TPHCM mong muốn trở thành hình mẫu hợp tác giữa các địa phương Việt Nam - Nhật Bản
Sáng 20/9, Lễ Kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Nhật Bản (1973 – 2023) đã diễn ra tại Nhà hát Thành phố.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho rằng, nền tảng văn hóa tương đồng, đặc biệt là những giá trị của chủ nghĩa yêu nước và tinh thần dân tộc mà hai bên chia sẻ, chính là một trong những yếu tố gắn kết hai dân tộc Việt Nam và Nhật Bản ngay từ rất sớm, trước khi quan hệ ngoại giao song phương chính thức được thiết lập vào ngày 21/9/1973.
Trong số những thành tựu hai nước đã đạt được qua 5 thập kỷ gầy dựng quan hệ, có thể đặc biệt kể đến hơn 70 văn bản hợp tác đã được các địa phương hai nước ký kết nhằm tăng cường liên kết và hỗ trợ nhau cùng phát triển. TPHCM tự hào đóng góp 1/10 con số này, với các văn bản hợp tác đã được xác lập với 7 địa phương Nhật Bản là Tỉnh Aichi, Tỉnh Hyogo, Tỉnh Nagano, Tỉnh Shiga, Tỉnh Osaka, Thành phố Osaka và Thành phố Yokohama.
Quan hệ với các địa phương Nhật Bản nói riêng, các đối tác Nhật Bản nói chung, luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính quyền Thành phố không chỉ vì sự quan tâm, hỗ trợ chí tình mà Nhật Bản thường xuyên dành cho TPHCM, mà còn là tình cảm, sự ủng hộ mạnh mẽ của người dân Thành phố đối với đất nước mặt trời mọc và quan hệ hợp tác Việt - Nhật.
“Tình cảm gắn bó đó đã và đang được vun đắp qua các hoạt động giao lưu sôi nổi và hàng loạt dự án hợp tác hiệu quả, mang lại thay đổi tích cực, to lớn cho đời sống người dân Thành phố nói riêng và tình hình kinh tế - xã hội hai nước nói chung,” ông Mãi khẳng định.
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi và Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM Ono Masuo tặng hoa cho các nghệ sĩ và học sinh tham gia biểu diễn các tiết mục văn nghệ tại chương trình
Năm 2009, hai nước bắt đầu nâng cấp quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược, Nhật Bản có 38 dự án đầu tư vào TPHCM với tổng số vốn 46,7 triệu USD; đến nay, đã tăng lên hơn 40 lần, đạt hơn 1.600 dự án với tổng số vốn đạt gần 8,2 tỷ USD. Kim ngạch thương mại TPHCM - Nhật Bản đã tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2009 lên gần 5,1 tỷ USD trong năm vừa qua. Các mức tăng trưởng ấn tượng này đã đưa Nhật Bản trở thành nhà đầu tư lớn thứ 3 và đối tác thương mại lớn thứ 5 của TP. Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại TPHCM đã vươn lên xếp thứ 3 về quy mô trong số các Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản tại nước ngoài, với hơn gần 1.100 hội viên.
Từ năm 2009 đến nay, số người Nhật sinh sống tại TPHCM đã tăng hơn 3 lần, đạt gần 11.000 người năm 2022. Và năm nay, khi Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) kỷ niệm 30 năm triển khai hoạt động Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) của Nhật Bản tại Việt Nam, các bạn có thể tự hào rằng hầu hết người dân TPHCM hiện nay đều có thể kể tên hoặc biết đến các công trình, dự án do Chính phủ và Nhân dân Nhật Bản hỗ trợ hoặc đầu tư tại TP, như dự án Bệnh viện Chợ Rẫy 1 và sắp tới là Chợ Rẫy 2, Tuyến metro số 1, Dự án cải thiện môi trường nước lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé, Đôi - Tẻ…
Năm kỷ niệm đặc biệt này không chỉ là dịp để hai nước cùng nhau ôn lại chặng đường nửa thế kỷ cùng đồng hành đã qua, mà còn là cơ hội để làm mới những cam kết của mình, cùng nhau xác lập những mục tiêu mới, những cột mốc mới, đưa quan hệ Việt - Nhật lên tầm cao mới.
Chủ tịch Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM đã được Quốc hội thông qua Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM. Nghị quyết được kỳ vọng sẽ đem lại động lực phát triển mới cho TP. Hiện TP đang khẩn trương xây dựng các kế hoạch nhằm tận dụng đòn bẩy Nghị quyết này để khơi thông và huy động các nguồn lực cho công cuộc bứt phá trên bản đồ tăng trưởng khu vực và thế giới. Trong quá trình tăng tốc phát triển, TPHCM rất mong tiếp tục nhận được sự tư vấn, hỗ trợ, đồng hành của các đối tác Nhật Bản.
Cụ thể, TPHCM mong muốn nhà đầu tư Nhật Bản tiếp tục đẩy mạnh đầu tư các lĩnh vực tiềm năng như hạ tầng sản xuất, hạ tầng giao thông, logistics, y tế và phát triển đô thị. Bên cạnh đó, các lĩnh vực như kinh tế số, đổi mới sáng tạo, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng mới hứa hẹn đem lại cơ hội mở rộng hợp tác giữa hai bên.
Đặc biệt, TPHCM mong muốn kiến tạo mô hình hợp tác mới về ODA với JICA, thông qua sự kết hợp năng động giữa vốn viện trợ của JICA, ngân sách của TP, đầu tư của doanh nghiệp và sự tham gia của người sử dụng dịch vụ. Chủ tịch Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “TPHCM mong muốn trở thành hình mẫu trong hợp tác của các địa phương Việt Nam và Nhật Bản. Đồng thời, TP mong mỏi và kỳ vọng rằng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp, đối tác Nhật Bản, với tầm nhìn và hiểu biết sâu sắc về tiềm năng cũng như sự nỗ lực, quyết tâm vươn lên của TP, sẽ xác định TPHCM là trọng tâm đặc biệt, đối tác chính của các bạn ở khu vực và thế giới.”
Tiết mục văn nghệ của các học sinh trường Nhật Bản tại TPHCM
Phát biểu tại chương trình, ông Ono Masuo, Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM, đánh giá quan hệ Nhật Bản - Việt Nam đã phát triển rất nhiều trong suốt thời gian qua. Số lượng doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào TPHCM và các tỉnh thành khu vực phía Nam đã vượt hơn 1.000 doanh nghiệp. Lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp Nhật Bản cũng có sự thay đổi thay vì chỉ tập trung vào ngành sản xuất để xuất khẩu ra nước ngoài thì nay được mở rộng sang cả lĩnh vực cung cấp hàng hóa và dịch vụ cho thị trường nội địa Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, qua đó phần nào phản ánh đời sống xã hội trở nên sung túc hơn tại Việt Nam. Số lượng người Việt Nam sử dụng tiếng Nhật cũng tăng lên đáng kể.
Hiện nay quan hệ hữu nghị hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam đang phát triển vô cùng tốt đẹp trong nhiều lĩnh vực như kinh tế, chính trị, văn hóa, thể thao,… trên mọi cấp độ từ lãnh đạo đến cấp cơ sở.
Chủ đề của kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Nhật Bản – Việt Nam là “Việt Nhật đồng hành, Hướng tới tương lai – Vươn tầm thế giới.” Nhật Bản rất mong được hợp tác với Việt Nam, trong đó có TPHCM, để phát triển hơn nữa tình hữu nghị và hợp tác giữa Nhật Bản và Việt Nam trong 50 năm tới, ông Ono Masuo khẳng định.
Minh Thư (HCM CityWeb)