Thúc đẩy các dự án PPP gỡ nút thắt hạ tầng cho TPHCM
Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội (Nghị quyết 98) cho phép TPHCM áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP) trong lĩnh vực thể thao - văn hóa, mở ra cơ hội gỡ nút thắt, huy động nguồn lực đầu tư hoàn thiện hạ tầng. TPHCM đang nỗ lực tháo gỡ các khó khăn, hoàn thiện thể chế để kêu gọi đầu tư hàng loạt dự án trên các lĩnh vực.
Nhà hát Bến Thành được kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP. Ảnh: NGÔ BÌNH
Nhu cầu cấp bách
Nằm ngay tại trung tâm TPHCM, Nhà hát Bến Thành (quận 1) được xây dựng cách đây hơn 20 năm, hiện là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa phục vụ người dân. Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên, nhiều hạng mục của nhà hát đã xuống cấp nặng. Từ trong khán phòng đến khu vực xung quanh có nhiều mảng tường bị nứt, mái bị dột, ghế ngồi trong khán phòng cũng hư hỏng... Bà Phan Ngọc Thảo, Giám đốc Nhà hát Bến Thành, cho biết, dù đã được nâng cấp nhưng cơ sở vật chất hiện nay của nhà hát không đáp ứng được yêu cầu, máy lạnh không đủ công suất, hệ thống âm thanh - ánh sáng lạc hậu… nên không thể phục vụ các chương trình có quy mô lớn. Trong khi đó, nhu cầu sử dụng nhà hát đạt chuẩn của các tổ chức, cơ quan, đơn vị khá lớn. Do vậy, cần sớm đầu tư sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất Nhà hát Bến Thành để đáp ứng yêu cầu.
Trong khi đó, dự án Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc tại TP Thủ Đức (TPHCM) có chủ trương đầu tư từ năm 1994. Theo quy hoạch, dự án này gồm nhiều công trình thể thao đạt chuẩn Olympic, như sân vận động có sức chứa 50.000 chỗ, nhà thi đấu thể thao tổng hợp... có thể tổ chức các giải đấu quốc tế lớn. Sau 30 năm “đắp chiếu” trong khi nhu cầu về cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu phát triển, hội nhập của TPHCM là rất cấp thiết, dự án này chuẩn bị được “hồi sinh”. Đầu năm 2024, Sở VH-TT TPHCM đã công bố danh sách 23 dự án lĩnh vực VH-TT kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP, trong đó có đến 16 dự án nằm trong Khu liên hợp thể dục thể thao quốc gia Rạch Chiếc. Cùng với các dự án này, Nhà hát Bến Thành cũng nằm trong danh mục kêu gọi đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp.
Mới đây, TP Thủ Đức (TPHCM) đã ra mắt 11 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, VH-TT để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư theo phương thức PPP, với tổng vốn đầu tư 2.053 tỷ đồng. Trước thông tin các khu đất cụ thể được TP Thủ Đức mời gọi đầu tư các dự án giáo dục, VH-TT, ông Nguyễn Đức Mạnh (ngụ TP Thủ Đức) mong mỏi các dự án sớm có nhà đầu tư hợp tác triển khai. Theo ông Mạnh, TP Thủ Đức được kỳ vọng là khu đô thị sáng tạo, tương tác cao, cực tăng trưởng của TPHCM. Song sau gần 3 năm thành lập, TP Thủ Đức vẫn chưa có nhiều thay đổi, ngoài một số hạ tầng giao thông đang được triển khai, hạ tầng xã hội cũng rất thiếu và yếu. Vì vậy, nếu các dự án TP Thủ Đức mời gọi đầu tư theo hình thức PPP thành công sẽ cải thiện mạnh mẽ bộ mặt của thành phố cũng như nâng cao chất lượng cuộc sống, điều kiện học tập của người dân.
Rút ngắn quy trình thủ tục đầu tư
Thực hiện cơ chế tại Nghị quyết 98, TPHCM đang nghiên cứu thực hiện 40 dự án đầu tư theo phương thức PPP trong lĩnh vực y tế, GD-ĐT, VH-TT. Trong đó, 23 dự án được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư, với tổng đầu tư dự kiến gần 22.400 tỷ đồng. HĐND TPHCM cũng đã ban hành nghị quyết quy định về quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu: đối với các thiết chế do thành phố quản lý, quy mô từ 45 tỷ đồng trở lên; đối với các thiết chế do quận, huyện quản lý, quy mô tối thiểu từ 10 tỷ đồng trở lên.
Nhận được sự kỳ vọng lớn khi TPHCM là địa phương đầu tiên của cả nước được thí điểm áp dụng đầu tư PPP trong lĩnh vực VH-TT, tuy nhiên, thực tế việc triển khai các dự án này còn gặp nhiều vướng mắc, khó khăn. Trong đó, dù áp dụng cơ chế đặc thù nhưng vẫn phải thực hiện quy trình, thủ tục của Luật PPP và các quy định pháp luật khác. Ngoài ra, thời gian thực hiện quy trình một dự án kéo dài (ít nhất là 3 năm), trong khi yêu cầu và mục đích của nhà đầu tư là thời gian phải ngắn, sớm đưa công trình vận hành, kinh doanh. Mặt khác, có tới 7 loại hợp đồng khác nhau trong phương thức PPP, việc áp dụng loại hợp đồng nào cũng là bài toán khó giải.
Theo UBND TPHCM, hiện nay toàn thành phố có 2.500 cơ sở thể thao (không tính các địa điểm có cơ sở vật chất thể dục, thể thao tại các khách sạn, cụm dân cư cao cấp…). Tuy nhiên, con số này chưa đạt như kỳ vọng của TPHCM. Sự phát triển của các công trình VH-TT còn rất hạn chế (khoảng 1,5 công trình/10.000 dân); tỷ lệ xây dựng thiết chế văn hóa chưa đạt kế hoạch, đặc biệt là cấp xã, phường. Ngoài ra, cơ sở vật chất ngành VH-TT chưa đủ sức hội nhập quốc tế, chưa được nâng cấp, mở rộng đúng quy chuẩn.
Để giải quyết các vướng mắc trên, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TPHCM (ITPC), cho biết, TPHCM đang xây dựng quy trình thực hiện các dự án với mong muốn quy trình đầu tư PPP phải nhanh hơn so với đầu tư công. Đồng thời, phân tích nguồn doanh thu của từng dự án VH-TT để xác định loại hợp đồng phù hợp, như hợp đồng BTO (Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh) hoặc BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao) đối với trường hợp dự án có thể hoàn vốn từ nguồn thu đến từ người sử dụng; hợp đồng BTL (Xây dựng - Chuyển giao - Thuê dịch vụ) hoặc BLT (Xây dựng - Thuê dịch vụ - Chuyển giao) đối với trường hợp dự kiến dự án không thể hoàn vốn từ nguồn thu từ người sử dụng và nhà nước phải thanh toán theo sự hoàn thành của dịch vụ… Bà Vân thông tin thêm, TPHCM đang chuẩn bị tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư cho các dự án PPP lĩnh vực VH-TT.
Theo bà Vân, thời gian qua, ITPC đã tiếp nhận nhiều thông tin, kiến nghị từ doanh nghiệp. Các nhà đầu tư đề nghị cần có hợp đồng mẫu cho dự án PPP, và mong muốn quy định trong hợp đồng mẫu cần linh hoạt hơn, có quy định điều chỉnh phù hợp trong từng lĩnh vực đặc thù. Ngoài các quy định về quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên, hợp đồng mẫu cần hướng đến hài hòa lợi ích giữa tư nhân và nhà nước. Theo bà Cao Thị Phi Vân, để triển khai hiệu quả phương thức PPP tại Nghị quyết 98, cần tăng cường vai trò của khối tư nhân và cân bằng lợi ích trong việc triển khai dự án PPP. Cụ thể, cần nghiên cứu về quyền của nhà đầu tư trong khâu vận hành đối với các dự án; có cơ chế rõ ràng để nhà đầu tư được cùng nhà nước xác định doanh thu tăng giảm. Mặt khác, cần đồng bộ hóa năng lực quản lý dự án PPP của các cơ quan nhà nước…
TS TRẦN DU LỊCH, Chủ tịch Hội đồng tư vấn triển khai Nghị quyết 98:
Phải làm nhà đầu tư an tâm với khuôn khổ pháp lý
TPHCM đang rất nỗ lực thực hiện hóa các quy định tại Nghị quyết 98 trong việc triển khai các dự án PPP trên địa bàn thành phố với 54 dự án (gồm 41 dự án trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế; 5 dự án BOT công trình giao thông đường bộ hiện hữu và thêm 8 dự án khác thuộc lĩnh vực giáo dục, thể thao vừa được TP Thủ Đức kêu gọi).
Hiện TPHCM đang nỗ lực hoàn thiện khung thể chế, mục tiêu là cố gắng trong năm nay hình thành xong những dự án có cơ sở pháp lý tốt, đầy đủ và có thể tiếp tục thu hút nhà đầu tư bỏ vốn vào giai đoạn những năm tiếp theo. Cũng đã có nhiều nhà đầu tư tiếp cận dự án, kể cả dự án về thể thao và đang xây dựng đề án để có thể tham gia đấu thầu công khai các dự án đó. Tuy nhiên, cùng với Nghị quyết 98 và trách nhiệm, nỗ lực của TPHCM, cần sự hỗ trợ của bộ, ngành trung ương để minh bạch các quy định. Từ đó, nhà đầu tư yên tâm với khuôn khổ pháp lý bảo đảm để họ tham gia.
Bà NGUYỄN THỊ TUYẾT NGA, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại và Đầu tư TP Thủ Đức:
Giới thiệu “đất sạch” để thu hút nhà đầu tư
Trong số 11 dự án thuộc lĩnh vực giáo dục, VH-TT được TP Thủ Đức giới thiệu để mời gọi các doanh nghiệp đầu tư theo phương thức PPP, có 3 dự án đã được HĐND TPHCM thông qua chủ trương đầu tư. Đây là các dự án trường học ở phường Thủ Thiêm; 8 công trình khác đã được Sở KH-ĐT trình UBND TPHCM để bổ sung danh mục đầu tư thuộc lĩnh vực giáo dục, VH-TT cũng được giới thiệu với các nhà đầu tư để xem xét khả năng tham gia. Để thuận lợi cho chủ đầu tư, các dự án được TP Thủ Đức giới thiệu đều là các dự án trên đất công, pháp lý rõ ràng, đất trống, “đất sạch” nên không mất thời gian cho khâu giải phóng mặt bằng.
Hiện có nhiều doanh nghiệp quan tâm đến các dự án PPP mà TP Thủ Đức đã giới thiệu. TP Thủ Đức đã tổ chức để các doanh nghiệp đi thực địa các khu đất. Bước tiếp theo là các phòng, ban liên quan hoàn thiện hồ sơ, quy trình để trình UBND TP Thủ Đức. Chúng tôi sẽ hỗ trợ tối đa với mục tiêu trong năm nay sẽ có ít nhất 1 dự án được triển khai xây dựng.
NGÔ BÌNH - THU HƯỜNG - https://www.sggp.org.vn/thuc-day-cac-du-an-ppp-go-nut-that-ha-tang-cho-tphcm-post742159.html