TP.HCM thực hiện nghị quyết mới: Nền tảng của Luật Đô thị đặc biệt

Published Date
28/06/2023

(PLO)- TS Trần Du Lịch cho rằng khi thực hiện nghị quyết mới phải phân công rõ ràng trách nhiệm của bộ ngành và của TP.HCM để không còn cảnh 'hỏi qua hỏi lại'.

Ngày 27-6, Báo Người Lao Động đã tổ chức hội thảo hiện thực hoá Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM.

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia khẳng định việc Quốc hội thông qua Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM với 481/484 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (97,37%) thể hiện sự đồng thuận rất cao của Quốc hội, càng chứng tỏ nghị quyết mới hoàn toàn hợp lòng dân.     

TP.HCM thực hiện nghị quyết mới: Nền tảng của Luật Đô thị đặc biệt ảnh 1

Nhà báo Tô Đình Tuân, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BTC

Các chuyên gia đã có nhiều góp ý sâu sắc cho TP triển khai thực hiện tốt nghị quyết mới một cách nhanh chóng. 

Quy định rõ trách nhiệm để cán bộ dám làm 

TS Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, khẳng định nghị quyết mới sẽ là nền tảng để tương lai Quốc hội xây dựng Luật Đô thị đặc biệt. Trong đó việc tập trung phân cấp, uỷ quyền sẽ không còn cảnh “xin - cho”, không còn cảnh sở hỏi bộ, bộ trả lời. “Làm sao không còn cảnh hỏi qua hỏi lại, làm sao biết chuyện này là chuyện của TP, chuyện kia là chuyện của bộ, ngành một cách rõ ràng” - TS Lịch nói.     

TP.HCM thực hiện nghị quyết mới: Nền tảng của Luật Đô thị đặc biệt ảnh 2

TS Trần Du Lịch phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BTC

Theo TS Lịch, hiện quá trình chuẩn bị để hiện thực hóa ngay các cơ chế trong nghị quyết là khá tốt.  

Góp ý cho TP thực hiện nghị quyết mới, TS Lịch cho rằng để nâng cao chất lượng nền công vụ hành chính thì cần sự triển khai đồng bộ thể chế, tổ chức bộ máy vận hành và cán bộ công chức.

Bởi chế độ đãi ngộ đối với cán bộ vẫn chưa đủ, chưa kể, bộ máy của TP Thủ Đức cũng chưa tương xứng với quy mô, cần phải tính toán lại. “Tôi tin rằng cán bộ, công chức TP không phải trốn trách nhiệm mà nếu quy định trách nhiệm rõ thì họ sẽ làm, còn nếu lơ mơ thì không ai dám làm” - TS Lịch nêu. 

TS Lịch cũng kỳ vọng với nghị quyết mới và tất cả sự chuẩn bị về đầu tư, hạ tầng đô thị, nhất là giao thông, thì hai điểm nghẽn lớn nhất của TP là thể chế và hạ tầng sẽ được tháo gỡ trong thời gian tới để hướng tới giai đoạn phát triển mới. “Chưa bao giờ TP có được điều kiện tốt, tạo sức bật như hiện nay” - TS Lịch nói thêm. 

TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, bày tỏ tâm đắc khi nghị quyết mới cho TP.HCM được phép thí điểm những gì chưa có. “Đây sẽ là cơ sở pháp lý, thể chế đảm bảo cho quá trình thực thi tới đây của TP, tránh được nhiều rủi ro, nhất là trong bối cảnh mọi thứ đang chậm lại, một bộ phận cán bộ, công chức e dè, không dám làm” - TS Trần Đình Thiên nhìn nhận.   

TP.HCM thực hiện nghị quyết mới: Nền tảng của Luật Đô thị đặc biệt ảnh 3

TS Trần Đình Thiên phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BTC

 Theo ông, một việc TP cần làm ngay là công tác con người. Ông cho rằng nghị quyết đã cho TP cách tổ chức bộ máy phù hợp với vai trò, tầm vóc của TP với việc chủ động biên chế cấp cơ sở. Do đó, TP cần sắp xếp lại bộ máy tổ chức hiệu quả, phân trách nhiệm cá nhân, mỗi công việc rõ ràng để có “khuôn mặt con người mới”. 

Trung ương phải có trách nhiệm với nghị quyết mới 

Cũng theo TS Trần Đình Thiên, TP.HCM phải thống nhất quan điểm, nhận thức rằng việc thực hiện nghị quyết mới hiệu quả không chỉ là nhiệm vụ của TP mà cần phải là sự hỗ trợ, phối hợp có hiệu quả, tích cực từ Trung ương.  

“Cơ chế, chính sách tại nghị quyết này vượt qua thể chế thông thường, nếu không được hỗ trợ từ Trung ương với cơ chế đảm bảo thì khó thành công. Tất nhiên là bản thân TP phải làm hết lòng, hết sức nhưng Trung ương phải có trách nhiệm để nghị quyết thành công” - TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh và đề nghị TP cần cộng hưởng sức mạnh của các địa phương giáp ranh để tạo nên sức mạnh mà “không thế lực nào kìm lại được”. 

Đồng tình, TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, gợi ý TP cần thành lập tổ công tác chuyên trách và độc lập để thực hiện nghị quyết, có sự tham gia của doanh nhân và giới nghiên cứu. Đồng thời, nên kiến nghị Trung ương có một tổ theo dõi thực hiện cơ chế trong nghị quyết mới, để cùng kiến nghị và gỡ khó ngay trong quá trình thực hiện, tránh chờ đợi mất thời gian.     

TP.HCM thực hiện nghị quyết mới: Nền tảng của Luật Đô thị đặc biệt ảnh 4

TS Nguyễn Đình Cung phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BTC

 

Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, đề nghị TP phải phối hợp tốt với Trung ương để tổ chức thực hiện, nhất là các tài sản công trên địa bàn TP còn lãng phí, dùng sai mục đích phải được xử lý để có nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Ngoài ra, không nên đợi 3 năm, 5 năm mới sơ kết, tổng kết mà trong quá trình phối hợp, “cái gì kẹt thì gỡ, cái gì cần đột phá thì phải làm ngay”.

TP.HCM khẩn trương triển khai nghị quyết  

TP.HCM đang rất khẩn trương chuẩn bị về tâm thế, các nội dung, các điều kiện triển khai nghị quyết mới.    

Đầu tháng 7-2023, TP.HCM sẽ tổ chức hội nghị toàn TP để triển khai nghị quyết. Trong quá trình đó, TP sẽ phối hợp với các cơ quan trung ương, các viện, trường, các chuyên gia để cụ thể hóa hơn các cơ chế, chính sách, sắp xếp ưu tiên để triển khai trong thời gian sắp tới.       

TP.HCM thực hiện nghị quyết mới: Nền tảng của Luật Đô thị đặc biệt ảnh 5

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi phát biểu từ đầu cầu Hà Nội. Ảnh: BTC

  Chúng tôi hiểu việc triển khai nghị quyết rất khó khăn nên TP.HCM sẽ chủ động phối hợp với các cơ quan trung ương, chuyên gia để chuẩn bị tốt nhất.    

TP.HCM rất mong muốn các cơ quan trung ương hỗ trợ TP để triển khai nghị quyết đạt kết quả cao nhất.  

Chủ tịch PHAN VĂN MÃI phát biểu từ đầu cầu Hà Nội.

Theo  LÊ THOA/Báo Pháp luật TP.HCM

https://plo.vn/tphcm-thuc-hien-nghi-quyet-moi-nen-tang-cua-luat-do-thi-dac-biet-post739673.html