Trang mới trong hợp tác kinh tế Việt – Nga

Published Date
03/07/2024

5 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa giữa nước đạt 1,96 tỷ USD, tăng 51,4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 955,6 triệu USD, tăng 44,7%, nhập khẩu từ Nga về Việt Nam đạt 1 tỷ USD, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023.

Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa có chuyến thăm Việt Nam hai ngày đã mở ra nhiều cơ hội mới trong quan hệ hai bên. Cùng với tuyên bố chung, đã có 11 văn kiện được hai bên ký kết, trong đó có bản ghi nhớ giữa Tổng giám đốc Rosatom Alexey Likhachev và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt về kế hoạch xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ hạt nhân tại Việt Nam.

Các văn kiện khác tập trung vào hợp tác giáo dục đại học, phòng chống dịch bệnh, hợp tác năng lượng, dầu khí, thương mại song phương và đa phương...

Thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1950 đến nay, Việt Nam - Liên bang Nga đã phát triển mạnh mẽ trên hầu hết các lĩnh vực và đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện năm 2012. Hơn nữa, kể từ khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (EAEU) có hiệu lực, tăng trưởng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Nga đã có bước tiến mạnh mẽ và là điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp (DN) hai bên tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư.

Sau khi ký Hiệp định EAEU-FTA, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Nga tăng nhanh, đạt 5,5 tỷ USD năm 2021, tăng gần 90% so với năm 2016, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 3,2 tỷ USD, tăng 100% so với năm 2016. Tuy nhiên, sau xung đột Nga - Ukraine (tháng 2/2022), tình hình địa - chính trị - kinh tế không thuận lợi đã tác động tiêu cực tới thương mại song phương Việt - Nga. Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nga năm 2022 giảm trên 51% so với trước đó.

Năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên đạt 3,63 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Nga đạt 1,74 tỷ USD, tăng 12%, nhập khẩu của Việt Nam từ thị trường này đạt 1,89 tỷ USD, giảm 5,2%.

Ở chiều ngược lại, những mặt hàng Việt Nam nhập khẩu tăng mạnh từ Nga gồm quặng và khoáng sản các loại (9,7 triệu USD), than các loại, hóa chất, phân bón các loại, kim loại thường khác, linh kiện, phụ tùng ôtô...

Theo các nhà phân tích, việc Tổng thống Nga Putin đến Việt Nam không chỉ là một biện pháp ngoại giao mà còn mang lại lợi ích kinh tế cho Việt Nam qua việc:

Tăng cường quan hệ thương mại: Đây là cơ hội để cả hai nước thúc đẩy hợp tác kinh tế và thương mại. Các cuộc gặp gỡ có thể dẫn đến các thỏa thuận hợp tác mới, đầu tư và trao đổi thương mại giữa các công ty Nga và Việt Nam.

Đầu tư và hợp tác về năng lượng: Nga là một trong những đối tác quan trọng của Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng, đặc biệt là về khai thác và xuất khẩu dầu khí. Sự thăm hỏi của Tổng thống Putin có thể mở rộng cơ hội hợp tác trong lĩnh vực này; Hợp tác trong lĩnh vực vũ khí và quốc phòng: Mặc dù không phải là một yếu tố chính trong tác động kinh tế nhưng các thỏa thuận quốc phòng và vũ khí có thể có ảnh hưởng đến quan hệ hai nước, ảnh hưởng tới thương mại và hợp tác công nghệ; Tác động đến thị trường và tâm lý đầu tư và các nhà đầu tư, có thể làm tăng niềm tin vào nền kinh tế Việt Nam và làm tăng dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Tác động đến quan hệ ngoại giao và địa chính trị: Việc tăng cường quan hệ với Nga qua sự kiện này cũng có thể mang lại lợi ích trong các mối quan hệ đa phương và địa chính trị toàn cầu.

Mới đây, vào ngày 20/6, tại Phủ Chủ tịch, ngay sau buổi hội đàm giữa Chủ tịch nước Tô Lâm và Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Putin, hai nhà lãnh đạo cùng đoàn đại biểu cấp cao hai nước đã chứng kiến lễ trao 11 văn kiện hợp tác Việt Nam - Liên bang Nga trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Trong đó, lĩnh vực dầu khí có hai văn kiện hợp tác quan trọng.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Công ty Novatek cũng đã trao biên bản ghi nhớ hợp tác. Novatek là công ty thăm dò và khai thác khí đốt tư nhân lớn nhất tại Liên bang Nga với sản lượng đạt khoảng 70 tỷ m3/năm.

Cũng tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh lô 11-2 cho Tập đoàn Zarubezhneft. Những văn kiện hợp tác quan trọng này góp phần khẳng định hợp tác dầu khí đóng vai trò nền tảng trong quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga.

Năng lượng là lĩnh vực hợp tác truyền thống chiến lược và hiệu quả giữa Việt Nam và Liên bang Nga, trong đó nổi bật là Vietsovpetro và Rusvietpetro. Cho đến nay, Vietsovpetro vẫn là mảng hợp tác hiệu quả của hai nước, đóng góp khoảng 80% lượng dầu thô xuất khẩu hằng năm của Việt Nam.

Bên cạnh việc tiếp tục hợp tác trong khuôn khổ liên doanh Vietsovpetro đến năm 2030, các tập đoàn dầu khí lớn của Nga như Gazprom và Zarubezneft đang triển khai khai thác dầu khí tại thềm lục địa của Việt Nam.

Hợp tác kinh tế - thương mại Việt - Nga thời gian qua phát triển năng động nhưng chưa tương xứng với tiềm năng hai nước, do đó phía Nga sẵn sàng mở rộng cánh cửa đón DN Việt Nam sang hợp tác làm ăn.

Đặc biệt khi Nga triển khai chính sách hướng Đông với trọng tâm là chuyển hướng tăng cường quan hệ với các đối tác ở châu Á, trên cơ sở xác định thế kỷ XXI là "thế kỷ của châu Á", Việt Nam là đối tác tin cậy và còn nhiều tiềm năng để hai bên hợp tác toàn diện, đôi bên cùng có lợi.

                                                                                                                                                                                                                                      Phan Thế Hải - https://doanhnhansaigon.vn/trang-moi-trong-hop-tac-kinh-te-viet-nga-311846.html