Trình diễn những tích trò cổ truyền của rối nước Việt Nam tại Hàn Quốc
Các nghệ sỹ thuộc Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc sẽ có chuyến biểu diễn, giao lưu giới thiệu nghệ thuật múa rối Việt Nam tại Hàn Quốc trong gần 1 tháng.
Sân khấu múa rối nước thu nhỏ của nghệ sỹ Phan Thanh Liêm. (Ảnh: NVCC)
Từ ngày 10/8 đến 6/9, nhóm nghệ sỹ múa rối nước thuộc Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc do nghệ sỹ Phan Thanh Liêm dẫn đầu sẽ có chuyến biểu diễn và giao lưu tại Hàn Quốc.
Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Hàn Quốc và 30 năm ngày thành lập Nhà hát Joyful (Seoul, Hàn Quốc).
Cùng tham gia biểu diễn với nghệ sỹ Phan Thanh Liêm là các diễn viên Phan Văn Cảnh, Phan Văn Phong, Đặng Văn Bền. Đây là một trong những đoàn nghệ thuật truyền thống Việt Nam đầu tiên đến Hàn Quốc biểu diễn sau đại dịch. Theo kế hoạch, các nghệ sỹ sẽ có 20 buổi biểu diễn, với thời lượng 50 phút/buổi, tại 4 thành phố: Seoul, Gyungju, Yungduk, Chuncheon.
[Tâm huyết gìn giữ nghệ thuật múa rối nước truyền thống]
Khán giả xứ Kim chi sẽ được thưởng thức các tiết mục rối nước truyền thống sôi động và mang đậm dấu ấn văn hóa làng quê Việt như: Chú Tễu, Múa rồng, Múa lân, Múa phượng, Đánh cá, Chọi trâu, Cày cấy… Song song với trình diễn, đoàn cũng dành thời gian giao lưu, trò chuyện với khán giả về loại hình nghệ thuật truyền thống độc đáo này.
Nghệ sỹ Phan Thanh Liêm bên con rối của mình. (Ảnh: NVCC)
Chia sẻ cảm xúc của mình, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm cho biết anh rất vui khi nhận được lời mời biểu diễn tại Hàn Quốc. Chuyến đi này càng ý nghĩa hơn khi suốt 2 năm qua, mọi hoạt động nghệ thuật gần như “đóng băng.”
“Tôi thực sự hạnh phúc khi được biểu diễn trở lại, đặc biệt là được quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam tới khán giả nước ngoài,” Phan Thanh Liêm nói.
Đây là lần thứ 5 nghệ sỹ Phan Thanh Liêm được mời đến Hàn Quốc quảng bá nghệ thuật rối nước kể từ lần đầu tiên vào năm 2003. Trong các chuyến đi trước, khán giả đều tới xem rất đông và bày tỏ sự thích thú đối với nghệ thuật múa rối nước.
Đặc biệt, các buổi biểu diễn còn thu hút sự quan tâm của nhiều gia đình đa văn hóa Việt-Hàn. Nhiều cô dâu Việt ở Hàn Quốc đã cùng cả gia đình đến xem và hào hứng giới thiệu với chồng con về loại hình nghệ thuật độc đáo chỉ Việt Nam mới có.
Nghệ sỹ Phan Thanh Liêm là đời thứ 7 của một gia đình có truyền thống biểu diễn nghệ thuật múa rối nước. Cha của anh chính là nghệ nhân Phan Văn Ngải, người thầy của nhiều nghệ sỹ múa rối Việt Nam, tác giả của nhà thủy đình lưu động đang được các nhà hát múa rối nước sử dụng. Ông cũng chính là "cha đẻ" của hình tượng chú Tễu đang được trưng bày tại Bảo tàng Louvre (Pháp).
Trong thời gian tham gia hoạt động trong đoàn nghệ thuật múa rối nước của gia đình, nghệ sỹ Phan Thanh Liêm nhận ra sự hạn chế của mô hình sân khấu múa rối nước lớn là cồng kềnh, khó di chuyển, không thích hợp với một đoàn biểu diễn có ít người. Bởi thế, anh mày mò sáng tạo ra mô hình sân khấu múa rối nước thu nhỏ và cho ra mắt vào năm 2000.
Từ đó đến nay, với sân khấu múa rối nước thu nhỏ cơ động của mình, Phan Thanh Liêm không chỉ dễ dàng đi biểu diễn phục vụ tới các em nhỏ ở vùng sâu, vùng xa mà còn liên tục ra nước ngoài, giới thiệu một nét độc đáo của văn hóa Việt với bạn bè quốc tế. Anh góp phần không nhỏ trong việc giới thiệu và quảng bá văn hóa truyền thống Việt Nam với bạn bè thế giới./.
Theo giáo sư Hoàng Chương, Viện trưởng Viện Nghiên cứu, Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc, Phan Thanh Liêm là nghệ sỹ mang con rối đi nước ngoài nhiều nhất Việt Nam. Trong suốt 20 năm qua, gần như năm nào anh cũng có vài lần mang múa rối nước xuất ngoại, biểu diễn tại các sự kiện văn hóa ở nhiều nước trên thế giới như Ba Lan, Thái Lan, Đức, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Italy, Anh, Canada, Malaysia, Trung Quốc, Mỹ… Có những chuyến đi của anh kéo dài gần 1 năm do các tổ chức quốc tế “đặt hàng.” Anh như một “sứ giả văn hóa” thầm lặng quảng bá văn hóa Việt thông qua loại hình múa rối nước. |
Minh Thu (Vietnam+)