TPHCM và cơ hội lớn tạo đột phá thu hút FDI

Published Date
15/03/2024

Năm 2024 được kỳ vọng là năm đột phá trong thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Trong đó TPHCM phải nắm vai trò tiên phong. Thời điểm này cũng là cơ hội hiếm hoi mà nếu bỏ qua nó, sẽ còn rất ít cơ hội cho chúng ta.

Sáng 14-3, Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) và Trung tâm hỗ trợ hội nhập quốc tế - Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM phối hợp tổ chức hội nghị triển vọng và giải pháp thu hút nhà đầu tư trong bối cảnh thực thi thuế tối thiểu toàn cầu và các xu hướng mới.

                                                                                                                                          TS Vũ Tiến Lộc phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh: M. HOA

Tại hội nghị, các chuyên gia đã khẳng định bối cảnh áp thuế tối thiểu toàn cầu cùng những diễn biến của kinh tế thế giới hiện nay đang mang đến cho Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cơ hội để bứt phá trong thu hút đầu tư, hiện thực hóa khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.

TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, trọng tài viên VIAC cho rằng, thế giới hiện nay đang đối diện với khủng hoảng, nhưng đồng thời cũng đang chuyển mình mạnh mẽ. Cả thế giới đang tái cấu trúc nền kinh tế, theo hướng xanh, số, công nghệ. Trong 3 năm qua, FDI toàn cầu suy giảm cả về cam kết và thực hiện. Nhưng tại Việt Nam FDI cam kết ngày càng tăng mạnh, số lượng giải ngân cũng tốt lên từng năm. Chưa bao giờ việc thu hút những "đại bàng", nhà đầu tư chiến lược, chất lượng có thể trở thành hiện thực như bây giờ.

Theo chuyên gia này, để Việt Nam và TPHCM không bỏ lỡ cơ hội này cần cái nhìn rất đa chiều, đầy đủ về các nhà đầu tư chiến lược.

Thảo luận thêm về “nhà đầu tư chiến lược”, PGS-TS Nguyễn Anh Thi, Trưởng ban Quản lý Khu Công nghệ cao TPHCM cho rằng nhà đầu tư chiến lược là nhà đầu tư phải giúp chúng ta nâng cao năng lực công nghệ và xây dựng được cả hệ sinh thái doanh nghiệp. Ông cũng nhấn mạnh rằng TPHCM phải đảm nhận sứ mệnh tiên phong trong xây dựng thể chế của quốc gia và thu hút nhà đầu tư chiến lược.

Chia sẻ thêm về việc thu hút nhà đầu tư chiến lược hiện nay, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cho biết, Nghị quyết 98 quy định cụ thể về tiêu chí của một nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, điều băn khoăn là họ vẫn phải tham gia đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư.

ại hội nghị, một số ý kiến từ chuyên gia kinh tế cũng lo ngại trước thực trạng công chức, lãnh đạo vì phải đối mặt với rủi ro pháp lý, nên không dám đưa ra quyết sách, khiến nhà đầu tư bị chậm trễ thủ tục, nản lòng và bỏ đi.

Ông Vũ Tiến Lộc, đại biểu Quốc hội, Chủ tịch VIAC cho rằng trong môi trường nhiều rủi ro như hiện nay, điều mà nhà đầu tư quan tâm nhất là sự ổn định, minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh. Tiếp đến là tạo được hệ sinh thái cho doanh nghiệp kết nối, phát triển, chứ không chỉ là các biện pháp hỗ trợ về tiền bạc, thuế, ưu đãi.

Do đó, các chính sách ưu đãi không phải là duy nhất và quan trọng nhất để thu hút nhà đầu tư. Nếu môi trường đầu tư thuận lợi, nhà đầu tư có thể tạo ra nhiều tiền bạc, lợi nhuận mà không cần đến ưu đãi. Còn thủ tục chậm trễ, không có hệ sinh thái, thì dù có ưu đãi nhiều nhà đầu tư vẫn không mặn mà.

Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam cho rằng, cần phát động cuộc cải cách lần 2 cho kinh tế Việt Nam. Nếu như lần cải cách, mở cửa hơn 30 năm trước là để thoát nghèo, thì lần cải cách này là để trở nên giàu có. Mục tiêu này khó hơn nhiều nhưng không phải là không thực hiện được. Theo ông, cần phải đưa tinh thần cải cách, đổi mới như trước đây quay trở lại và TPHCM – như trước đây – vẫn là người đi đầu trong công cuộc đổi mới. “Phải bao dung với người đi trước, mở đường, có thể sai lầm nhưng không phải vì lợi ích cho mình. Nếu có sự yểm trợ như thế mới phát triển được”, ông nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến này, ông Đỗ Văn Sử, Phó Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ KH-ĐT, cho rằng TPHCM luôn là phòng thử nghiệm về thể chế, tiên phong, góp phần xây dựng thể chế của quốc gia. Ông Đỗ Văn Sử cho biết, Bộ KH-ĐT đang xây dựng nghị định về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư từ nguồn thu thuế tối thiểu toàn cầu. Nguồn tài chính của quỹ ngoài nguồn thu từ thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, còn có phần đóng góp từ ngân sách nhà nước và các nguồn ngoài ngân sách, như thu từ khoản lãi tiền gửi, các khoản đóng góp tự nguyện…

Trong 2 tháng đầu năm 2024, FDI vào Việt Nam đạt hơn 4,29 tỷ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 59,34 tỷ USD, tăng 19,2% so với cùng kỳ năm trước. Năm 2024 được kỳ vọng sẽ là năm “đột phá” trong thu hút đầu tư nước ngoài, hồi phục sản xuất và xuất khẩu. Đây cũng là năm đầu tiên Việt Nam bắt đầu triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2023/QH15 về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, với mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu là 15%.

TPHCM hiện dẫn đầu cả nước về số dự án và vốn đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, với 12.520 dự án, vốn đăng ký là 57,64 tỷ USD. Riêng trong năm 2023, TPHCM đã thu hút được 5,85 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài, tăng 48,5% so với cùng kỳ năm 2022; vốn thực hiện ước tính 36.261,5 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cùng kỳ; 2 tháng đầu năm 2024, TPHCM dẫn đầu cả nước về số dự án mới, điều chỉnh vốn và góp vốn mua cổ phần.

                                                                                                                                                                                                                                   MAI HOA - https://www.sggp.org.vn/tphcm-va-co-hoi-lon-tao-dot-pha-thu-hut-fdi-post730735.html