TPHCM rất cần xây chiến lược phát triển công nghiệp mạnh mẽ
VOH - Sáng 26/4, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Võ Văn Hoan dự hội thảo quốc tế “Định hướng phát triển công nghiệp trên địa bàn TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Theo nhận định của các chuyên gia, TPHCM là một trong những trung tâm lớn về công nghiệp, đóng góp quan trọng vào phát triển công nghiệp của cả nước.
Mặc dù vậy, tỷ trọng công nghiệp TPHCM trong cơ cấu công nghiệp cả nước có xu hướng giảm dần. Năm 2010 công nghiệp TPHCM chiếm 15,38% giá trị tăng thêm ngành công nghiệp cả nước, đến năm 2021 chỉ còn chiếm 8,7%, giảm 6,68 điểm phần trăm so với năm 2010.
Việc giảm tỷ trọng trong cơ cấu công nghiệp cả nước thời kỳ 2011-2021 gắn liền với tốc độ tăng trưởng công nghiệp Thành phố chậm hơn tốc độ tăng trưởng công nghiệp cả nước.
Giám đốc Sở Công thương Thành phố - Bùi Tá Hoàng Vũ chia sẻ, TPHCM rất cần xây dựng một chiến lược phát triển mạnh mẽ cho riêng mình. Có mục tiêu thông điệp cụ thể để thực hiện công cụ quy hoạch và thực thi quy hoạch. TP cần tận dụng các xu thế phát triển về công nghệ xanh, biến những thế mạnh thành giá trị gia tăng.
Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền, Trường Đại học Nguyễn Tất Thành cho rằng, TPHCM cần xây dựng cơ sở phù hợp với sản xuất xanh, từ đó kiến tạo không gian mới.
Theo ông, Thành phố phải trở thành trung tâm, mắt xích quan trọng trong phát triển toàn cầu, quy hoạch thành trung tâm trung chuyển để kết nối toàn cầu, tập trung dịch vụ, công nghiệp và là trạm trung chuyển. Tập trung vào sản phẩm công nghiệp phụ trợ - những công đoạn có giá trị gia tăng cao và có sự kết nối giữa các địa phương.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM cho biết, ngành chế biến lương thực thực phẩm Thành phố chiếm 19% tỉ trọng trong các ngành sản xuất. Trong 5 năm qua, ngành này tăng trưởng 7%.
Bà Lý Kim Chi đề xuất, cần có chuỗi chế biến sản xuất liên ngành, trong đó, phát triển các nhóm doanh nghiệp đầu ngành.
Hiện Thành phố có những doanh nghiệp đầu ngành, nhiều sản phẩm đã xuất khẩu đến các nước lớn trên thế giới. Phần còn lại là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, nên rất cần nhà nước hỗ trợ để phát triển lớn mạnh hơn.
Ông Lê Văn Việt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Thêu đan TPHCM cũng đề nghị thành phố tái khởi động ngành công nghiệp hỗ trợ, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Đề xuất Thành phố có quỹ đất để phát triển trung tâm thời trang.
Ông Trương Thanh Hoài, Cục Trưởng Cục Công nghiệp – Bộ Công thương đánh giá, nội lực của TPHCM rất lớn, cần xác định nhóm ngành cụ thể nào phải làm.
Theo ông, có hai vấn đề cần phải xem xét, đó là xây dựng các sản phẩm có thương hiệu lớn của Thành phố, và phát triển công nghiệp hỗ trợ.
Lệ Loan/VOH