Việt Nam có mức tăng trưởng kinh tế số cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP
Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm. Trong đó, năm 2022, kinh tế số Việt Nam tăng trưởng 28%, 2023 đạt 19%, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Đây là thông tin được công bố tại Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số diễn ra vào sáng 19/7 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính.
Mục tiêu của Hội nghị hướng tới việc báo cáo và thảo luận về các giải pháp để xây dựng Chính phủ số, xã hội số, công dân số, phục vụ phát triển kinh tế số, tháo gỡ những tồn tại, điểm nghẽn trong triển khai Đề án 06 của Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Hội nghị được kết nối trực tuyến từ trụ sở Chính phủ tới UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Việt Nam xác định ưu tiên cho tăng trưởng, thông qua làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng) và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới (kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, các ngành mới nổi như chip bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…).
Do đó, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cơ cấu lại nền kinh tế, phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong cả nhiệm kỳ, những nhiệm vụ này đều có quan hệ mật thiết với chuyển đổi số.
Theo Thủ tướng, trong bối cảnh hiện nay, lực lượng sản xuất chất lượng cao chính là khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trong đó có chuyển đổi số, ai nắm bắt được thì sẽ đi nhanh hơn, đột phá hơn, hiệu quả hơn. Đảng và Nhà nước đã xác định phương châm "bắt kịp, tiến cùng và vượt lên" trong nhiều lĩnh vực mới nổi, công nghệ cao.
Vì vậy, Thủ tướng khẳng định chuyển đổi số đã trở thành xu thế bắt buộc, không thể đảo ngược ở bình diện quốc tế, khu vực, quốc gia. Chuyển đổi số đã đến "từng ngõ, từng nhà, từng người", kinh tế số thẩm thấu vào mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, làm thay đổi cơ bản, sâu sắc các hoạt động kinh tế - xã hội.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Thủ tướng đã nghe báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông về tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam. Cụ thể, theo đánh giá của thế giới, tăng trưởng kinh tế số tại Việt Nam đang có nhiều tích cực và tăng dần qua các năm.
Điển hình như năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thì năm 2021 đã đứng thứ 3 và hai năm tiếp theo 2022, 2023 đứng thứ 1.
Đặc biệt, báo cáo của Google đã xác định kinh tế số Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 28%; 2023 đạt 19%, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.
Mặt khác, báo cáo về chỉ số sẵn sàng trí tuệ nhân tạo (AI) năm 2022 xếp Việt Nam hạng 55 toàn cầu, trong khi Singapore xếp thứ 2, Malaysia 29, Thái Lan 31. Về xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu, Việt Nam đứng vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng.
Còn theo đánh giá của Việt Nam, chỉ số chuyển đổi số quốc gia (DTI) tăng đều qua các năm, đến năm 2022 đạt 0,71 điểm; các chỉ số thành phần về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45% - 55%.
Bên cạnh đó, trong giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp, nếu năm 2019 mới chỉ đạt gần 11% thì từ năm 2020 đến nay có bước tăng trưởng đột phá, đạt 55%, tăng gấp 5 lần so với cả giai đoạn trước 2020; tỉ lệ hồ sơ trực tuyến năm 2019 chỉ khoảng 5%, thời điểm hiện tại, tỉ lệ này đạt 43% (tăng hơn 8 lần).
Riêng phát triển kinh tế số, Bộ Thông tin và Truyền thông ước tính tỉ trọng kinh tế số trong GDP Việt Nam năm 2023 đạt 16,5% và đến tháng 6/2024 là 18,5%...
Từ những kết quả đạt được trong thời gian qua, Thủ tướng tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi số toàn dân, toàn diện với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp, sự hợp tác, hỗ trợ của bạn bè, đối tác quốc tế, chú trọng xây dựng hạ tầng số, hoàn thiện thể chế số, đào tạo nhân lực số để "bắt kịp, tiến cùng và vượt lên" trong thế giới đầy biến động hiện nay.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu khai mạc Hội nghị
Đồng thời, đề nghị các đại biểu tập trung đánh giá tình hình chuyển đổi số thời gian qua, kết quả, thành tựu, tồn tại, hạn chế, phân tích nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp; có văn bản chỉ đạo, điều hành phù hợp sau Hội nghị để tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả.
Cùng với đó, Thủ tướng cũng dành thời gian phân tích về vai trò, tác động tích cực, mạnh mẽ của chuyển đổi số đối với việc thay đổi phương thức và nâng cao hiệu quả quản lý, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành. Thực tiễn thời gian qua cho thấy bài học kinh nghiệm rất quan trọng là việc chuyển đổi số nhanh, mạnh, hiệu quả có vai trò đặc biệt, mang tính quyết định của người đứng đầu ở các bộ, ngành, địa phương.
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á với tốc độ 38% một năm. Theo đó, khu vực số được kỳ vọng sẽ đóng góp khoảng 30% GDP vào năm 2030. Kinh tế số Việt Nam năm 2019 đạt giá trị 12 tỷ USD, đóng góp 5% GDP của đất nước, cao gấp 4 lần năm 2015, theo báo cáo "Nền kinh tế số Đông Nam Á 2019" (e-Conomy SEA 2019).
Việt Nam hiện là một trong những quốc gia có nền kinh tế số tăng trưởng nhanh nhất khu vực Đông Nam Á
Kinh tế Việt Nam cũng đang thay đổi nhanh thông qua việc áp dụng công nghệ số. Một số ngành công nghiệp tại Việt Nam đang được số hóa nhanh chóng, bao gồm thương mại điện tử, du lịch, nội dung số và fintech. Đây là những ngành tiềm năng cho nền kinh tế số Việt Nam trong thời gian tới.
Đặc biệt, tầng lớp trung lưu ở Việt Nam đang tăng nhanh nhất Đông Nam Á, hứa hẹn tiềm năng lớn cho lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe và bảo hiểm. Việt Nam cũng có lợi thế lớn về nguồn nhân lực công nghệ, có nhiều trường đào tạo ngành công nghệ thông tin, đây là nguồn cung cấp nguồn lao động chất lượng cao, trong đó có chuyên ngành công nghệ và khoa học dữ liệu.
Thanh An - https://doanhnhansaigon.vn/viet-nam-co-muc-tang-truong-kinh-te-so-cao-gap-3-5-lan-toc-do-tang-truong-gdp-312243.html