUỐC HÙNG/SGGP