“Về nhà ăn cơm” để cảm nhận hương vị tình thân

Published Date
26/08/2022

 NDO -  Triển lãm “Về nhà ăn cơm” nằm trong chủ đề của chương trình Ngày quốc tế Thanh thiếu niên do Sở Văn hóa-Thể thao Hà Nội và UNESCO tại Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hà Nội). Triển lãm có sự tham gia của gần 30 nghệ sĩ trẻ. 

 Khách tham quan tại triển lãm  
Khách tham quan tại triển lãm "Về nhà ăn cơm".

 

Lấy cảm hứng từ ký ức, kỷ niệm về những câu chuyện về tình cảm gia đình nhóm họa sĩ trẻ đã xây dựng nên những “ bữa cơm” đượm vị gia đình tại triển lãm. “Về nhà ăn cơm” không chỉ là một câu mời gọi, thông báo thông thường mà nó còn là lời nhắn nhủ tràn đầy sự quan tâm của người thân, gia đình. 

Trong văn hóa của người Việt Nam, bữa cơm nhà có ý nghĩa quan trọng với các thành viên trong gia đình. Phòng bếp hay bàn ăn là nơi những cuộc hội thoại, chia sẻ, tâm sự, tương tác của mọi người diễn ra hằng ngày. Cũng chính vì lẽ đó, “bữa cơm nhà” không chỉ lưu giữ những kỷ niệm trong họ sau này mà còn là môi trường để hàn gắn những bất đồng quan điểm giữa các thế hệ qua những câu chuyện hằng ngày. 

Chủ đề của chương trình Ngày quốc tế Thanh thiếu niên của Liên hợp quốc năm nay bàn về việc “đối thoại giữa các thế hệ và làm sao để mọi người gắn kết hơn”. Với gần 30 tác phẩm qua góc nhìn của những nghệ sĩ trẻ, về những câu chuyện và những sự gắn kết mang đủ hương vị cuộc sống: đắng, cay, ngọt, bùi cùng nhiều sắc thái vui buồn, nhớ nhung.

Được làm từ chất liệu Digital tác phẩm “Chờ cơm” của tác giả Đỗ Mai Anh, gợi nhớ lại bữa cơm đạm bạc có đậu rán, dưa cà muối, lạc rang, thịt luộc, rau xào… của mẹ chờ con trở về nhà sau khi một thời gian đi làm xa. Dù chỉ là những món ăn đơn giản nhưng cũng có thể cảm nhận được hương vị của gia đình mộc mạc mà ấm cúng.

Tác phẩm “Rau muống” của tác giả Phong Nguyễn tái hiện một món ăn “quê nhà”, mang lại cho mỗi người sự đồng cảm, khiến khoảng cách giữa hai thế hệ gần nhau hơn. Với không ít người, những món ăn đậm đà hương vị như thế khiến bữa cơm gia đình trở nên trọn vẹn và giúp họ nghĩ về nhiều nhất khi đi xa.

Thông điệp chuyển tải qua triển lãm giúp người xem trở về với những giá trị gia đình thiêng liêng. Đó là tổ ấm luôn tràn ngập yêu thương, nơi mỗi người luôn hướng về sau một ngày dài mệt mỏi. Và bữa cơm gia đình cũng chính là chìa khóa của hạnh phúc, bởi chính bữa cơm ấy sẽ gắn kết các thành viên trong gia đình lại với nhau, xua tan những mệt mỏi, bỏ qua những giận hờn, phiền muộn.   

“Về nhà ăn cơm” để cảm nhận hương vị tình thân ảnh 1

Một tác phẩm hội họa về bữa cơm gia đình Việt Nam bình dị.

Sau một ngày bươn chải, có lẽ ai cũng mong muốn được trở về nhà, ăn bữa cơm với người thân để được cùng quây quần bên nhau. Những hình ảnh bình dị, thân thương ấy đã in sâu trong tâm khảm mỗi người. 

Trong cuộc sống hiện đại, bộn bề những lo toan mưu sinh hôm nay, mâm cơm gia đình đã và đang có vẻ ngày càng thiếu vắng các thành viên và trở nên tẻ nhạt, lạnh lẽo và thưa dần. Tình trạng ấy làm cho sự gắn kết trong gia đình giữa các thành viên trở nên lỏng lẻo, mọi sự chia sẻ hầu như là không còn. Triển lãm “Về nhà ăn cơm” giúp người xem, nhất là giới trẻ thêm trân trọng những điều giản dị nhưng ý nghĩa và cùng nhau bồi đắp cho tình cảm gia đình và những người thân của mình.

Các tác phẩm tại triển lãm không chỉ đơn thuần là những bức tranh đầy màu sắc mà tràn ngập trong đó những cảm xúc thân thương qua từng nét vẽ của các tác giả.

Theo PHƯƠNG ANH/Nhân dân online