Đến dự hội nghị, về phía các cơ quan Trung ương có đồng chí Nguyễn Hữu Đạt, Trưởng Cơ quan đại diện Bộ VH-TT-DL tại TPHCM.
Về phía lãnh đạo TPHCM có các đồng chí: Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thị Thu Hà, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy; Phạm Phương Thảo, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TPHCM; Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; Phan Xuân Biên, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, nguyên Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy; Trần Kim Yến, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM…
TPHCM là đô thị đặc biệt, là trung tâm về kinh tế, chính trị, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, đầu mối giao lưu và hội nhập quốc tế, có sức thu hút và lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam… Vì thế, nhiệm vụ xây dựng, phát triển văn hóa và con người thành phố đã xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, xây dựng văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội.
Chương trình hành động số 45-CTHĐ/TU ngày 21-6-2015 của Ban Thường vụ Thành ủy về thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW (viết tắt là Chương trình hành động số 45-CTHĐ/TU) ra đời trong bối cảnh TPHCM tập trung xây dựng và phát triển văn hóa, xây dựng phẩm chất con người mới thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; xây dựng nếp sống văn minh đô thị; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa; phát triển giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ, chú trọng việc đầu tư xây dựng nền công nghiệp văn hóa và bước đầu hình thành thị trường văn hóa, đẩy mạnh phong trào thi đua “đổi mới - sáng tạo để xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh, hiện đại”.
Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ TPHCM lần XI, nhiệm kỳ 2020 - 2025 xác định “Phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, làm nền tảng cho thành phố phát triển bền vững; Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc là mục tiêu, nền tảng xã hội cho thành phố phát triển nhanh và bền vững. Hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở thành phố mang tên Bác” là nhiệm vụ quan trọng gắn với mục tiêu “Xây dựng TPHCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, vì cả nước, cùng cả nước, vì hạnh phúc của Nhân dân”.
Qua 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33 và Chương trình hành động số 45, bên cạnh những mặt tích cực, mặt trái của kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế đã tác động tiêu cực không nhỏ đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Sự phân hóa về cơ hội, điều kiện trong sáng tạo, sản xuất, truyền bá các giá trị văn hóa trên các phương tiện truyền thông ngày càng tăng; sự xuất hiện nhiều sản phẩm, dịch vụ văn hóa chất lượng thấp tác động tiêu cực đến đời sống tinh thần của xã hội, ảnh hưởng xấu đến thị hiếu thẩm mỹ của một bộ phận công chúng; việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, các giá trị đạo đức truyền thống, thẩm mỹ, nghệ thuật của dân tộc;… Kinh tế thành phố tăng trưởng nhanh nhưng có những yếu tố chưa hài hòa, bền vững, bên cạnh tình trạng tăng dân số cơ học, dẫn đến công tác quản lý, xây dựng đời sống văn hóa, an ninh chính trị chưa đồng bộ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Phan Văn Mãi bày tỏ việc vận dụng Nghị quyết 33 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI), Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943) vào các hoạt động văn hóa - đời sống - xã hội tại thành phố ngày càng thể hiện rõ nét. Cùng với tập trung xây dựng con người phát triển toàn diện, Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa, đời sống văn hóa, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với Cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, xây dựng nếp sống và văn hóa ứng xử nơi công cộng”, đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức nhiều hoạt động lễ hội, chương trình nghệ thuật quy mô lớn, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng khu dân cư sạch đẹp, an toàn, phát huy vai trò tự quản và sáng tạo của cộng đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, bên cạnh những điểm đạt được, cũng còn những hạn chế, văn hóa thành phố chưa thực sự ngang bằng với sự phát triển, nhất là các công trình xây dựng các thiết chế văn hóa trọng điểm còn chậm. Ngoại giao văn hoá mới dừng lại ở bước khởi nguồn, chưa khai thác được hết nguồn lực rộng lớn từ cộng đồng Việt Nam ở nước ngoài. Công tác xây dựng Không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại các địa phương bước đầu đạt kết quả tích cực, nhưng việc duy trì các hoạt động trong Không gian văn hóa Hồ Chí Minh còn hạn chế, cần phát huy và lan tỏa Không gian văn hoá Hồ Chí Minh vào tâm hồn mỗi người dân thành phố, chứ không chỉ dừng lại ở không gian vật lý.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, xứng tầm với vai trò và vị trí của thành phố mang tên Bác, đồng chí Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục nghiên cứu, nâng cao nhận thức, trách nhiệm đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, Chương trình hành động số 45-CTrHĐ/TU và Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW, gắn với thực hiện kết luận chỉ đạo của đồng chí cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy về phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước... Tập trung các giải pháp nâng chất các danh hiệu văn hóa: Gia đình văn hóa, khu phố văn hóa, cơ quan, đơn vị văn hóa, điểm sáng văn hóa; tiếp tục đẩy mạnh chủ trương xã hội hóa trong hoạt động văn hóa, nghệ thuật… Đặc biệt, xây dựng văn hóa gia đình tại TPHCM, trong bối cảnh xu hướng đang giảm sinh, tác động công nghiệp hóa, già hóa dân số, cần có những tính toán, kế hoạch cụ thể, thiết thực hơn. Các giải pháp nâng cao chất lượng môi trường văn hóa trong các cơ quan hành chính, về tác phong làm việc văn minh, lịch sự trong giao tiếp ứng xử,… Xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân với ý thức tôn trọng pháp luật, giữ chữ tín, cạnh tranh lành mạnh, vì sự phát triển bền vững”.
Tại hội nghị, nhằm ghi nhận, khích lệ thành quả đạt được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Chương trình hành động 45-CTrHĐ/TU, Ban Thường vụ Thành ủy có Quyết định số 2419-QĐ/TU ngày 23-12- 2024 tặng Bằng khen cho 21 tập thể và 29 cá nhân; UBND TPHCM có Quyết định số 5932/BK-UBND ngày 23-12- 2024 tặng Bằng khen cho 16 tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW.
THIÊN THANH - Theo https://www.sggp.org.vn/tiep-tuc-phat-huy-ve-dep-con-nguoi-tphcm-trong-ky-nguyen-vuon-minh-cua-dan-toc-post774767.html