Thu hút chuyên gia Việt Nam về nước làm việc: Bài toán nan giải

Published Date
23/10/2024

Nhiều lao động trình độ cao rời Việt Nam để tìm kiếm cơ hội học tập và làm việc tốt hơn vì nhiều lý do.


Mỗi năm, hàng ngàn sinh viên và lao động trình độ cao rời Việt Nam để tìm kiếm cơ hội học tập và làm việc tại các quốc gia phát triển như: Mỹ, Canada, châu Âu...

Tuy nhiên, một số lớn trong số họ không quay trở về, nguyên nhân được cho là do hạn chế trong cơ hội thăng tiến, chế độ đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn và môi trường làm việc trong nước vẫn tồn tại nhiều rào cản.

Hệ quả là Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ, khoa học và y tế, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc đổi mới và phát triển.

Thu hút chuyên gia Việt Nam về nước làm việc: Bài toán nan giải- Ảnh 1.

                                                                                                                     Lao động Việt Nam học tập, làm việc tại nước ngoài

Tại tọa đàm "Xây dựng chiến lược nhân tài xuyên biên giới ở châu Á" trong khuôn khổ sự kiện The Makeover 2024 do Công ty CP Kết nối nhân tài – Talentnet tổ chức, các chuyên gia đã thảo luận về cách thu hút nhân tài Việt Nam trở về.

Theo ông Andree Mangels, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Phát triển Việt Nam và Quốc tế của Talentnet, một khảo sát cho thấy AI có thể tạo ra tới 97 triệu việc làm vào năm 2025. Để đảm bảo tăng trưởng bền vững trong bối cảnh tương lai khó đoán, các doanh nghiệp đang tìm kiếm những kỹ năng mới từ người lao động. Điều này đồng nghĩa với việc "săn đón" nhân tài sẽ diễn ra mạnh mẽ và không bị giới hạn về lãnh thổ.

"Nhiều người Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, ưu tiên chọn lựa môi trường làm việc đa dạng. Họ tin rằng điều này sẽ giúp họ học hỏi từ nhiều nền văn hóa và quốc tịch khác nhau, đồng thời cải thiện kỹ năng ngoại ngữ của bản thân" - ông Andree Mangels phân tích.

Thu hút chuyên gia Việt Nam về nước làm việc: Bài toán nan giải- Ảnh 2.

                                                                Các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm “Xây dựng chiến lược nhân tài xuyên biên giới ở châu Á” do Talentnet tổ chức

Còn bà Nguyễn Tâm Thanh, Giám đốc Nhân sự Tập đoàn Masan, cho rằng để thu hút các chuyên gia Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài trở về, cần giúp họ nhận thức rõ giá trị của việc đóng góp cho quê hương là điều hết sức quan trọng. Bởi người lao động đã học tập và làm việc ở nước ngoài hiện có nhiều cơ hội để gia nhập các công ty quốc tế. Khi có ý định trở về quê hương, họ sẽ có sự cân nhắc.

"Để thu hút các chuyên gia này, các doanh nghiệp trong nước cần xây dựng chiến lược và tầm nhìn rõ ràng, thể hiện cam kết phục vụ đất nước và mong muốn đóng góp cho sự phát triển của Việt Nam. Chúng ta có thể nhìn vào những công ty như Alibaba và Huawei, họ đã thành công nhờ khả năng thu hút nhân tài người Trung Quốc trở về làm việc" - bà Thanh nêu thực tế.

Bên cạnh đó, có một thực tế, các chuyên gia trở về sẽ phải đối mặt với sự khác biệt trong tư duy và cách làm việc. Bởi những người giữ vị trí quản lý cấp cao không chỉ cần hoạch định chiến lược mà còn phải tham gia trực tiếp vào việc thực hiện với các chỉ tiêu cụ thể. Bà Thanh khuyến khích các chuyên gia nên tin tưởng vào giá trị bản thân và vượt qua các rào cản ngôn ngữ cũng như văn hóa. Nếu có thể xử lý tốt 3 yếu tố này, họ sẽ đạt được thành công tại Việt Nam.

                                                                                                                                                      Huỳnh Như – Theo https://nld.com.vn/thu-hut-chuyen-gia-viet-nam-ve-nuoc-lam-viec-bai-toan-nan-giai-196241020100235665.htm