Triển khai khu công nghiệp sinh thái tại Việt Nam hướng đến nền kinh tế xanh
Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Thành Quân phát biểu khai mạc
Sáng 12/4, tại TPHCM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên hợp quốc (UNIDO) tại Việt Nam tổ chức Hội thảo tổng kết dự án “Triển khai khu công nghiệp sinh thái (KCNST) tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu”.
Tham dự và phát biểu khai mạc hội thảo, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lê Thành Quân cho biết, dự án “Triển khai KCNST tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu" được phê duyệt và triển khai thực hiện từ tháng 5/2020. Đến nay, dự án có nhiều hoạt động liên quan thực hiện tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các địa phương, trong đó tập trung thực hiện các hoạt động hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong các KCN tại các địa phương như: TP Hải Phòng, TP Đà Nẵng, TPHCM, tỉnh Đồng Nai và TP Cần Thơ. Đến nay, dự án cơ bản đã hoàn thành các mục tiêu đề ra ban đầu; đã khuyến khích phát triển và lồng ghép KCNST trong thể chế, chính sách. Xác định và triển khai thực hiện các cơ hội KCNST nhằm đem lại lợi ích môi trường, lợi ích kinh tế và xã hội cho doanh nghiệp trong các KCN.
Việt Nam đã hình thành một hệ thống các KCN có mặt trên 61 tỉnh, thành trong cả nước với 422 KCN. Hơn 30 năm xây dựng và phát triển KCN tại Việt Nam cho thấy KCN là khu vực trọng điểm thu hút các dự án đầu tư trong và ngoài nước, là điểm đến của nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới, đã và đang đóng góp tích cực cho phát triển công nghiệp, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và cả nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên và các chính sách ưu đãi về thuế đã dần tới hạn; phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số đang trở thành xu thế chủ đạo, tất yếu của các quốc gia để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đồng thời đảm bảo an sinh xã hội, bảo vệ môi trường và hệ sinh thái. Việc phát triển KCN, khu kinh tế cần các mô hình mới với các chính sách phù hợp như mô hình KCNST để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư và tận dụng được cuộc CMCN 4.0.
Dự án “Triển khai KCNST tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu” là bước tiếp nối của việc triển khai thí điểm KCNST tại Việt Nam từ năm 2015 và tiếp nối chặng đường dài UNIDO hỗ trợ Việt Nam về sản xuất sạch hơn, sử dụng năng lượng hiệu quả trong công nghiệp. Dự án có sự can thiệp ở cả 3 cấp: tầm vĩ mô (về chính sách và khung pháp lý ở cấp quốc gia, vùng và địa phương), cấp KCN (tăng cường năng lực của các tổ chức hỗ trợ phát triển KCNST của quốc gia) và cấp doanh nghiệp (phát triển KCNST và nâng cao năng lực của các KCN và doanh nghiệp KCN).
Đến nay, dự án đã hỗ trợ được 90 doanh nghiệp với 663 giải pháp hiệu quả tài nguyên và sản xuất sạch hơn (RECP) tại 3 KCN Hiệp Phước (TPHCM), Amata (Đồng Nai) và Đình Vũ (Hải Phòng), trong đó 217 giải pháp đã được thực hiện góp phần tiết kiệm năng lượng, nhiên liệu, giảm phát thải C02 và đem lại lợi ích kinh tế cho ccác doanh nghiệp. Đồng thời, dự án cũng đã đề xuất thực hiện 41 giải pháp cộng sinh công nghiệp, 13 cơ hội cộng sinh công nghiệp – đô thị cho 5 KCN (Hiệp Phước, Amata, Đình Vũ, Hòa Khánh và Trà Nóc) với 18 trường hợp có tính khả thi cao, góp phần tối ưu hóa việc tái sử dụng chất thải, cụ thể hóa việc thực hiện kinh tế tuần hoàn.
Dự án góp phần thúc đẩy triển khai mô hình KCNST, phù hợp với Chiến lược Quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, các cam kết trong thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thực hiện kinh tế tuần hoàn và hiện thực hóa mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 của Việt Nam vào năm 2050.
Bà Lê Thị Thanh Thảo, đại diện Quốc gia Tổ chức phát triển công nghiệp Liên hiệp quốc (UNIDO) tại Việt Nam cho biết, công nghiệp hóa và tăng trưởng kinh tế thông qua cách tiếp cận và thúc đẩy mô hình KCNST góp phần quan trọng để tiến tới các mục tiêu này. Bên cạnh những hoạt động nhân rộng và tiếp tục hỗ trợ như các giai đoạn trước, dự án này có những điểm mới như xây dựng tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia về KCNST, hỗ trợ thiết kế KCNST ngay từ đầu để tối đa hóa hiệu quả, áp dụng các giải pháp kinh tế tuần hoàn, tăng cường hoạt động cộng sinh công nghiệp – đô thị, áp dụng công nghệ các bon thấp, công nghệ số và đổi mới sáng tạo, thu hút các nguồn tài chính xanh.
Dự án “Triển khai KCNST tại Việt Nam theo hướng tiếp cận từ Chương trình KCNST toàn cầu” sẽ kết thúc vào ngày 30/4/2024. Tại hội thảo, các đại biểu đã báo cáo tổng kết các kết quả nổi bật nhất của dự án trong quá trình thực hiện.
M.Hiệp - https://www.hcmcpv.org.vn/tin-tuc/trien-khai-khu-cong-nghiep-sinh-thai-tai-viet-nam-huong-den-nen-kinh-te-xanh-1491921363