Thổi bùng ngọn lửa khát khao du học
Du học là niềm mơ ước của những người trẻ Việt Nam và là đích đến của rất nhiều gia đình. Trong thời điểm hiện nay du học không còn là vấn đề quá khó, nhưng làm sao để du học có chất lượng, làm sao để có thể phát huy được hết khả năng và học tập thật tốt ở nước ngoài lại là vấn đề cần phải được chuẩn bị rất kĩ lưỡng trước khi đến học tập ở một môi trường hoàn toàn mới và xa lạ.
Các bạn trẻ tìm hiểu thông tin về du học
Phấn đấu vì đam mê
Được đi du học là niềm ước ao của số đông những bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường. Cũng đã có rất nhiều hội thảo mang tên "Truyền lửa” cho các bạn chuẩn bị đi du học được tổ chức khắp Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Nghệ An - những nơi có nhiều bạn trẻ nuôi tham vọng được khẳng định bản thân mình bằng cơ hội đi du học. Mỗi bạn một lý do, mỗi bạn một niềm mong ước. Vi Thị Thắm là người dân tộc Thái, du học sinh Việt Nam tại Australia chia sẻ: Trong môi trường học tập khó khăn, mình luôn muốn chứng minh cho mọi người rằng mọi ước mơ đều có thể trở thành hiện thực nếu dám theo đuổi đến cùng. Vượt qua những khó khăn về việc tiếp cận thông tin, học tiếng Anh và chiến thắng bản thân mình, ước mơ du học của Thắm đã thành hiện thực sau 15 năm ấp ủ với học bổng của Australia.
Nguyễn Huy Quân là sinh viên xuất sắc trường Bách Khoa Hà Nội, giành học bổng toàn phần 4 trên 14 trường tại Mỹ. Năm thứ 4 đại học, đam mê nghiên cứu bùng cháy và ấp ủ quyết tâm du học trong Quân, tuy nhiên vẫn bị trượt 2 học bổng do tìm kiếm thông tin muộn, không có thời gian chuẩn bị. Mặc dù khá khó khăn sau thất bại Quân vẫn quyết tâm không bỏ cuộc, tiếp tục theo đuổi ước mơ du học bằng sự đam mê của mình.
"Muốn đóng 1 con tàu đừng bắt đầu từ những mảnh gỗ mà bắt đầu từ đam mê khám phá đại dương. Các bạn nên giữ ngọn lửa đam mê trong suốt quá trình tìm kiếm học bổng. Cơ hội luôn được chia đều với mọi người, sự chuẩn bị chu đáo mới là điều quyết định để nắm bắt cơ hội khi nó đến”, anh Nguyễn Hữu Phước Nguyên - người sáng lập ra Chương trình hội thảo Truyền lửa chia sẻ. |
Luôn cần có sự trải nghiệm
Trần Thị Thùy Dương là cựu học sinh chuyên Anh Hà Tĩnh, được 6 trường ĐH Mỹ cấp học bổng toàn phần. Năm học lớp 11, Dương giành học bổng dự bị đại học ở Canada, tham gia các học bổng ngoại khóa UNICEP, sau đó giành học bổng của Mỹ nhưng Dương quyết định tạm dừng để đi tình nguyện ở Indonesia, Thailand, Singapore. Trong Hội thảo "Truyền lửa VI” - chắp cánh ước mơ du học diễn ra đầu tháng 8 tại Nghệ An, cô gái trẻ này nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đọc sách và nên dành thời gian cho việc này. Cô bảo, là một người trẻ phải dám ước mơ và theo đuổi ước mơ, vạch ra sơ đồ và kế hoạch cho những ý định và mong muốn của mình trong tương lai là điều cần thiết cho một mục tiêu hứa hẹn sẽ hoàn thành. Dương chia sẻ với các bạn, ngoài kết quả học tập nên tham gia các hoạt động ngoại khóa để mở mang kiến thức xã hội và giành ưu thế trong quá trình xin học bổng. Không có hoạt động ngoại khóa ở nhà trường hay gần địa điểm sinh sống thì phải tự tạo ra nó. Dương bảo rằng, mình đã không hề hối hận vì quyết định bỏ 6 học bổng để đi làm tình nguyện, dạy tiếng Anh cho khu ổ chuột, 78% người dân bị HIV. Bởi các em ở đây luôn rất háo hức với mỗi buổi học của Dương. Cô nhận ra một điều: "Học còn để cống hiến và giúp đỡ những người xung quanh”. Nói về kinh nghiệm phỏng vấn du học, Thùy Dương chia sẻ, các bạn hãy luôn là chính mình và đừng ngại bị đánh giá.
Đi du học luôn được coi là con đường phát triển tốt nhất cho các bạn trẻ Việt Nam. Nhiều bạn học sinh, sinh viên khi được hỏi hướng đi sắp tới của bản thân đều thổ lộ niềm mong ước được đi học ở các nước trên thế giới. Một số mong mỏi sẽ tiếp thu kiến thức nước ngoài về phục vụ quê hương như trường hợp chị Đào Thị Hằng-một cựu du học sinh quê Nghệ An đã từng khiến nhiều bạn trẻ ở miền quê này khát khao hơn nữa được bước chân ra khỏi cánh đồng làng, ra khỏi những cuộc sống cứ ngày ngày tiếp diễn. Chia sẻ về lý do từ bỏ các cơ hội ở nước ngoài để về quê làm mắm (cái tên "Hằng Mắm ruốc” cũng từ đó gắn bó với chị, chị luôn tâm niệm: Học để giải quyết các vấn đề của bản thân, gia đình, xã hội. Với sự tiếp cận của một người đã được đào tạo ở các nền giáo dục tiên tiến, chị luôn muốn đóng góp công sức của mình cho quê hương.
Theo Đại Đoàn Kết