TP Hồ Chí Minh: Người tiêu dùng ưu tiên tạo đầu ra cho nông sản Việt
Những ngày gần đây, người tiêu dùng TP.HCM nhiệt tình tiêu thụ cam sành nhằm hỗ trợ bà con nông dân một số tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp khó khăn về tìm đầu ra cho trái cây này.
Người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh hưởng ứng hoạt động chung tay tiêu thụ cam sành hỗ trợ bà con nông dân một số tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tại kênh bán lẻ hiện đại. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Dịch COVID-19 được đánh giá là đã tác động góp phần thay đổi thói quen người tiêu dùng, nhất là ngày càng nhiều người dân ưu tiên mua nông đặc sản nội địa khi nguồn cung hàng nhập khẩu bị gián đoạn trong thời gian dài vừa qua. Đồng thời, doanh nghiệp chế biến thực phẩm Việt cũng nắm bắt cơ hội hậu COVID-19 để tung ra những sản phẩm sử dụng nguyên liệu nông đặc sản nội địa đáp ứng xu hướng thị hiếu tiêu dùng mới.
Cụ thể, trong những ngày gần đây, nhiều nhà bán lẻ, đơn vị kinh doanh trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã chung tay đẩy mạnh tiêu thụ cam sành, nhằm hỗ trợ bà con nông dân một số tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long tìm đầu ra cho mặt hàng trái cây này.
Đáng chú ý, hoạt động này nhận được sự hưởng nhiệt tình của người tiêu dùng tại Thành phố Hồ Chí Minh, cũng như các điểm kinh doanh đồ ăn, thức uống.
Trao đổi với phóng viên TTXVN, anh Thanh Minh, chủ quán nước trên đường Nguyễn Văn Thủ, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh cho biết ngay từ hôm nay đã giảm giá mặt hàng nước cam ép xuống còn 5.000 đồng/ly để thu hút khách hàng tiêu dùng sản phẩm này.
Hiện, giá mặt hàng cam sành đang giảm mạnh nhưng bà con nông dân vẫn gặp khó khăn về sức tiêu thụ, nên giảm giá mặt hàng nước ép cam với hy vọng khách hàng ưu tiên tiêu dùng và tăng sức mua trên thị trường.
Tương tự, tại một số điểm kinh doanh đồ ăn, thức uống trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài việc giảm giá những sản phẩm có sử dụng nguyên liệu là mặt hàng cam sành, còn tổ chức phân phối, bán lẻ mặt hàng này với giá hỗ trợ; trong đó, tùy loại và tùy theo trọng lượng, mặt hàng cam sành được bán với giá dao động từ 7.000-12.000 đồng/kg, hoặc 15.000 đồng/combo 2kg.
Tại Trung tâm Thương mại dịch vụ An Đông, chợ An Đông, quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh, gần 5 tấn cam sành Vĩnh Long đã phân phối đến mạng lưới đầu mối trong chương trình vận động tiêu thụ do Phòng Kinh tế-Ủy ban Nhân dân quận phát động.
Thống kê nhanh cho thấy đơn vị này đã hỗ trợ tiêu thụ lên đến hàng chục tấn cam sành với giá 35.000 đồng/combo 5kg, tương đương 7.000 đồng/kg và dự báo lượng hàng tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.
Về phía những nhà bán lẻ lớn như Liên hiệp Hợp tác xã Thành phố Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) cũng đã và đang triển khai bán gần trăm tấn cam sành của tỉnh Vĩnh Long tại hệ thống siêu thị Co.opmart, Co.opXtra thuộc khu vực Thành phố Hồ Chí Minh, Tây Nam Bộ và Đông Nam Bộ, với giá chỉ 10.500 đồng/kg, áp dụng từ nay đến ngày 24/2/2023.
[Nông sản Việt Nam từng bước vươn xa ra thị trường thế giới]
Đội ngũ thu mua của Saigon Co.op cũng đã trực tiếp đến vườn cam của hộ nông dân, hợp tác xã tại tỉnh Vĩnh Long và không thông qua thương lái để thu mua với giá tốt cho nông dân.
Theo đại diện truyền thông Saigon Co.op, với mức giá bán ra hiện nay, siêu thị chỉ tính chi phí vận chuyển từ vườn về và không lợi nhuận. Thông qua chương trình này, Saigon Co.op kỳ vọng sẽ góp phần giúp giá cam sành ổn định trở lại, giúp cho hàng ngàn hộ nông dân trồng cam tránh được cảnh được mùa rớt giá.
Tùy loại và tùy theo trọng lượng, mặt hàng cam sành được bán lẻ tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh với giá dao động từ 7.000-12.000 đồng/kg, hoặc 15.000 đồng/combo 2kg. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)
Ở góc độ người tiêu dùng, chị Thanh Hà, cư ngụ tại huyện Bình Chánh, Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ, gia đình có hai con nhỏ nên thường xuyên sử dụng các loại nước ép trái cây tự nhiên. Do đó, khi biết thông tin mặt hàng cam sành gặp khó khăn ở khâu tiêu thụ, gia đình đã tăng lượng mua gấp đôi so với ngày thường và ưu tiêu tiêu dùng mặt hàng này trong thời điểm hiện tại.
Ghi nhận ý kiến nhiều người tiêu dùng khác trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho hay, chung tay tiêu thụ mặt hàng cam sành cho bà con nông dân đã tăng cường mua và dự trữ mặt hàng cam sành với đa dạng hình thức khác nhau.
Đặc biệt, các gia đình và bà nội còn chia sẻ kinh nghiệm sơ chế, chế biến, dự trữ mặt hàng này lâu hơn như ép nước và cấp đông, phối hợp với những nguyên liệu khác chế biến nước ép cô đặc, mứt, kem...
Trên thực tế, xu hướng người tiêu dùng toàn cầu cũng như tại Việt Nam có thói quen tiêu dùng chuyển dần sang ưa chuộng sản phẩm có vitamin tự nhiên, ít thành phần hóa học...
Đây là cơ hội không chỉ cho doanh nghiệp chế biến nông đặc sản Việt, mà còn mang lại giải pháp tái cấu trúc chuỗi cung ứng rau củ, quả, trái cây... tạo đầu ra ổn định cho bà con nông dân.
Bà Nguyễn Ngọc Hương, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xuất nhập khẩu Thiên Nhiên Việt cho rằng không riêng gì Thiên nhiên Việt mà lần lượt cộng đồng doanh nghiệp Việt đã và đang nỗ lực phát triển sản phẩm thực phẩm chế biến từ nguồn nguyên liệu nông đặc sản nội địa. Hiện nay, Thiên Nhiên Việt có những sản phẩm chế biến là rau má, diếp cá, tía tô…
Còn chuyên gia Vũ Thế Thành phân tích, rau củ, quả, trái cây có mùa, nên khi thông qua chế bến có thể bảo quản được lâu hơn và đảm bảo cung cấp nguồn thực phẩm cho người tiêu dùng. Tuy nhiên, đơn vị sản xuất, kinh doanh cần thông tin rõ đến khách hàng về chất lượng, hàm lượng dinh dưỡng và tính tiện lợi của sản phẩm./.
Mỹ Phương (TTXVN/Vietnam+)