TPHCM trên đường đến với danh hiệu Thủ đô sách thế giới
TPHCM được xem là điểm sáng trong phong trào phát triển văn hóa đọc trên cả nước. Với những nỗ lực làm lan tỏa văn hóa đọc và những định hướng rõ ràng cho hành trình sắp tới, TPHCM hội đủ yếu tố để là thành phố đầu tiên của Việt Nam nhận danh hiệu Thủ đô sách thế giới của UNESCO.
Nhiều năm chuẩn bị
Tùy từng thời điểm trong ngày, các hoạt động thuộc khuôn khổ ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba tại TPHCM (cao điểm diễn ra từ 17 - 21/4) khi đông, khi vắng. Nhưng dù lượng khách thay đổi như thế nào, không khí của thành phố những ngày qua cũng sôi động hơn.
Sáng 17/4, đông đảo bạn đọc nhí đến với ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, tại TPHCM
Tại Đường sách TPHCM, các hoạt động liên quan đến sách nối nhau diễn ra từ đêm đến ngày. Không chỉ được mua sách với giá hời hơn, bạn đọc còn có cơ hội giao lưu với các nhà văn, diễn giả, đại sứ văn hóa đọc của thành phố. Sự nhộn nhịp này tạo cho khu trung tâm sinh khí mới và đâu đó có thể neo lại trong lòng khách du lịch ấn tượng về một thành phố chuộng sách, yêu văn hóa đọc.
Còn nhớ, tại hội nghị triển khai công tác xuất bản và phát hành xuất bản phẩm năm 2023 (tháng 2/2023 ở TPHCM), những nội dung liên quan việc định hướng để TPHCM đăng ký danh hiệu Thủ đô sách thế giới vào năm 2025 đã được nhắc tới. Thời điểm đó, thông tin trên không gây bất ngờ cho những người làm trong ngành xuất bản, phát hành. Nhiều năm qua, những nỗ lực trong phát triển văn hóa đọc từ Sở Thông tin và Truyền thông TPHCM và các đơn vị, cá nhân liên quan là điều dễ thấy.
Đứng tại không gian diễn ra ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam ở TPHCM, ông Lê Hoàng - Giám đốc Công ty Đường sách TPHCM - nói ông vui vì sự kiện năm nay tiếp tục nhận được sự hưởng ứng tích cực từ nhiều đơn vị. Số lượng và chất lượng các hoạt động cũng tăng. Với ông, sự sôi động của ngày hội sách hiện tại là một trong nhiều yếu tố giúp thành phố tiến gần hơn tới việc được UNESCO công nhận là Thủ đô sách thế giới.
Chia sẻ với Báo Phụ nữ TPHCM, ông Lê Hoàng cho biết: “Với nhiều năm hoạt động trong ngành xuất bản và phát triển văn hóa đọc, tôi thấy lời đề nghị UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc) công nhận TPHCM danh hiệu Thủ đô sách thế giới là phù hợp, xác đáng. TPHCM rất quan tâm đến việc phát triển văn hóa đọc, khuyến đọc trong cộng đồng. Lấy một dẫn chứng cụ thể là nếu trước đây TPHCM có hội sách lớn nhất cả nước, quy tụ hàng triệu người dân tham gia, nhưng được tổ chức 2 năm 1 lần tại công viên Lê Văn Tám, thì nay thành phố có điều chỉnh, quyết định tổ chức mỗi năm 1 lần vào dịp tết Nguyên đán. Hội sách tết đến nay đã trở thành sự kiện văn hóa tiêu biểu của thành phố”.
Danh hiệu không là đích đến duy nhất
Ông Lê Hoàng nói: để TPHCM trở thành điểm sáng trong phong trào phát triển văn hóa đọc là việc không dễ dàng. Quá trình này cần nhiều thời gian và sự chung tay từ các đơn vị. Đến nay, không chỉ ở các hoạt động cấp thành mà trong chuỗi sự kiện diễn ra ở các quận, huyện, trường học, việc khuyến đọc cũng đã được chuyển tải một cách tích cực.
Kể từ năm 2001, mỗi năm, UNESCO công nhận 1 thành phố là Thủ đô sách thế giới. Năm 2024, TP Strasbourg của Pháp nhận được vinh dự này. Trong khu vực Đông Nam Á, hiện chỉ mới có thủ đô Bangkok của Thái Lan được công nhận vào năm 2013. Nhiều thành phố khác trên thế giới cũng giống như TPHCM - đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí mà UNESCO đề ra để được nhận danh hiệu.
Khu vực diễn ra ngày hội sách tại TPHCM cũng là điểm check-in quen thuộc của du khách quốc tế. Ảnh: Diễm Mi.
Tuy nhiên, việc trở thành Thủ đô sách thế giới không phải là đích đến duy nhất cho những nỗ lực của thành phố trong suốt thời gian qua. Lớn hơn là mong muốn phát triển văn hóa đọc, thúc đẩy ngành xuất bản phát triển. Hiện TPHCM đang khảo sát thói quen đọc sách của học sinh và người dân. Theo tiết lộ từ ông Lê Hoàng, trong khoảng 3-4 tháng nữa, khảo sát này sẽ được công bố để thành phố có giải pháp khuyến đọc hiệu quả hơn. Trước nay, TPHCM chưa có khảo sát cụ thể nào về số lượng và đầu sách đọc mỗi năm nên chưa thể nhận định chính xác thói quen đọc sách của người dân.
Với những gì đã đạt được trong thời gian qua và định hướng hoạt động sắp tới, việc TPHCM trở thành Thủ đô sách thế giới là vấn đề sớm muộn.
Khi được công nhận, thành phố sẽ phải nỗ lực để giữ vững danh hiệu, chí ít trong 1 năm đương nhiệm, với nhiều hoạt động không chỉ trong nước mà còn phải mang tính quốc tế. Tuy nhiên, thử thách cũng chính là động lực để cơ quan chức năng, các đơn vị trong ngành xuất bản phấn đấu, nỗ lực hoàn thành trách nhiệm, đáp lại sự kỳ vọng từ công chúng.
Diễm Mi - https://www.phunuonline.com.vn/tphcm-tren-duong-den-voi-danh-hieu-thu-do-sach-the-gioi-a1516765.html