Văn hóa đọc đã và đang len lỏi trong đời sống

Published Date
15/05/2023

(PLO)- Ngoài những sự kiện sách thì sự góp mặt của 10 đại sứ đã trở thành điểm nhấn cho Ngày sách và văn hóa đọc lần hai tại TP.HCM.

Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 sẽ diễn ra từ ngày 19 đến 22-4 với thông điệp “Sách: Nhận thức - đổi mới - sáng tạo”; “Sách cho tôi, cho bạn”, “Mỗi người dân là một đại sứ văn hóa đọc”.  

Rộn ràng các hoạt động  

Lễ khai mạc Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần hai sẽ được tổ chức lúc 17 giờ ngày 21-4 tại Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế (Quốc Tử Giám, Huế). 

Trong dịp này, Bộ TT&TT tặng 3.000 cuốn sách cho huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế nhằm khuyến khích và thúc đẩy văn hóa đọc tại địa phương; UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ chuyển giao 770 ấn phẩm tủ sách Huế đến 49 điểm thư viện trên toàn tỉnh góp phần quảng bá, lan tỏa những giá trị văn hóa Huế, khích lệ văn hóa đọc, hướng tới xây dựng một xã hội đọc sách. 

Trong khuôn khổ lễ khai mạc, Bộ TT&TT sẽ công bố chương trình truyền thông khuyến đọc nhằm xây dựng các chuyên trang, chuyên mục giới thiệu, quảng bá sách và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng trên cơ sở hợp tác giữa các đơn vị chức năng của Bộ TT&TT với tám cơ quan báo chí. 

Ngoài ra, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế cũng phối hợp với Bộ TT&TT cùng các cơ quan liên quan tổ chức triển lãm, hội sách chào mừng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam lần hai (từ ngày 21 đến 25-4) tại khuôn viên Quốc Tử Giám (Bảo tàng Lịch sử Thừa Thiên-Huế).  

Còn tại TP.HCM, Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 có 100 hoạt động được tổ chức tại các quận, huyện của TP.  

Trong đó, hội sách tại Công trường Công xã Paris (trước Bưu điện TP) và đường sách Nguyễn Văn Bình (quận 1) có 80 hoạt động. 

Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT&TT TP.HCM, cho biết năm nay Ngày sách và văn hóa đọc không chỉ hoạt động cấp TP mà lan tỏa đến 15 quận, huyện cùng tham gia tổ chức.

     
Văn hóa đọc đã và đang len lỏi trong đời sống ảnh 1


Người dân đến tham quan và mua sách tại đường sách TP.HCM. Ảnh: VĂN HÀ
 

Cụ thể, tại khu vực quận 1 sẽ diễn ra hơn 70 chương trình giao lưu tọa đàm, diễn đàn, hội thi về sách với các chuyên đề về sách, kỹ năng hình thành thói quen đọc sách, các chương trình giao lưu tác giả, tác phẩm, ra mắt sách, ký tặng sách... tại ba địa điểm chính: Sân khấu đường Công xã Paris, sân khấu A của đường sách Nguyễn Văn Bình và các gian hàng.

Ngoài ra còn có các không gian triển lãm, trưng bày hơn 300 tư liệu, 30.000 tựa sách và nhiều chương trình khuyến mãi từ 30 đơn vị xuất bản, phát hành sách.  

Ban tổ chức cũng phát động “Ngày nhận sách miễn phí (21-4)” hằng năm dành cho người dân TP, bạn đọc khi đến tham gia Ngày sách và văn hóa đọc

Lan tỏa văn hóa đọc  

Đại sứ văn hóa đọc, TS Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản (NXB) Trẻ, nhớ lại: Những hoạt động chuẩn bị cho Ngày sách và văn hóa đọc lần hai cho tôi cảm xúc rất ngọt ngào bởi tôi vẫn nhớ từ năm 2006 đến 2008, khi còn ở NXB Trẻ, chúng tôi đã đau đáu câu chuyện làm sao để lan tỏa văn hóa đọc. 

Chúng tôi cùng một số anh chị em hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và văn hóa thành lập dự án “Sách hay”. Dự án đó chúng tôi quy tụ hơn 100 trí thức trong cả nước và một công việc đầu tiên của dự án là tổ chức nhiều cuộc hội thảo và từ các cuộc hội thảo chúng tôi vận động để Nhà nước có một ngày sách diễn ra.  

Sau mỗi cuộc hội thảo đó, chúng tôi đều lấy chữ ký của công chúng, đặc biệt là chữ ký của 1.000 bạn đọc đến với hội sách và nó đã làm nên sức nặng. Và tháng 2-2014, khi Thủ tướng ký quyết định chính thức lấy ngày 21-4 làm Ngày sách Việt Nam thì chúng tôi vỡ òa hạnh phúc. Sau bảy năm thì Thủ tướng tiếp tục ký quyết định lấy ngày 21-4 làm Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam.  

“Rõ ràng là một bước rất dài. Tôi thấy bây giờ lan tỏa văn hóa đọc không chỉ là chuyện của những người làm nghề xuất bản, văn hóa đọc không chỉ là trong các trường học mà đang xuống từng khu phố, người dân.  

Ngay trong đợt này tôi thấy sự tập trung của TP ngoài các quận, huyện thì những giới khác vẫn đang làm chuyện này như những cựu cán bộ Đoàn, cựu chiến binh hay cả trường quốc tế cũng tổ chức các cuộc thi kể chuyện về sách (dành cho các lớp 1, 2, 3), hay nhà sáng tạo (các lớp 4, 5). Không chỉ đối với học sinh mà thư viện nhà trường còn kêu gọi phụ huynh chia sẻ những câu chuyện cảm xúc của mình về việc đọc sách. 

Có thể nói, chúng ta đang đi và làm được những việc có hiệu quả. Và sự chung tay của mọi người sẽ giúp cho việc tôn vinh những người làm sách cũng như giá trị văn hóa đọc được lan tỏa” - TS Quách Thu Nguyệt nhấn mạnh.

Điểm mới với 10 đại sứ văn hóa đọc   

Bên cạnh quy mô diễn ra thì sự tham gia lần đầu tiên của 10 đại sứ văn hóa đọc là điểm nhấn của Ngày sách và văn hóa đọc năm 2023 tại TP.HCM.    

Đầu tiên là sự ủng hộ của nhiều tác giả sách như nhà nghiên cứu 103 tuổi Nguyễn Đình Tư; bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM; TS Quách Thu Nguyệt, nguyên Giám đốc, Tổng biên tập NXB Trẻ; tác giả Trung Nghĩa.  

Bên cạnh đó, các gương mặt nổi tiếng tham gia như biên tập viên, nhà báo, MC Tấn Tài; doanh nhân Lê Đăng Khoa, Chủ tịch Quỹ Le Group Ventures; Á hậu quốc tế Thúy Vân, nhà sáng lập Quỹ Inspired By SHE; ca sĩ Hồ Trung Dũng, nghệ sĩ luôn đam mê và đề cao việc đọc sách.  

Ngoài ra, Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 còn có sự đồng hành của đại sứ truyền thông truyền cảm hứng như anh Nguyễn Chánh Tín, tác giả kể câu chuyện vượt lên nghịch cảnh qua cuốn sách Tôi chọn sống; em Bùi Lưu Bảo Khánh, học sinh lớp 8, giải nhất hội thi “Lớn lên cùng sách” lần tám.  

Với sự đồng hành của 10 đại sứ văn hóa đọc nhiệm kỳ 2023-2024, ban tổ chức hy vọng sẽ truyền cảm hứng cho người dân và hướng đến mục tiêu “Mỗi người dân là một đại sứ văn hóa đọc”.

Theo VĂN HÀ/Báo Pháp luật TP.HCM