Tiếng Việt - Điểm tựa kết nối kiều bào với quê hương

Published Date
30/08/2024

Tiếng Việt là điểm tựa kết nối những kiều bào Việt Nam với quê cha đất tổ, là tài sản tinh thần vô giá đáng tự hào. Việc giữ gìn và phát huy tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn được Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, khuyến khích, khẳng định thành chủ trương nhất quán.

Tiếng Việt - Điểm tựa kết nối kiều bào với quê hương- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng gửi tặng các thầy cô giáo và học sinh tại Nhật Bản những bộ sách tiếng Việt

Ngôn ngữ vốn là nền tảng cốt lõi tạo nên bản sắc và giá trị của dân tộc. Việc bảo tồn và phát huy ngôn ngữ trở thành nhiệm vụ thiết yếu, không chỉ để giữ gìn những giá trị truyền thống mà còn để khẳng định vị thế và tiếng nói của dân tộc trên bản đồ văn hóa thế giới.

Hỗ trợ cộng đồng duy trì tiếng Việt, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc

Chính vì thế, Nghị quyết 36 NQ/TW ngày 26/3/2004 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng cần phải thực hiện là: Tích cực đầu tư cho chương trình dạy và học tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài, nhất là cho thế hệ trẻ, xây dựng và hoàn chỉnh SGK tiếng Việt trên vô tuyến truyền hình, đài phát thanh và qua mạng internet. Cử giáo viên tiếng Việt tới những nơi có thể giúp bà con học tiếng Việt. Tổ chức trại hè nói tiếng Việt cho thanh thiếu niên người Việt Nam ở nước ngoài.

Để hỗ trợ cộng đồng duy trì tiếng Việt, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam, Bộ GD&ĐT đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp như: Tạo điều kiện thực hiện tốt công tác giảng dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài; tuyên truyền nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của dạy tiếng Việt; biên soạn giáo trình, tài liệu; tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên, tình nguyện viên.

Bộ GD&ĐT tiếp tục phối hợp với Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài tổ chức bồi dưỡng giáo viên tình nguyện; cử chuyên gia, giảng viên dạy tiếng Việt trong nước sang giảng dạy và bồi dưỡng nghiệp vụ cho giáo viên ở nước sở tại; phối hợp với các đài phát thanh, truyền hình tăng cường các khóa dạy tiếng Việt, bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng Việt từ xa, trực tuyến. Thiết kế tài liệu hưỡng dẫn cho giáo viên và phụ huynh nhằm hỗ trợ khả năng dẫn dắt của người dạy . Hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách quy định cụ thể hướng dẫn thực hiện bảo đảm chất lượng trong đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ năng lực giảng dạy cho giáo viên dạy tiếng Việt; định kỳ tổ chức Diễn đàn Ngôn ngữ và Giáo dục Việt Nam với người Việt Nam ở nước ngoài.

Bộ Ngoại giao đã tổ chức được rất nhiều các chương trình đào tạo, tập huấn kỹ năng giảng dạy tiếng Việt cho bà con kiều bào gồm các giáo viên, tình nguyện viên ở hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới tại Hà Nội. Trong 10 năm từ 2013 đã đào tạo được hơn 800 giáo viên, tình nguyện viên, trở thành những nòng cốt hết sức quan trọng góp phần tham gia công tác giảng dạy tiếng Việt ở các địa bàn khác nhau.

Năm 2024, Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục có những hoạt động nhằm đẩy mạnh hơn nữa giữ gìn tiếng Việt ở nước ngoài. Có thể kể đến như chương trình tri ân các cá nhân, các gia đình và cộng đồng có đóng góp trong công tác tiếng Việt; Lễ tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài; Tìm kiếm sứ giả tiếng Việt ở nước ngoài; Khai trương tủ sách tiếng Việt…

Mới đây, tại Lễ phát động Ngày tôn vinh tiếng Việt tại Nhật Bản Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng-Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài bày tỏ vui mừng và xúc động khi được thưởng thức tiết mục hát và đọc thơ bằng tiếng Việt của các cháu sinh ra và lớn lên tại Nhật Bản.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng mong muốn mỗi gia đình, mỗi cộng đồng sẽ gìn giữ Tiếng Việt hàng ngày, nuôi dưỡng trong tâm hồn các cháu văn hóa cội nguồn của Tổ tiên, điều đó sẽ góp phần giữ cho dân tộc Việt được trường tồn.

Cùng chung tay với Bộ Ngoại giao, Bộ GD&ĐT, Bộ VHTT&DL đã đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động xây dựng tủ sách tiếng Việt, góc Việt Nam, thư viện Việt Nam tại thư viện cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài được thực hiện thông qua việc phổ biến sách báo, văn hóa phẩm, phim ảnh, sản phẩm du lịch đến cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, cung cấp nguồn tư liệu hỗ trợ tích cực, hiệu quả, chất lượng cho việc dạy và học tiếng Việt. Công tác truyền thông vận động được lồng ghép trong việc triển khai chương trình, đề án phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, đẩy mạnh triển khai chiến lược Văn hóa đối ngoại của Việt Nam.

Đặc biệt năm 2022, Bộ VHTT&DL phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài giới thiệu và phát động cuộc thi Giới thiệu sách trực tuyến năm 2022 với chủ đề "Sách và Khát vọng cống hiến" tới cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Ông Trần Nhất Hoàng-Phó Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế (Bộ VHTT&DL) cho rằng, với nhiều hoạt động và mục tiêu, Nghị quyết 36 đã ngày càng phát huy hiệu quả, các hoạt động văn hóa văn nghệ trở thành những điểm sáng trong đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng với nhiều hoạt động thiết thực nhằm tôn vinh sự giàu đẹp của tiếng Việt, nâng cao nhận thức về ngôn ngữ và văn hóa dân tộc đối với kiều bào trên toàn thế giới và bạn bè quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ; lan tỏa mạnh mẽ tình yêu tiếng Việt, trở thành động lực thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng, qua đó góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa, truyền thống dân tộc; đặt nền tảng cho giai đoạn mới về phát triển vị thế tiếng Việt trên nhiều lĩnh vực. Nghị quyết có ý nghĩa quan trọng giúp khuyến khích, cổ vũ đồng bào, nhất là thế hệ trẻ học tập, gìn giữ tiếng Việt và văn hóa Việt.

Việc tôn vinh, dạy và học ngôn ngữ dân tộc góp phần xây dựng cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài ổn định, đoàn kết, vững mạnh, tích cực đóng góp cho quê hương, đất nước."

Nhằm phát huy hơn nữa công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng kiều bào, qua đó hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài trong công tác giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc, Bộ VHTT&DL khuyến khích duy trì sử dụng tiếng Việt trong gia đình người Việt Nam ở nước ngoài trong sinh hoạt giao tiếp hằng ngày, tạo động lực nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng; thúc đấy chính quyền sở tại và các thiết chế giáo dục đưa tiếng Việt vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục ở địa bàn có đông người Việt Nam sinh sống.

Ông Trần Nhất Hoàng đề xuất các giải pháp khác như: Xây dựng các thư viện, giới thiệu sách, truyền bá văn hoá Việt Nam tại các nước; không ngừng nghiên cứu, tạo hành lang pháp lý và các điều kiện thuận lợi nhất để kiều bào có thông tin và mong muốn đem khả năng, trình độ cao của mình đóng góp cho quê hương, đất nước; đề cao vai trò của công tác truyền thông, khen thưởng; tận dụng tiến bộ của công nghệ thông tin, xây dựng những kênh thông tin kết nối kiều bào với quê hương; cung cấp các phần mềm dạy, học tiếng Việt trực tuyến; tổ chức các chương trình, cuộc thi tìm hiểu tiếng Việt, trại hè tiếng Việt nhằm khơi dậy tinh thần dân tộc, nâng cao trình độ tiếng Việt của kiều bào, qua đó, tôn vinh vẻ đẹp và giá trị của tiếng Việt.

Mỗi giáo viên và học sinh sẽ là một sứ giả văn hóa, lan tỏa tiếng Việt, văn hóa Việt

Với những người Việt sinh sống ở nước ngoài có một niềm đau đáu là làm sao để truyền dạy gìn giữ tiếng Việt cho thế hệ thứ hai, thứ ba. Bà Văn Hương Phênh Khăm May (Hiệu trưởng trường song ngữ Lào Việt Nam Nguyễn Du (Lào) cho biết tại Hội nghị Người Việt Nam ở nước ngoài toàn thế giới lần thứ 4 vừa được tổ chức cho biết: Việc gìn giữ và phát triển tiếng Việt là nhiệm vụ của mỗi người Việt Nam ở nước ngoài. Đối với trường song ngữ, ngôi trường điển hình cho tình hữu nghị đặc biệt bền chặt, trong sáng, thủy chung Lào – Việt Nam, thì việc gìn giữ văn hóa Việt và tiếng Việt lại càng trở nên quan trọng và cần thiết. Là trường liên cấp với hơn 1.000 học sinh, trong đó là 30% là học sinh con em người Việt, còn lại là người Lào, các em học sinh vừa học tiếng phổ thông là tiếng Lào, bên cạnh đó các em còn học tiếng Việt và nói tiếng Việt như một ngôn ngữ phổ thông.

"Tại trường song ngữ Lào Việt Nam Nguyễn Du (Lào) học sinh không chỉ đơn thuần học đọc, viết và nói tiếng Việt, mà văn hóa Việt Nam, lịch sử Việt Nam trong mỗi tiết học đều vang lên trên bục giảng, đồng hành cùng với các thầy cô đến các em học sinh. Các giáo viên luôn tìm mọi biện pháp, kết hợp giữa giáo trình và thực tế, sao cho việc giảng dạy tiếng Việt đạt hiệu quả tốt nhất; làm sao để các em học sinh yêu thích bộ môn và hiểu nhiều hơn về văn hóa và con người Việt Nam, từ đó hướng tới có trách nhiệm trong việc gìn giữ mối quan hệ tốt đẹp của hai dân tộc Việt Nam-Lào', bà Văn Hương Phênh Khăm May chia sẻ.

Bà Văn Hương Phênh Khăm May cho biết, trong thời gian tới, nhà trường sẽ tìm mọi biện pháp để tất cả cán bộ giáo viên đều có thể giao tiếp và hiểu được tiếng Việt mức cơ sở. Mỗi giáo viên và học sinh sẽ là một sứ giả văn hóa, thực hiện nhiệm vụ lan tỏa nền văn hiến nghìn năm của Việt Nam không chỉ ở đất nước 'triệu voi' mà còn cả trên thế giới,

Bà Phạm Thanh Xuân - Ủy viên Ban Thường vụ Hội người Việt Nam ở Liên bang Nga cho rằng, để gìn giữ, phát huy và phát triển tiếng Việt, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt đề án rất quan trọng "Ngày tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023-2030" với mục tiêu tổng quát là nâng cao nhận thức về ngôn ngữ, văn hóa dân tộc với kiều bào toàn thế giới và bạn bè quốc tế, đặc biệt là thế hệ trẻ, lan tỏa mạnh mẽ tình yêu tiếng Việt, trở thành động lực thúc đẩy phong trào dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng, góp phần gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Bà Phạm Thanh Xuân cho biết, ở Liên bang Nga, phát triển tiếng Việt ở hai đối tượng: Cộng đồng người Việt Nam tại nước sở tại đặc biệt là thế hệ trẻ và thế hệ người Nga trẻ có thiện cảm và yêu mến Việt Nam.

Hội người Việt Nam ở Liên bang Nga đã đặt ra mục tiêu cụ thể: Nâng cao ý thức của cộng đồng người Việt ở Nga với tiếng Việt, tôn vinh vẻ đẹp và giá trị tiếng Việt trong cộng đồng, duy trì sử dụng tiếng Việt trong gia đình người Việt, lan tỏa tiếng Việt đến với người nước ngoài.

Để thực hiện những mục tiêu đó, Hội đã có những cách làm cụ thể như: Tạo sân chơi liên quan đến tiếng Việt và văn hoá Việt cho trẻ em gốc Việt ở Liên bang Nga và trẻ em Nga; hỗ trợ các trường đại học có khoa, bộ môn nghiên cứu và giảng dạy tiếng Việt phát triển; hỗ trợ thành lập các trung tâm văn hóa và dạy tiếng Việt trong các trường đại học, viện nghiên cứu, trường phổ thông của Nga.

Dưới sự chỉ đạo của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga, Hội Người Việt Nam tại Liên bang Nga thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, hỗ trợ các sáng kiến trong cộng đồng nhằm tăng cường giao lưu văn hóa, trau dồi tiếng Việt trong cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Một số chương trình hiệu quả có thể kể đến Hội thi "Tiếng hát cộng đồng," Đêm thơ Nguyên Tiêu, Tết Trung Thu…, thu hút sự quan tâm lớn của thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Nga và cả các bạn trẻ người Nga.

Để công tác bảo tồn tiếng Việt và văn hóa Việt hiệu quả hơn, bà Phạm Thanh Xuân kiến nghị Nhà nước thường xuyên tổ chức các chương trình tập huấn trực tiếp và trực tuyến cho các giáo viên dạy tiếng Việt ở nước ngoài; cử cán bộ sang địa bàn để tổ chức trại hè tiếng Việt cho con em người Việt ở nước ngoài; cung cấp tài liệu dạy tiếng Việt (có thể dưới dạng điện tử) để phục vụ cho việc dạy và học tiếng Việt ở nước ngoài.

Bà Nguyễn Việt Hà-Giám đốc điều hành Tổ chức giao lưu văn hóa Việt Úc (Vaceo) cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, người Việt ở Australia vẫn luôn duy trì và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc. Hằng năm thường tổ chức nhiều lễ hội, sự kiện văn hóa như Tết nguyên đán, Tết trung thu, Giỗ tổ Hùng Vương… Trang phục dân tộc cũng được duy trì trong các lễ hội, đám cưới và những ngày đặc biệt trong năm.

Tiếng Việt được sử dụng trong mỗi gia đình người Việt ở Australia, các trường dạy tiếng Việt cũng được thành lập trong cộng đồng nhằm đưa tiếng Việt tới các thế hệ trẻ và người nước ngoài muốn học tiếng Việt. Bên cạnh đó, các hội đoàn cũng được thành lập và hoạt động có hiệu quả như hội trí thức, hội doanh nhân, hội sinh viên, hội bác sĩ, hội từ thiện, hội giao lưu văn hóa…

Tuy nhiên việc bảo tồn và phát huy, lan tỏa văn hóa Việt tại Australia còn những khó khăn nhất định như: Thiếu nguồn lực tài chính và chuyên môn; khoảng cách địa lý và sự phân tán của cộng đồng; suy giảm ý thức giữ gìn văn hóa trong giới trẻ; thiếu cơ sở vật chất và phương tiện hỗ trợ; khó khăn trong việc huy động tham gia của các tổ chức, cá nhân.

Để tiếp tục thực hiện sứ mệnh của mình, bà Nguyễn Việt Hà kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tài chính để tổ chức các sự kiện văn hóa, mở lớp học tiếng Việt, cũng như phát triển các sản phẩm văn hóa như sách, phim tài liệu về văn hóa Việt Nam.

Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất của bảo tồn và phát huy tiếng nói trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là sự khác biệt ngôn ngữ và đồng hóa về văn hóa. Khi người Việt Nam sống ở các quốc gia mới, họ thường sử dụng ngôn ngữ bản địa để thuận tiện trong giao tiếp và công việc hằng ngày, dẫn đến tiếng Việt ít được sử dụng, đặc biệt là trong thế hệ trẻ. Sự giảm dần sử dụng tiếng Việt trong gia đình, cộng đồng có thể dẫn đến trẻ không chỉ mất khả năng sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ mà còn thiếu hiểu biết về văn hóa truyền thống của mình. Thêm vào đó sự gắn bó của thế hệ trẻ với văn hóa Việt Nam ngày càng giảm sút do sự tiếp xúc chủ yếu với văn hóa phương Tây.

Để phát triển tiếng Việt trong thế hệ sau, đặc biệt là ở nước ngoài, theo bà Vũ Thị Bích Diệp – Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Italia, cần phải thực hiện một số giải pháp thiết thực. Đầu tiên là việc xây dựng và duy trì các lớp học tiếng Việt cho trẻ em trong cộng đồng là cực kỳ quan trọng. Những lớp này không chỉ dạy ngôn ngữ mà còn giúp truyền đạt văn hóa, lịch sử, giúp thế hệ trẻ hiểu và trân trọng nguồn cội của mình. Đồng thời, các tổ chức cộng đồng và Hội đoàn người Việt đóng vài trò thiết yếu trong việc duy trì và phát huy văn hóa dân tộc.

Theo bà Bích Diệp, những thách thức trong bảo tồn và phát huy tiếng nói trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ từ nhà trường, gia đình, cộng đồng và Chính phủ để bảo tồn và phát huy văn hóa Việt Nam ở nước ngoài. Việc giữ gìn bản sắc văn hóa không chỉ giúp cộng đồng người Việt bảo vệ giá trị truyền thống mà còn góp phần làm phong phú thêm sự đa dạng văn hóa của các quốc gia sở tại. Chúng ta cần xây dựng cộng đồng mạnh mẽ, nơi mỗi người Việt đều tự hào về nguồn gốc của mình và sẵn sàng truyền đạt văn hóa đó thế hệ sau.

Diệp Anh/Báo Chính phủ

https://baochinhphu.vn/tieng-viet-diem-tua-ket-noi-kieu-bao-voi-que-huong-102240826004459378.htm