Nhận xét tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở TP.HCM trong ba tháng đầu năm, TS Phạm Thị Thanh Xuân, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu công nghệ ngân hàng - ĐH Quốc gia TP.HCM, cho rằng kinh tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng điều này đã được dự liệu và TP đang triển khai nhiều phương án lấy lại đà tăng trưởng vào quý III năm nay.
Khó khăn đan xen lạc quan
. Phóng viên: Cuối năm ngoái, nhóm nghiên cứu của bà dự báo kinh tế TP sẽ khó khăn kéo dài đến hết quý II năm nay. Liệu hết quý I có xuất hiệntín hiệu lạc quan?
+ TS Phạm Thị Thanh Xuân (Ảnh): Các chỉ số ở quý I đúng như các dự báo, kinh tế TP vẫn khó khăn và sẽ kéo dài sang quý II năm nay. Tuy nhiên, quan trọng là những thách thức này đã được dự liệu. Hiện tại, chúng ta vẫn đang trong giai đoạn “dưỡng thương”, tái tạo “sức khỏe” cho doanh nghiệp (DN), người dân.
Trong bối cảnh đó, tín hiệu lạc quan đầu tiên là TP đã thể hiện rõ quyết tâm, đồng thời nỗ lực hết sức tái thiết nền kinh tế. Lãnh đạo TP đã liên tục tổ chức các chương trình, diễn đàn nhiều quy mô để gặp mặt, lắng nghe DN, người lao động, các chuyên gia, nhà khoa học… trong quý I để tìm giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn vào quý II. Các nỗ lực trên vào quý III năm nay mới gặt hái được những thành quả ban đầu, đà tăng trưởng mới quay lại.
Hoạt động sản xuất tại Công ty Datalogic, Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: HOÀNG QUÂN |
Theo báo cáo của Hiệp hội DN TP.HCM, có gần 65% DN được khảo sát cho thấy họ vẫn giữ vững niềm tin, nỗ lực để tồn tại và phát triển, giữ chân người lao động; hơn 70% DN nhận thấy rằng môi trường kinh doanh của TP cơ bản là ổn… Tất cả dữ liệu này dù chưa đủ mạnh như kỳ vọng nhưng là tín hiệu cho thấy nền kinh tế đang “tốt dần lên”.
Cần “cú hích” thật sự
. Đâu là những trọng tâm cần thực hiện để nền kinh tế “tạo đà” tăng trưởng trở lại?
+ Tôi tiếp tục kiến nghị thúc đẩy đầu tư công. Theo Kho bạc Nhà nước TP, đến cuối tháng 3-2023, tổng vốn kế hoạch đầu tư công năm 2023 của TP đã giải ngân chỉ đạt tỉ lệ 2,2% tổng số vốn giao, con số rất khiêm tốn. Cần ưu tiên gỡ vướng, giải ngân đầu tư công cho metro số 1, metro số 2, đường vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài…
Thứ hai, cần tiếp tục kích cầu nội địa, tất nhiên phải chú ý đến giới hạn để kiểm soát lạm phát. Việc kích cầu có thể nhắm vào các hoạt động còn dư địa, như thúc đẩy hoạt động du lịch tại TP.HCM bằng nhiều giải pháp khác nhau, bao gồm giải pháp hành chính lẫn việc hỗ trợ các DN dịch vụ lưu trú, lữ hành; thúc đẩy phát triển kinh tế đêm của TP…
Tiếp đó, tiếp tục đẩy mạnh hỗ trợ người lao động bằng các chương trình an sinh, nâng cao hiệu quả các sàn giao dịch việc làm. Người dân cần có sự hỗ trợ kịp thời khi họ mất việc làm, thất nghiệp, bệnh tật, đồng thời dễ dàng tiếp cận thông tin về việc làm hơn. Cách tiếp cận này giúp TP giảm đi các tổn thất và chi phí phát sinh do tỉ lệ mất việc còn cao…
TP cần tranh thủ sự ủng hộ từ các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới trong việc xanh hóa sản xuất ở các ngành thâm dụng lao động dệt, sản xuất linh kiện... để đáp ứng tiêu chuẩn hàng hóa vào châu Âu. Ví dụ, hiện nay vẫn chưa áp dụng chứng chỉ xanh trong ngành dệt may ở TP. Ở Bangladesh, DN dệt may sản xuất nhiều nhưng không đủ bán, trong khi ở Việt Nam (VN) thiếu đơn hàng. Xanh hóa sản xuất là cách mở rộng thị trường.
Cuối cùng, cần tăng cường niềm tin cho nhà đầu tư, DN và người dân. Nhiệm vụ trọng tâm là gỡ vướng cho các dự án giao thông, hạ tầng, phát triển đô thị, nhà ở xã hội, tái định cư… hiện nay vẫn đình trệ kéo dài do quy định pháp luật thay đổi hoặc chưa theo kịp nhu cầu thực tiễn. Niềm tin càng lớn thì thị trường, kinh tế càng mau phục hồi.
Tôi muốn nhấn mạnh rằng các giải pháp nói trên đã và đang được TP thực hiện nhưng để thực sự có được “cú hích” thì vai trò của nghị quyết thay thế Nghị quyết 54 là rất lớn về dài hạn. Chính quyền TP.HCM đã trình trung ương đề án xây dựng nghị quyết của Quốc hội thay thế Nghị quyết 54 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM và mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 38 thông qua đề nghị xây dựng nghị quyết mới này. Tôi mong rằng Quốc hội sẽ thông qua một nghị quyết đặc thù cho TP.HCM với tính đột phá cao: (i) Đột phá về cơ chế; (ii) Đột phá trong khả năng triển khai, thực thi nhìn từ kinh nghiệm của việc thực hiện Nghị quyết 54 trong thời gian qua.
. Xin cám ơn bà.
Lý giải kinh tế TP.HCM còn trong giai đoạn khó khăn
Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, thừa nguồn dự trữ hàng hóa ở Mỹ và châu Âu, xung đột Nga - Ukraine và cả vấn đề lạm phát toàn cầu vẫn tiếp tục là những thách thức lớn.
Ưu thế từ việc Trung Quốc mở cửa trở lại với hoạt động xuất khẩu hay tiềm năng du lịch từ khách Trung Quốc vẫn chưa được khơi thông vì nhiều lý do. Bối cảnh đó gây ra những áp lực lớn cho VN nói chung và TP.HCM nói riêng.
Ở VN, những khó khăn nội tại dù đang được nỗ lực khắc phục nhưng chúng ta đang rơi vào giai đoạn “giảm tốc”. Dự báo GDP của VN quý I-2023 tăng 5,6%, nếu trừ đi lạm phát nữa thì con số này đâu đó chỉ đạt khoảng 77% so với tăng trưởng cùng kỳ năm 2019, như Tổng cục Thống kê đã công bố. TP.HCM cũng không đứng ngoài vòng ảnh hưởng từ những khó khăn của thế giới, khu vực và cả nước nói chung.
Ví dụ, báo cáo của Hiệp hội DN TP.HCM cho thấy trong quý I, các DN còn gặp khó khăn gia tăng do nhiều lý do như thị trường bị thu hẹp, giá nguyên liệu đầu vào tăng, thiếu nguồn nhân lực phù hợp, thiếu mặt bằng… Các gói hỗ trợ về vốn chưa được đánh giá cao với tỉ lệ thụ hưởng chỉ dưới 10% cho nên DN còn khó tiếp cận các chính sách hỗ trợ vì nhiều lý do. Số DN tạm ngừng hoạt động và chờ giải thể tiếp tục gia tăng.