Họa sĩ Hồ Minh Quân thích hội họa từ bé, năm 16 tuổi, anh thi đậu vào hệ trung học của Trường Mỹ thuật Huế, sau đó là 5 năm học đại học. Đối với một họa sĩ, thời gian 8 năm học cũng chưa là gì, bởi nếu không có sự rèn luyện, không tìm tòi, học hỏi cũng không có kết quả. 10 họa sĩ ra trường may mắn được 1-2 người làm nghề, có khi không được ai.
“Khi tôi ra trường, lúc đó là năm 1985, cuộc sống vô cùng khó khăn. Thời đó, đất nước chưa mở cửa, tranh bán ra không ai mua, nhiều người phải đi tìm những công việc khác để kiếm sống. Tôi nhớ, họa sĩ Salvador Dalí (người Tây Ban Nha) có nói một câu: “Đã là họa sĩ thì không nên nghèo”, tức là đã nghèo thì không thể sáng tác được, ý là phải có kinh tế ổn định, dồn trí lực vào tác phẩm và không phải lo nghĩ cuộc sống ngày thường, lúc đó mới yên tâm vào sáng tác. Sau khi ra trường, thành công đầu tiên từ năm 2008, tôi liên tiếp được nhiều giải thưởng của Hội Mỹ thuật Việt Nam và Hội Mỹ thuật TPHCM. Đây cũng là nguồn động viên lớn. Trước đó, tôi 2 lần được lựa chọn tham dự Triển lãm tranh quốc tế ở Bắc Kinh (Trung Quốc), triển lãm tại Ấn Độ”, anh Minh Quân chia sẻ.
Với người họa sĩ, có nhiều đề tài và khuynh hướng để vẽ. Với anh, Trường Sa là điều thiêng liêng, chưa đi Trường Sa nhưng chỉ cần nghe các ca khúc về Trường Sa đã có tình cảm đặc biệt. Năm 2013, lần đầu tiên Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân chọn một số họa sĩ của Hội Mỹ thuật Việt Nam đi Trường Sa. Anh xúc động: “Khi được chọn đi, đêm đầu tiên, tôi và 6 anh em họa sĩ không ngủ được vì thổn thức, lạ lẫm, nói tới Trường Sa là nơi xa xôi, khó khăn, là cảm hứng nên rất thích. Đảo đầu tiên tôi đặt chân lên là Song Tử Tây, kể từ đó trở đi tôi cảm giác Trường Sa là nguồn cảm hứng bất tận. Những tác phẩm vẽ về Bộ đội Cụ Hồ, chiến sĩ hải quân lần lượt ra đời và vẽ về biển, vẽ về bộ đội hải quân với tôi là nguồn cảm hứng không bao giờ cạn”.