Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP.HCM) vừa tổ chức chung kết cuộc thi Bách khoa Innovation 2022.
Đây là cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo diễn ra thường niên dành cho các tầng lớp thanh thiếu niên trên địa bàn toàn TP.HCM và các vùng lân cận.
Tại đây, 20 đội thi trong khối đại học và 6 nhóm của khối THPT sẽ lần lượt thuyết trình bài dự thi của mình và trả lời các câu hỏi của ban giám khảo. Đây là những đội thi xuất sắc nhất trong 43 đội thi ở hai vòng thi trước đó.
Các đội thi thuyết minh và giới thiệu các ý tưởng khởi nghiệp cho khách mời, ban giám khảo tại chung kết. |
Kết quả, ở khối đại học, nhóm Pantasia gồm 4 thành viên là sinh viên của Trường ĐH Bách khoa đã xuất sắc đạt giải quán quân năm 2022 với đề tài "Bánh Castella cao cấp giàu chất xơ". Còn ở nhóm THPT, giải nhất thuộc về nhóm nhóm Score team.
Nói về đề tài nghiên cứu vừa đạt giải nhất khối đại học, Trần Hoàng Khánh Linh, nhóm trưởng cho biết trong nhiều năm qua, các sản phẩm bánh ngọt luôn thu hút được số lượng tiêu thụ lớn hàng ngày. Hiện nay, các doanh nghiệp thực phẩm không chỉ tập trung vào sản xuất mà cũng rất chú trọng về việc nâng cao giá trị dinh dưỡng của các sản phẩm này. Một trong những loại bánh ngọt nổi tiếng đó chính là bánh Castella, một loại bánh bông lan thơm ngon đặc biệt mang thương hiệu xứ Đài với nhãn hàng Grand Castella.
Tuy nhiên, cũng như các loại bánh ngọt khác, lượng lipid (51.5%) và tinh bột (42.8%) trong công thức làm bánh Castella vẫn rất cao, dẫn đến những ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe, đặc biệt là những người mang bệnh tim mạch, tiểu đường và béo phì vì cung cấp quá nhiều năng lượng, được ước chừng khoảng 297 kcal trong 100 gram bánh.
Để có thể giải quyết vấn đề này, nhiều nhà nghiên cứu trên khắp đất nước cũng như trên thế giới đã tìm cách để giảm năng lượng cung cấp từ bánh Castella. Cụ thể, họ đã nghiên cứu nhiều nguồn nguyên liệu khác nhau để thay thế một phần bột mì (nguyên liệu chính để làm bánh) bằng các loại ngũ cốc, yến mạch nhằm tăng hàm lượng chất xơ trong bánh. Theo như khảo sát thị hiếu, bánh bông lan giàu nguồn chất xơ từ các lọai thực vật khác nhau dường như cũng chiếm được điểm thị hiếu cao hơn so với sản phẩm truyền thống.
Do đó, nhóm đã tìm ra công thức cũng như phương pháp chế biến thành công trong việc sử dụng thạch dừa thô kết hợp vào bánh Castella, cho ra đời một loại thực phẩm chức năng với hương vị thơm ngon hảo hạng. Thạch dừa có hàm lượng cellulose vi khuẩn rất cao, bắt nguồn từ vi sinh vật.
“Sản phẩm bánh của nhóm đã nhận được vô số đánh giá thị hiếu rất tích cực sau buổi cảm quan, cho phép người tiêu dùng có thể thoải mái ăn bánh ngọt với một lượng calories thấp hơn bánh truyền thống cũng như hướng đến một lối sống lành mạnh và một xã hội bền vững” – Khánh Linh chia sẻ.
Nhóm sinh viên của ý tưởng "Bánh Castella cao cấp giàu chất xơ" nhận giải cao nhất tại cuộc thi. |
Phát biểu tại chung kết, PGS.TS Nguyễn Danh Thảo, Phó Hiệu trưởng trường cho hay, cuộc thi Bach Khoa Innovation là một trong những hoạt động chủ chốt và thúc đẩy tốc độ quốc tế hóa. Cuộc thi không đơn giản chỉ là thi đấu với nhau mà còn là nơi để các thí sinh có cơ hội được học hỏi, trải nghiệm, giao lưu thông qua các hội thảo với chuyển gia hay các chuyến tham quan đến các trung tâm công nghệ.
TS Trương Quang Vinh,Trưởng Ban tổ chức cho biết, đây là năm thứ 5 cuộc thi được tổ chức và thu hút gần 200 thí sinh tham gia với 43 dự án, trong đó có 6 dự án của học sinh THPT đến từ các trường CĐ, ĐH, THPT ở khu vực TP.HCM. Cuộc thi diễn ra từ tháng 3 đến tháng 8-2022 với tổng giải thưởng lên đến hơn 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, các đội Top 5 sau vòng chung kết còn nhận được sự hỗ trợ trong quá trình đăng ký sở hữu trí tuệ và đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên.
Theo TS Vinh, năm nay, có nhiều đề tài nổi bật về chăm sóc sức khỏe, hướng tới việc giải quyết các nhu cầu thực tế của xã hội bằng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ và quản trị, đồng thời kết nối sinh viên các trường với nhau và với các doanh nghiệp, nhà đầu tư. Cuộc thi có sự kết hợp giữa khoa học công nghệ với các mô hình kinh doanh thực tiễn giúp sinh viên phát huy khả năng, kiến thức đã học vào thực tế, từ đó khơi dậy niềm đam mê sáng tạo của bản thân.