Thu hút FDI hứa hẹn đón những dự án 'khủng'
Xu hướng đầu tư vào Việt Nam gần đây đã tích cực hơn và dần phục hồi, sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và biến động chính trị, kinh tế toàn cầu.
Ads (0:00) |
Xu hướng đầu tư vào Việt Nam gần đây đã tích cực hơn và dần phục hồi, sau những ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và biến động chính trị, kinh tế toàn cầu. (Nguồn: Báo Đầu tư) |
Ít ngày trước đây, Bình Thuận tổ chức lễ ra mắt các nhà đầu tư và trao quyết định chủ trương đầu tư cho chuỗi các dự án khí - điện khí (LNG) Sơn Mỹ. Đó là sự khởi đầu cho việc triển khai đầu tư 4 dự án quy mô lớn, bao gồm Dự án Kho cảng nhập LNG Sơn Mỹ; Dự án Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ; Dự án đấu nối Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ vào hệ thống điện quốc gia và Dự án đường ống dẫn khí Sơn Mỹ - Phú Mỹ.
Chờ những "cánh đại bàng"
Trong số các nhà đầu tư tham gia chuỗi dự án này, ngoài Tổng công ty Khí Việt Nam (PVGas) và Tập đoàn Thái Bình Dương của Việt Nam, còn có một số nhà đầu tư nước ngoài, bao gồm AES (Hoa Kỳ), EDF (Pháp), Kyushu và Sojitz (Nhật Bản). Trong đó, AES và Sojitz là hai nhà đầu tư đã triển khai các dự án hàng tỷ USD ở Việt Nam. Và giờ đây, sẽ tiếp tục là các khoản đầu tư lên tới hàng tỷ USD nữa.
Theo kế hoạch, Trung tâm Điện lực Sơn Mỹ, bao gồm hai nhà máy Sơn Mỹ 1 và Sơn Mỹ 2, sẽ có vốn đầu tư lên tới 4 tỷ USD. Trong khi đó, Dự án Kho cảng Sơn Mỹ có vốn đầu tư dự kiến gần 1,34 tỷ USD…
Sẽ không dễ để đưa các dự án này vào triển khai sớm, nhưng ít nhất, đang có những dự án “khủng” và những “đại bàng” đang chờ được vào Việt Nam, nhằm biến Sơn Mỹ trở thành một trung tâm mới của các dự án khí, điện khí, qua đó đóng góp vào quá trình chuyển đổi năng lượng và tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.
Trong khi đó, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn vừa có buổi làm việc với ông Chen Tao, Chủ tịch Tập đoàn Victory Gaint Technology (Trung Quốc). Là một doanh nghiệp chuyên sản xuất - kinh doanh các loại linh kiện điện tử, chất bán dẫn hàng đầu ở Trung Quốc, Victory Gaint Technology đang lên kế hoạch đầu tư một nhà máy tại Bắc Ninh.
|
Và không chỉ là lên kế hoạch, ông Chen Tao cho biết, sau một thời gian tìm hiểu, Tập đoàn đã quyết định lựa chọn VSIP Bắc Ninh để xây dựng một nhà máy có quy mô 400 triệu USD. Dự kiến, khi đi vào hoạt động, giá trị sản xuất mỗi năm đạt khoảng 1 tỷ USD.
Như vậy, sau dự án hơn 1,6 tỷ USD của Tập đoàn Amkor, dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay, Bắc Ninh sắp đón thêm một dự án quy mô lớn trong lĩnh vực linh kiện bán dẫn. Đây đều là những dự án có ý nghĩa, khi Việt Nam đang mong muốn thu hút thêm nhiều hơn nữa các dự án quy mô lớn, trong các lĩnh vực công nghệ cao, đặc biệt là công nghiệp bán dẫn.
Thông tin gần đây cho biết, các địa phương cũng rất tích cực trong công tác xúc tiến, kêu gọi đầu tư nước ngoài. Nghệ An là một trong những ví dụ điển hình. Mới đây, lãnh đạo tỉnh này đã trao chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Innovation Precision Việt Nam (Trung Quốc). Với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Dự án sẽ sản xuất các loại hợp kim nhôm cho ngành sản xuất điện tử tiêu dùng, năng lượng xanh… và dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 10/2024.
Dòng đầu tư vẫn chảy
Xu hướng đầu tư vào Việt Nam gần đây đã tích cực hơn và dần phục hồi, sau những ảnh hưởng của Covid-19 và biến động chính trị, kinh tế toàn cầu. Báo cáo tại phiên họp thường kỳ Chính phủ mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhấn mạnh điều này.
Theo Bộ trưởng, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đăng ký tháng 7/2023 đã đạt trên 2,8 tỷ USD, tăng gần 9% so với tháng trước; tính chung 7 tháng đạt gần 16,24 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ; vốn thực hiện 7 tháng đạt khoảng 11,58 tỷ USD, tăng 0,8% so với cùng kỳ.
Con số có thể tích cực hơn trong tháng 8 và 8 tháng, khi các dự án đầu tư mới được ghi nhận, trong đó có dự án 165 triệu USD ở Nghệ An. Nhận định về tình hình thu hút đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, sẽ “khởi sắc hơn”.
Tuy vậy, không phải là không có những khó khăn và thách thức. Đầu tháng 7/2023, khi công bố Chỉ số niềm tin kinh doanh (BCI) quý II, Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) một mặt tiếp tục khẳng định sức hấp dẫn của điểm đến Việt Nam, nhưng mặt khác cũng chỉ ra những vẫn đề mà các nhà đầu tư châu Âu tại Việt Nam đang phải đối mặt.
Đó là tình trạng thiếu điện, sự “không tương xứng” của kết cấu hạ tầng và cả những rào cản liên quan đến các quy định không rõ ràng, các thủ tục hành chính rườm rà… Chưa kể, còn là những quan ngại liên quan đến việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu sắp tới.
Có một điểm đáng chú ý trong báo cáo của EuroCham, đó là sự dịch chuyển các hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam đã chậm hơn, có sự khác nhau đáng kể giữa dự định và thực tế, với phần lớn các công ty chưa dịch chuyển bất kỳ hoạt động sản xuất nào. Một khi sự dịch chuyển giảm đi, thì cạnh tranh thu hút đầu tư nước ngoài sẽ ngày càng gay gắt, mà nếu không có phản ứng chính sách kịp thời, Việt Nam sẽ bị chậm chân.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách đột phá về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư ngoài thuế trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút các dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn, công nghệ cao, có tính lan tỏa sâu, rộng, đóng góp lớn vào phát triển kinh tế - xã hội.
https://baoquocte.vn/thu-hut-fdi-hua-hen-don-nhung-du-an-khung-238304.html
baoquocte/(theo Báo Đầu tư)