Thường trực Chính phủ sẽ gặp gỡ giới doanh nhân Việt Nam dịp 13/10
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004 - 13/10/2024), Thường trực Chính phủ sẽ có buổi gặp gỡ giới doanh nhân Việt Nam.
Buổi gặp gỡ được tổ chức trên cơ sở đề xuất từ Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI). Theo đó, buổi gặp mặt của Thường trực Chính phủ với giới doanh nhân Việt Nam năm 2024 nhân kỷ niệm 20 năm ngày Doanh nhân Việt Nam dự kiến diễn ra lúc 8 giờ thứ Sáu ngày 4/10/2024 tại trụ sở Chính phủ.
Buổi gặp gỡ được tổ chức vào thời điểm có ý nghĩa rất quan trọng đối với cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam. Việc này còn thể hiện sự quan tâm, động viên, cổ vũ và khích lệ lớn của Chính phủ với những đóng góp của đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Tại buổi gặp mặt, Thường trực Chính phủ và đại diện lãnh đạo các bộ, ngành cũng sẽ lắng nghe tình hình doanh nhân, doanh nghiệp và hoạt động của các hiệp hội doanh nghiệp tại Việt Nam; những đề xuất giải pháp hoàn thiện thể chế nhằm giải phóng nguồn lực, tạo động lực phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp.
Trong thời gian qua, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều hoạt động gặp gỡ, làm việc với đội ngũ doanh nhân và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Qua đó, thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với doanh nghiệp, động lực quan trọng của nền kinh tế đất nước, đóng góp hơn 60% GDP, khoảng 30% tổng số lao động đang làm việc.
Bên cạnh đó, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn khẳng định sự cầu thị, lắng nghe, không bỏ qua ý kiến nào của doanh nghiệp, dù doanh nghiệp trong nước hay ngoài nước, doanh nghiệp lớn hay nhỏ.
Đặc biệt, những năm gần đây, bất chấp những vấn đề nội tại của kinh tế trong nước và diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình kinh tế thế giới, Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành quyết liệt, sát sao để ổn định kinh tế, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng được thúc đẩy. Trong kết quả chung đó, có đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp.
Đến nay, Việt Nam đã có hơn 900 nghìn doanh nghiệp hoạt động, 5 triệu hộ kinh doanh, gần 30 nghìn hợp tác xã, đội ngũ doanh nhân lên tới hàng triệu người. Các doanh nghiệp, doanh nhân có mặt ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Không chỉ hoạt động ở trong nước, nhiều doanh nghiệp, doanh nhân đã vươn ra thị trường khu vực và thế giới, góp phần đưa thương hiệu Việt ra toàn cầu và nâng cao vị thế nước ta trên trường quốc tế.
Do đó, có thể thấy được vai trò quan trọng của doanh nhân không chỉ đóng góp cho sự thúc đẩy kinh tế đất nước mà còn nâng cao vị thế của Việt Nam trên thương trường quốc tế nhất là trong bối cảnh đất nước đang bước vào giai đoạn chuyển mình mới. Chính vì vậy, Thủ tướng Phạm Minh Chính từng nhấn mạnh Việt Nam cần có những doanh nghiệp trong nước đủ lớn, có năng lực cạnh tranh, vươn tầm quốc tế, có thương hiệu đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá như tinh thần tại Nghị quyết 29-NQ/TW về tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới.
Đó là một trong những yêu cầu cấp bách của Việt Nam trong những năm tới. Vì vậy, Đảng và Nhà nước đã và đang tiếp tục không ngừng đồng hành, hỗ trợ, thúc đẩy doanh nhân, doanh nghiệp nỗ lực vươn lên phát triển, xứng đáng với vai trò là lực lượng nòng cốt sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Thanh An – Theo https://doanhnhansaigon.vn/thuong-truc-chinh-phu-se-gap-go-gioi-doanh-nhan-viet-nam-dip-13-10-313666.html