TÌNH HỮU NGHỊ ĐẶC BIỆT - KHO BÁU VÔ GIÁ CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM VÀ CUBA
Bất chấp khoảng cách địa lý, Cuba và Việt Nam vẫn kiên trì nâng tầm mối quan hệ lịch sử bởi tình cảm giữa hai dân tộc không mang tính chính trị mà là tình anh em chân thật, xuất phát từ trái tim.
Tổng Tư lệnh Cuba Fidel Castro cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng trong cuộc míttinh của nhân dân Quảng Trị chào mừng Đoàn đến thăm vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 15/9/1973. Ảnh: TTXVN
“Tình hữu nghị Đặc biệt Việt Nam-Cuba là kho báu vô giá của cả hai dân tộc”. Đây là nhận định của Tiến sỹ Ruvislei González Saez, Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam, trao cuộc trao đổi với phóng viên tại La Habana nhân kỷ niệm 50 năm chuyến thăm đầu tiên của Tổng Tư lệnh Cuba Fidel Castro tới Việt Nam và vùng mới giải phóng miền Nam Việt Nam (tháng 9/1973).
Ông González Saez, đồng thời là Giám đốc Chương trình Quan hệ Quốc tế tại Cuba, nhấn mạnh ý nghĩa của tháng 9 trong suốt chiều dài lịch sử quan hệ của hai nước.
Ngày 12/9/1973, đúng 50 năm trước, Chủ tịch Fidel đã tới Việt Nam, trở thành người đứng đầu chính phủ đầu tiên và duy nhất đến thăm vùng giải phóng miền Nam Việt Nam.
10 năm trước đó, ngày 25/9/1963, Cuba thành lập Ủy ban Đoàn kết đầu tiên với Việt Nam.
Tiến sỹ González Saez nhấn mạnh tháng 9 là tháng đặc biệt trong quan hệ song phương, là thời điểm để lắng đọng và suy ngẫm về những tình cảm thân thiết giữa hai dân tộc vốn là hình mẫu trong quan hệ quốc tế này, để bắt đầu mở ra một trang khác cho lịch sử đoàn kết anh em giữa Cuba và Việt Nam.
Thế giới đang trải qua những thách thức phức tạp và điều kiện hiện nay đã rất khác. Mặc dù vậy, bất chấp khoảng cách địa lý, Cuba và Việt Nam vẫn kiên trì nâng tầm mối quan hệ lịch sử trên mọi phương diện.
Tình cảm giữa hai dân tộc không mang tính chính trị mà là tình anh em chân thật, xuất phát từ trái tim.
Chuyên gia Cuba nhấn mạnh rằng những dịp kỷ niệm như tháng 9 năm nay là cột mốc quan trọng, là dịp để những người trẻ hiểu được cha ông đã dày công gây dựng và vun đắp mối tình hữu nghị này như thế nào qua thời gian, truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Điểm lại những cột mốc quan trọng trong quan hệ kể từ khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 2/12/1960, nhà nghiên cứu Cuba cho rằng năm 1963 là năm quan trọng đánh dấu cam kết cao độ của La Habana với Hà Nội.
Nhà lãnh đạo lịch sử của Cách mạng Cuba Fidel Castro đã giao nhiệm vụ cho nữ anh hùng của Moncada - bà Melba Hernández - tổ chức một phong trào đoàn kết và ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam Việt Nam.
Kể từ khi thành lập vào ngày 25/9/1963, bà Melba đã chủ trì Ủy ban Cuba Đoàn kết với miền Nam Việt Nam, với sự hỗ trợ của Phong trào Hòa bình Cuba và Viện Cuba Hữu nghị với các Dân tộc (ICAP), cùng nhiều tổ chức quần chúng khác như Trung tâm những Người Lao động Cuba (CTC) và Liên hiệp Phụ nữ Cuba (FMC).
Chủ tịch Fidel Castro cùng Đoàn đại biểu Đảng và Chính phủ Cách mạng Cuba chụp ảnh kỷ niệm bên đồn An ninh Nhân dân Bến Hải, địa cầu của miền Nam trong chuyến đến thăm vùng Giải phóng miền Nam Việt Nam, ngày 15/9/1973. Ảnh: TTXVN
Nhiều tờ báo danh tiếng thời bấy giờ như Revolución (Cách mạng) và Hoy (Ngày nay), cùng đông đảo các nghệ sỹ và trí thức Cuba cũng nhiệt tình tham gia phong trào đoàn kết với Việt Nam.
Che Guevara là diễn giả đầu tiên tại lễ thành lập ủy ban. Mỗi trung tâm sinh viên và người lao động của Cuba đều có một tổ chức đoàn kết với Việt Nam…
Phong trào ở Cuba đã gây được tiếng vang trên thế giới, để các nước khác và nhân dân yêu chuộng hòa bình biết được sự thật về cuộc chiến bất công tại Việt Nam, nơi chứng kiến nhiều tội ác chống lại một dân tộc dũng cảm, có đầy đủ quyền được độc lập hoàn toàn.
Từ đây, một làn sóng khổng lồ ủng hộ nhân dân Việt Nam anh em đã trỗi dậy, kể cả ngay chính tại Mỹ. Hàng nghìn người Mỹ, đặc biệt là giới trẻ, đã từ chối tham gia cuộc chiến.
Ngày 15/7/1976, sau chiến thắng của Việt Nam, Lào và Campuchia, Ủy ban Đoàn kết đã trở thành Hội Hữu nghị Cuba-Việt Nam.
Ngày 12/9/1973, chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch Fidel tới Việt Nam đã gây chấn động.
Không thể không nhắc đến một cử chỉ mang đậm tính biểu tượng: đó là việc hầu hết các lãnh đạo cấp cao nhất của Việt Nam tại thời điểm đó là Tổng Bí thư Lê Duẩn, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và tất cả các ủy viên Bộ Chính trị đều tới sân bay đón Chủ tịch Fidel.
Sau nghi lễ đón tiếp và giao lưu với nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Fidel cùng các nhà lãnh đạo Lê Duẩn, Trường Chinh và Phạm Văn Đồng cùng đi trên một chiếc xe mui trần, lần đầu tiên được sử dụng trong nghi thức đón tiếp nguyên thủ quốc gia hoặc người đứng đầu chính phủ.
Đây thực sự là khoảnh khắc có một không hai khi những vĩ nhân của cả hai dân tộc cùng đứng chung một khuôn hình.
Người dân Việt Nam đổ ra đường chào đón mỗi khi Chủ tịch Fidel đi qua và nhà lãnh đạo Cuba hết sức xúc động trước những tình cảm nồng hậu và chân thành này.
Điều duy nhất ông tiếc nuối là không kịp thăm Việt Nam trước năm 1969 để gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
Theo lời kể của cố đạo diễn Santiago Álvarez, người có vinh dự được đồng hành cùng lãnh tụ Fidel trong chuyến đi tới vùng mới giải phóng miền Nam Việt Nam, khoảnh khắc Tổng Tư lệnh Cuba được lãnh đạo Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và các chiến sỹ Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đón sang bên kia sông Bến Hải, dọc theo vĩ tuyến 17, vô cùng đặc biệt.
Chủ tịch Fidel đã đặt chân đến nơi mà chiến tranh đạt đến độ tàn khốc nhất, nơi thể hiện chủ nghĩa anh hùng của dân tộc Việt Nam.
Cố đạo diễn Santiago Álvarez sau này đã quay bộ phim tài liệu “Bốn cây cầu” dựa trên ý tưởng thú vị về con đèo gần Đông Hà, nơi có 3 cây cầu bắc qua sông Cam Lộ.
Công trình đầu tiên do người Pháp xây dựng, đại diện cho chủ nghĩa thực dân và đã bị phá hủy; cầu thứ hai do người Mỹ xây dựng, đại diện cho chủ nghĩa thực dân mới và cũng bị phá hủy.
Cây cầu thứ ba là cây cầu của Việt Nam mà nhà lãnh đạo lịch sử Cuba đã đi qua, khiêm tốn nhưng mới mẻ. Cây cầu thứ tư mà đạo diễn Santiago Álvarez đề cập trong tác phẩm của mình chính là cầu nối của tình đoàn kết.
Chủ tịch Fidel Castro phất cao lá cờ truyền thống của Đoàn Khe Sanh, Quân giải phóng Trị Thiên-Huế (Quảng Trị, ngày 15/9/1973). Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Fidel đã giương cao lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam như thể ông chính là người chiến sỹ mang cờ hiệu của một trong những trận chiến khốc liệt ở Quảng Trị. Đẫm mồ hôi, nhưng ông thực sự vô cùng phấn khởi.
50 năm đã trôi qua nhưng lời bất hủ của Chủ tịch Fidel “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình!” đã thấm sâu vào trái tim của dân tộc Việt Nam anh em.
Nhớ lại những ngày mùa Thu lịch sử này, nhân dân Cuba và Việt Nam càng quyết tâm cùng nhau vun đắp tình đoàn kết thủy chung, nắm tay nhau cùng bước vào một chương mới của mối quan hệ đặc biệt, không có tiền lệ, là hình mẫu của quan hệ quốc tế - như vị Tổng Tư lệnh Cuba từng nói./.
Mai Phương / TTXVN/Vietnam+