Đoàn Công tác số 5 của TP.HCM vừa kết thúc hải trình 7 ngày thăm, tặng quà, động viên quân và dân huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa và nhà giàn DK1.
Sau hai ngày lênh đênh trên biển, vượt qua 470 hải lý (gần 900km), đoàn đã đến đảo Cô Lin, thuộc cụm đảo Sinh Tồn, quần đảo Trường Sa.
Hải quân tiếp sức cùng ngư dân vươn khơi
Thiếu tá Nguyễn Xuân Duy, Chỉ huy trưởng đảo cho biết thời gian qua các cán bộ, chiến sĩ trên đảo đã làm tốt công tác tuyên truyền, là điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển.
Huyện đảo Trường Sa, nơi có nhiều âu tàu, khu dịch vụ hậu cần nghề cá và lực lượng hải quân luôn sẵn sàng giúp đỡ ngư dân vươn khơi, bám biển. Ảnh: NT |
Trong năm 2022 và 4 tháng đầu năm 2023, đảo đã thăm khám chữa bệnh, cấp thuốc cho 14 lượt ngư dân” - Thiếu tá Duy thông tin.
Trung tướng Nguyễn Văn Bổng, Chính ủy Quân chủng Hải quân, thăm hỏi lực lượng hải quân. Ảnh: NT |
Ngày 14-3-1988, 64 chiến sĩ hải quân nhân dân Việt Nam đã chiến đấu anh dũng để bảo vệ chủ quyền biển đảo trước sự xâm chiếm của quân Trung Quốc, 64 đồng chí đã hi sinh.
“Đây là những anh hùng của Hải quân, của quân đội chúng ta, biểu tượng sáng ngời để bảo vệ chủ quyền biển đảo, lãnh hải Tổ quốc” - ông nói.
Hải quân ở âu tàu đảo Trường Sa thăm hỏi các ngư dân tình hình đánh bắt, khai thác hải sản cũng như tuân thủ các quy định của pháp luật. Ảnh: NT |
Ông khẳng định: “Đảo Cô Lin không chỉ là nhà của các cán bộ chiến sĩ mà là nhà của ngư dân đang đánh bắt ở khu vực này”.
Tại điểm đảo Đá Đông A, nguồn lợi thủy sản nhiều, tập trung nhiều tàu cá ngư đến khai thác. Theo Đại úy Thân Minh Phúc, Chỉ huy trưởng đảo, một lý do nữa là lực lượng trên đảo đã xây dựng được sự tin yêu của ngư dân.
“Khi lên trên đảo thì giữa các cán bộ chiến sĩ và ngư dân có tình cảm rất đặc biệt, để lại tình cảm, ấn tượng tốt nên bà con thường xuyên ra đây, qua đó cùng các chiến sĩ giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc” - Đại úy Phúc nói.
Âu tàu ở đảo Đá Tây A, huyện đảo Trường Sa cũng là nơi ngư dân thường ghé vào tránh trú bão cũng như tiếp thêm nhiên liệu, lấy nước ngọt và lương thực, thực phẩm. Ảnh: NT |
Chỉ huy đảo Đá Đông A cũng cho biết trong hành trình nếu gặp sóng gió, không về đất liền được thì bà con ghé vào, đảo sẽ cung cấp lương thực thực phẩm để bà con bảo đảm sinh hoạt.
Trường Sa là mái nhà bình yên cho ngư dân bám biển
Thượng tá Nguyễn Trung Hiếu, Chính trị viên đảo Cô Lin, cho biết những tàu ngư dân đi đánh bắt ở ngư trường Trường Sa thì Hải quân luôn là điểm tựa để ngư dân vươn khơi, bám biển được an toàn nhất.
Sự hiện diện của lực lượng hải quân giúp ngư dân am tâm vươn khơi, bám biển giữ vững chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: NT |
Ông Hiếu cho biết đây là trách nhiệm, vinh dự, tự hào của những người lính Hải quân đang canh giữ vùng trời, vùng biển và hải đảo ở khu vực.
Hiện tại, Quân chủng Hải quân cũng có chương trình như “Chương trình Hải quân Việt Nam làm điểm tựa cho ngư dân”. Bất kỳ ngư dân nào khi gặp các vấn đề khó khăn, gặp bão, ốm đau, cần thuốc men… thì Hải quân luôn sẵn sàng giúp đỡ.
Thiếu tá Trần Cộng Hòa và Đại úy Vũ Hoàng Tùng gặp gỡ, tuyên truyền pháp luật cho các ngư dân neo đậu tại âu tàu trên đảo Trường Sa. Ảnh: NT |
Tại đảo Sinh Tồn, Thượng úy Hoàng Xuân Bảo, Bệnh xá Trưởng Bệnh xá đảo Sinh Tồn, cho biết hiện ngư dân gặp tai nạn trên biển kể cả ruột thừa, đột quỵ, tai nạn đều có thể tiến hành cấp cứu.
“Phương tiện tại chỗ có thể tiến hành thăm khám, điều trị, cấp cứu cơ bản đến tầm trung phẫu, tiểu phẫu… khó hơn thì cấp cứu ban đầu rồi di chuyển bệnh nhân bằng đường không về đất liền vào thẳng Bệnh viện 175 tại TP.HCM” - Thượng úy Bảo thông tin.
Đảo Đá Tây A có âu tàu mỗi ngày cung cấp gần 1000 cây đá hỗ trợ ngư dân vươn khơi, bám biển. Ảnh: NT |
“Sự hi sinh cống hiến của các đồng chí rất quan trọng. Cố gắng, trong điều kiện cho phép, tất cả các ngư dân vào đây thì mình chăm sóc, chữa bệnh, cấp cứu và kết nối với đất liền để chữa trị” - ông Bổng nói.
Ngư dân Nguyễn Văn Tuấn, thuyền trưởng tàu cá Ninh Thuận, gửi lời cảm ơn chân thành đến các lực lượng trên đảo đã hỗ trợ những ngư dân như mình vươn khơi bám biển, ổn định sinh kế. Ảnh: NT |
Trung tướng Nguyễn Văn Bổng khẳng định: “Đảo là nhà, biển cả là quê hương của chúng ta và đây cũng là nhà, quê hương của ngư dân nên ngôi nhà này phải rộng mở để đón, giúp đỡ hỗ trợ ngư dân đánh bắt hải sản trên vùng biển của chúng ta. Chúng ta phải bảo vệ dân, giúp dân, hỗ trợ dân".
Theo NGUYỄN TÂN/Báo Pháp luật TP.HCM